Việt Nam tin tưởng vào việc tái ứng cử Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ tới

Đại sứ Mai Phan Dũng phát biểu chung trong Phiên thảo luận chung tại đề mục về việc theo sát và thực hiện Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna (VDPA) trong khuôn khổ Khóa họp lần thứ 55 của HĐNQ. Ảnh: TTXVN
Đại sứ Mai Phan Dũng phát biểu chung trong Phiên thảo luận chung tại đề mục về việc theo sát và thực hiện Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna (VDPA) trong khuôn khổ Khóa họp lần thứ 55 của HĐNQ. Ảnh: TTXVN
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cùng với vai trò, vị thế của đất nước, sự tham gia tích cực, chủ động và có trách nhiệm của Việt Nam trong tư cách thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc (HĐNQ) nhiệm kỳ 2023 - 2025 hiện nay, sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với sự tham gia của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương quốc tế, chúng ta có cơ sở để tin tưởng vào sự ủng hộ của các nước đối với việc Việt Nam tái ứng cử vào HĐNQ nhiệm kỳ 2026 - 2028 sắp tới.

Trên cương vị thành viên HĐNQ nhiệm kỳ 2023 - 2025, Việt Nam tiếp tục có nhiều sáng kiến phù hợp với ưu tiên của Việt Nam và quan tâm chung của thế giới, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Tại Khóa họp lần thứ 55 của HĐNQ, diễn ra trong vòng 6 tuần từ ngày 26/2 - 5/4, Việt Nam cũng đã chủ động, tích cực xây dựng và phát biểu cả với tư cách quốc gia và thay mặt 4 nhóm nước về các chủ đề khác nhau, đóng góp vào hoạt động chung của Khóa họp.

Chia sẻ với báo chí, Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc (LHQ), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva cho biết, Khóa họp đã xem xét hơn 80 báo cáo, thảo luận, thương lượng nhiều lĩnh vực khác nhau liên quan đến quyền con người, từ biến đổi khí hậu, quyền lương thực, bình đẳng giới, đến những vấn đề như tác động của các cuộc xung đột tại Trung Đông, Ukraine và nhiều nơi khác trên thế giới tới thụ hưởng quyền con người.

Kết thúc Khóa họp, HĐNQ đã thông qua 32 nghị quyết và 2 quyết định, bao gồm cả những vấn đề mới như chống phân biệt đối xử và bạo lực với người liên giới tính; thông qua Báo cáo quốc gia theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của 14 nước; đồng thời bổ nhiệm nhân sự cho 14 Thủ tục đặc biệt của HĐNQ trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

Sự tham gia đông đảo của Lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế, cũng như các chủ thể khác xuyên suốt Khóa họp và trao đổi, thảo luận về các vấn đề thời sự, đang thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế thể hiện sự quan tâm cao của cộng đồng quốc tế đối với các hoạt động của HĐNQ, đồng thời cũng phản ánh vai trò quan trọng hàng đầu của cơ quan này trong thảo luận, quyết định các vấn đề liên quan đến quyền con người hiện nay.

Đại sứ Mai Phan Dũng nhấn mạnh, trong vai trò thành viên của HĐNQ nhiệm kỳ 2023 - 2025, Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đã tham gia tích cực vào quá trình thảo luận, ra quyết định của Khóa họp nêu trên.

Phát biểu của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tại Phiên họp cấp cao của Khóa họp 55 đã chia sẻ về những nỗ lực, kết quả Việt Nam đạt được trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và việc thụ hưởng đầy đủ quyền con người của người dân.

Bộ trưởng chia sẻ quan điểm, cách tiếp cận của Việt Nam về các vấn đề thuộc quan tâm chung của cộng đồng quốc tế hiện nay; nhấn mạnh yêu cầu duy trì và tôn trọng hòa bình, ổn định, luật pháp quốc tế, thúc đẩy tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, khoan dung, bao trùm, thống nhất và trân trọng sự khác biệt, đối thoại, hợp tác; đồng thời đặt người dân vào trung tâm mọi chính sách và bảo đảm phát triển bao trùm và bền vững.

