Cảng biển Việt Nam vẫn đảm bảo
Trước đó, một tờ báo phân tích kinh tế nổi tiếng của Mỹ là Bloomberg có bài viết đánh giá ngành cảng biển của Việt Nam và cho rằng Việt Nam đang thiếu khoảng 4 tỷ USD để phát triển cảng biển. Đơn vị này dẫn chứng, năm 2018, hơn 530 triệu tấn hàng hóa được vận chuyển qua các cảng biển Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước là 20%.
Khối lượng hàng xuất khẩu được xử lý cũng tăng 15% lên 142,8 triệu tấn. 18,1 triệu container tiêu chuẩn được vận chuyển, tăng 26%. Với tốc độ tăng trưởng nhanh như vậy, việc phát triển cảng biển đang là thách thức với Việt Nam.
Tắc nghẽn tại các cảng biển đồng nghĩa với việc chi phí hàng tồn kho của doanh nghiệp tăng lên. Bên cạnh đó, điều này còn bất lợi với việc vận chuyển các loại hàng hóa không bảo quản được lâu. Do đó, chuyên gia tài chính quốc tế nhận định Việt Nam chắc chắn không thể đáp ứng nhu cầu của làn sóng chuyển dịch của các doanh nghiệp nếu họ đến đây.
Trước thông tin này, Văn phòng Chính phủ mới đây đã có văn bản nêu ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu về nội dung trên. Trong khi đó, đại diện lãnh đạo Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cho hay, các cảng biển của Việt Nam chưa rơi vào tình trạng quá tải và vẫn đang đảm đương tốt việc xuất nhập khẩu hàng hóa.
Tuy nhiên, Vinalines thừa nhận, trong tương lai gần, khi lượng hàng hóa lên đến 30 triệu TEU, thậm chí 40 triệu TEU (vào năm 2030) thì Việt Nam vẫn cần đầu tư thêm một số cảng tại phía Bắc và phía Nam để đáp ứng nhu cầu.
Phía Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, hàng hóa thông quan qua các cảng Việt Nam đang tăng lên. Cụ thể, trong 10 tháng đầu năm 2019, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển đạt hơn 544,3 triệu tấn (không bao gồm hàng quá cảnh không xếp dỡ tại cảng). Trong đó, khối lượng hàng hóa container đạt gần 16 triệu TEUs. So với cùng kỳ năm 2018, tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng tăng 12%; lượng container thực hiện tăng khoảng 6%.
Các khu vực cảng biển có khối lượng hàng hóa thông qua tăng cao nhất so với cả nước là: khu vực cảng biển Thanh Hóa tăng 48% (từ gần 18,6 triệu tấn đến hơn 27,3 triệu tấn) do Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động, lượng hàng lỏng thông qua xuất nhập tăng mạnh. Cảng biển Bình Thuận tăng 46% (từ hơn 9.2 triệu tấn đến hơn 13.46 triệu tấn) do cảng biển Vĩnh Tân được công bố và nạo vét luồng hàng hải có thể đón nhận tàu hàng khô từ 30 - 100 nghìn tấn.
Một số cảng biển cũng chuyển biến tốt về lượng hàng thông qua so với cùng kỳ năm trước như cảng biển Nam Định có chuyển biến tích cực tăng 43%; khu vực cảng biển như Quảng Ninh, Cần Thơ, Quảng Ninh, Hà Tĩnh tăng từ 20 - 28%.
Khối lượng hàng hóa thông qua cảng khu vực Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vũng Tàu lớn nhất (đạt từ 68,48 - 132,4 triệu tấn). Bên cạnh đó, một số khu vực có khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển giảm như: khu vực cảng biển Nha Trang và Quảng Trị giảm từ 11% đến 27%.
Vẫn là yếu kết nối
Riêng với hàng hóa container, theo đại diện Cục Hàng hải Việt Nam, tuy khối lượng hàng container thông qua cảng cao hơn so với mức tăng trưởng của tháng trước, nhưng một số khu vực trong năm 2019 vẫn đang giảm mạnh như khu vực Quảng Ninh giảm 43% (đạt 75.221 TEUs), Mỹ Tho giảm 12%, khu vực Nghệ An giảm 15% so với cùng kỳ năm 2018. Một số khu vực cảng biển có khối lượng hàng container thông qua cảng biển nhỏ tăng so với cùng kỳ năm trước như khu vực Đồng Tháp tăng 26%, khu vực Đà Nẵng tăng 25%.
Theo báo cáo nghiên cứu của Diễn đàn Logistics, hiện nay, cả nước có 281 bến cảng với tổng công suất trên 550 triệu tấn/năm. Hầu hết cảng biển đã tận dụng được tối đa điều kiện tự nhiên, đáp ứng yêu cầu vận chuyển hàng hóa vận tải bằng đường biển, phục vụ tích cực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển và cả nước, tạo động lực thu hút, thúc đẩy các ngành kinh tế, công nghiệp liên quan cùng phát triển.
Tuy nhiên, kết nối là điểm yếu nhất của cảng biển Việt Nam. Theo đó, các cảng biển lớn trên thế giới đều sử dụng phương thức vận tải như đường sắt và đường bộ cao tốc. Hệ thống cảng biển Việt Nam chỉ có cảng Hải Phòng được kết nối với đường sắt nhưng hiệu quả khai thác rất thấp, chưa có đường cao tốc riêng dành cho vận tải hàng hóa. Giao thông kết nối đường thủy bị hạn chế bởi tĩnh không các cầu vượt sông. Do đó, hiệu quả trong vận chuyển hàng hóa tới cảng biển chưa được tối ưu hóa về thời gian, chi phí vận tải còn cao.