Việt Nam quyết tâm bảo vệ luật pháp quốc tế trong vấn đề Biển Đông

Thủ tướng Nguyễn Xuân  Phúc gặp Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha. Ảnh: Website hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha. Ảnh: Website hội nghị.
(PLVN) - Việt Nam quyết tâm và kiên trì bảo vệ luật pháp quốc tế trong các quan hệ quốc tế nói chung và trong vấn đề Biển Đông nói riêng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Theo tin từ Bộ Ngoại giao, chiều 2/1, tại Thái Lan, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn đầu Đoàn Đại biểu Việt Nam dự Phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN 35 và các Cấp cao liên quan. Hội nghị do Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha - Chủ tịch ASEAN năm 2019 - chủ trì. Cùng dự có Lãnh đạo của các nước thành viên ASEAN.

Tại Hội nghị, các nước đã điểm lại kết quả triển khai các ưu tiên theo chủ đề “Thúc đẩy quan hệ đối tác vì sự bền vững”. 

Các nước đánh giá cao tiến bộ đạt được trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN đồng thời nhấn mạnh ASEAN cần duy trì vai trò, ý nghĩa là lực lượng nòng cốt trong thúc đẩy hoà bình, ổn định, đối thoại và hợp tác ở khu vực, nhất trí sẽ tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc quan hệ giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài, thúc đẩy ASEAN phát triển bền vững, phù hợp với các mục tiêu của Chương trình nghị sự Liên Hợp Quốc 2030 về các mục tiêu phát triển bền vững.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề cao đoàn kết và nhất trí của ASEAN, nhấn mạnh tầm quan trọng của xây dựng cấu trúc khu vực rộng mở, minh bạch và hoạt động dựa trên luật lệ. 

Thủ tướng Chính phủ đề nghị các nước ASEAN phát huy tinh thần đoàn kết ủng hộ Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm vụ Chủ tịch ASEAN 2020, xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển bền vững, có quan hệ sâu rộng với các đối tác. 

Thủ tướng nêu rõ trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới còn nhiều phức tạp, thuận lợi và thách thức đan xen, các nước cần có tiếng nói chung, xây dựng cấu trúc khu vực rộng mở, minh bạch và dựa trên luật lệ, đóng góp hiệu quả cho hòa bình ổn định trong khu vực và trên thế giới. 

Trên cơ sở kế thừa những thành tựu đạt được, Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa chủ đề phát triển bền vững, đồng thời củng cố chất keo gắn kết giữa các thành viên thông qua củng cố đoàn kết, thống nhất, tăng cường kết nối, phát triển kinh tế bao trùm và bền vững, phát triển bền vững tiểu vùng, trong đó có tiểu vùng Mekong, thu hẹp khoảng cách phát triển, tăng cường thương mại và đầu tư nội khối, chuẩn bị thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0, đề cao bản sắc ASEAN, ý thức Cộng đồng, gắn bó người dân và lấy người dân làm trung tâm, đồng thời nâng cao khả năng chủ động thích ứng của ASEAN trước những thời cơ và thách thức đặt ra từ chuyển biến nhanh chóng của tình hình khu vực và thế giới.

Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng nhấn mạnh điều kiện tiên quyết để có được hòa bình, ổn định là duy trì một trật tự tuân thủ luật pháp quốc tế. 

Vừa qua, có những vụ việc nghiêm trọng vi phạm luật pháp quốc tế xảy ra trên vùng biển khu vực và Việt Nam, tuy mới chấm dứt gần đây nhưng để lại những bài học sâu sắc cho ASEAN. 

Điều này càng cho thấy an ninh và ổn định trên Biển Đông hiện rất mong manh, đòi hỏi cam kết nghiêm túc và trách nhiệm gìn giữ của tất cả các quốc gia trong khu vực, để đảm bảo rằng những vụ việc tương tự không lặp lại. Việt Nam quyết tâm và kiên trì bảo vệ luật pháp quốc tế trong các quan hệ quốc tế nói chung và trong vấn đề Biển Đông nói riêng.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng khẳng định ASEAN đã giữ vững đoàn kết, thống nhất, thể hiện qua lập trường nêu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 52, đề cao tầm quan trọng của hòa bình ổn định, thượng tôn luật pháp quốc tế, bảo đảm an ninh, an toàn tự do hàng hải, hàng không, nhấn mạnh kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình, thực hiện đầy đủ Tuyên bố DOC và xây dựng Bộ quy tắc COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. 

Thủ tướng cũng bày tỏ nguyện vọng của Việt Nam xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình ổn định và phát triển bền vững.

Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có các cuộc gặp với Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha.

Tại cuộc gặp với Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Tổng thư ký đánh giá Việt Nam là nước đi tiên phong trong nhiều lĩnh vực như phát triển bền vững, xoá đói giảm nghèo, đánh giá cao sự tham gia hiệu quả và mong muốn Việt Nam đóng góp tích cực hơn nữa cho nỗ lực gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc, mong muốn Việt Nam phát huy vai trò nêu gương trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sử dụng năng lượng sạch có tầm quan trọng sống còn đối với tương lai nhân loại. 

Hai nhà lãnh đạo nhất trí sẽ tăng cường các hoạt động hợp tác, kết nối giữa ASEAN và Liên hợp quốc trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020 và nhiệm kỳ Uỷ viên không thường trực HĐBA LHQ 2020-2021 của Việt Nam.

Về tình hình Biển Đông, hai nhà lãnh đạo chia sẻ quan điểm về việc cần đảm bảo hoà bình, ổn định, tự do, an ninh hàng hải và hàng không, sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) trên tinh thần đảm bảo tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). 

Tại cuộc gặp với Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha tối 2/11, trên tinh thần tương trợ lẫn nhau, Thủ tướng đề nghị  Thái Lan quan tâm tạo thuận lợi cho hàng hoá Việt Nam phân phối tại thị trường Thái Lan, quan tâm hỗ trợ cộng đồng người gốc Việt Nam tại Thái Lan yên tâm sinh sống, làm ăn, hoà nhập vào xã hội sở tại.

Thủ tướng Thái Lan đề nghị hai nước tăng cường phối hợp xử lý các vấn đề có tác  động chung đến ASEAN như ô nhiễm không khí, an ninh nguồn nước, nhất trí cần tìm biện pháp tăng cường kim ngạch thương mại, quy mô đầu tư, mở cửa thị trường, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mỗi nước kinh doanh thuận lợi.

Lãnh đạo hai nước nhất trí sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ để đạt được các mục tiêu chung xây dựng Cộng đồng ASEAN, tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN, thúc đẩy quan hệ với các nước đối tác, xử lý các vấn đề an ninh tại khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Đọc thêm

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.