Bộ trưởng cũng tái khẳng định các ưu tiên của Việt Nam khi tham gia HĐNQ, trong đó có bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, chuyển đổi số và quyền con người; thông báo Việt Nam đã thực hiện hoàn toàn gần 90% số khuyến nghị theo cơ chế UPR năm 2019 và chuẩn bị cho báo cáo UPR chu kỳ IV vào tháng 5/2024; cho biết sẽ đề xuất nghị quyết hàng năm về bảo đảm quyền con người trong bối cảnh biến đổi khí hậu tại Khóa họp 56 vào tháng 6/2024 sắp tới.

Để tiếp nối những đóng góp tích cực, cam kết mạnh mẽ và sự sẵn sàng đóng góp của Việt Nam, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tuyên bố và kêu gọi các nước ủng hộ Việt Nam tái ứng cử làm thành viên HĐNQ nhiệm kỳ 2026 - 2028.

Bên cạnh đó, Đại sứ Mai Phan Dũng cũng thông báo, tại Khóa họp vừa kết thúc, bên cạnh các phát biểu với tư cách quốc gia, Việt Nam cũng đã chủ động, tích cực xây dựng và phát biểu thay mặt 4 nhóm nước về các chủ đề khác nhau, đóng góp vào hoạt động chung của Khóa họp.

Cụ thể, Việt Nam đã phát biểu thay mặt cho ASEAN và Timor-Leste phát biểu tại phiên đối thoại với Báo cáo viên đặc biệt về quyền lương thực; thay mặt cho Nhóm nòng cốt của Nghị quyết về biến đổi khí hậu và quyền con người (gồm Bangladesh, Philippines và Việt Nam) tại phiên đối thoại về Báo cáo của Cao ủy Nhân quyền LHQ về chủ đề các biện pháp giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu đối với việc thụ hưởng quyền lương thực; thay mặt cho nhóm 22 nước liên khu vực phát biểu tại phiên thảo luận chung ngày 27/3/2024 về chủ đề bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu của người dân trong xung đột vũ trang.

Việt Nam cũng đã phát biểu thay mặt nhóm 63 nước liên khu vực tại phiên thảo luận chung ngày 3/4/2024 về chủ đề đẩy nhanh tiến trình thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững để thúc đẩy bình đẳng giới.

Đây là những vấn đề Việt Nam ưu tiên, tích cực thúc đẩy, cũng là những vấn đề thuộc quan tâm, ưu tiên cao của cộng đồng quốc tế hiện nay.

Việc đông đảo các nước ủng hộ, tham gia đồng bảo trợ các phát biểu chung này cho thấy sự đánh giá cao vai trò, tiếng nói của Việt Nam, cũng như khả năng kết nối, thúc đẩy trao đổi, đối thoại của Việt Nam trên các vấn đề liên quan đến quyền con người tại HĐNQ.

Trong đó, phát biểu chung về chủ đề đẩy nhanh tiến trình thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững để thúc đẩy bình đẳng giới, với sự tham gia đồng bảo trợ của 63 nước đến từ các khu vực địa lý, trình độ phát triển khác nhau, là một trong những phát biểu chung có sự ủng hộ rộng rãi nhất tại Khóa họp thường kỳ của Hội đồng Nhân quyền LHQ.

“Cùng với vai trò, vị thế của đất nước, sự tham gia tích cực, chủ động và có trách nhiệm của ta trong tư cách thành viên HĐNQ nhiệm kỳ 2023-2025 hiện nay, sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với sự tham gia của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương quốc tế, gần đây nhất là việc ECOSOC đã tín nhiệm bầu Việt Nam vào Hội đồng Chấp hành Cơ quan LHQ về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) nhiệm kỳ 2025 - 2027, chúng ta có cơ sở để tin tưởng vào sự ủng hộ của các nước đối với việc Việt Nam tái ứng cử vào HĐNQ nhiệm kỳ 2026 - 2028 sắp tới”, Đại sứ Mai Phan Dũng khẳng định.

Tin cùng chuyên mục

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)

Nghề giáo bốn phương

(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Đọc thêm

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.