Mỹ là thị trường nhập khẩu rau quả lớn thứ của Việt Nam, giá trị xuất khẩu năm 2016 đạt 84,5 triệu đô la, tăng 44,2% so với năm 2015. Trong 11 tháng đầu năm 2017, Việt Nam xuất khẩu trái cây sang thị trường này đạt 92,6 triệu USD, tăng 21,3% so cùng kỳ năm 2016. Đây là thị trường tiềm năng đối với trái cây Việt Nam nhất là đối với trái vú sữa, nhưng cũng là thị trường có yêu cầu rất cao.
Như vậy, vú sữa trở thành loại trái cây thứ 5 của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, sau thanh long, nhãn, chôm chôm, vải. Tiếp sau đây, quả xoài cũng sẽ được hoàn thiện thủ tục để xuất khẩu sang thị trường này.
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang được TTXVN dẫn lời cho biết, đây là một tin vui cho ngành nông nghiệp địa phương cũng như nông dân tỉnh Tiền Giang. Là tỉnh trọng điểm về sản xuất nông nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long, Tiền Giang có lợi thế phát triển ngành sản xuất, chế biến và xuất khẩu trái cây.
Tỉnh có trên 74.000 ha cây ăn quả với sản lượng mỗi năm 1,4 triệu tấn, trong đó, có 1.100 ha vú sữa với khoảng 500 ha đang cho quả, sản lượng mỗi năm 10.000 tấn. Trong đó, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim là một trong những loại trái cây đặc sản có lợi thế cạnh tranh của địa phương và đã được cấp chứng nhận Global GAP từ năm 2008.
Theo ông Tuấn, trong thời gian tới, tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp tục đầu tư kiện toàn cơ sở hạ tầng, chuyển giao khoa học kỹ thuật thâm canh, xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất… Bên cạnh đó, nông dân trồng vú sữa cũng phát huy vai trò nòng cốt sản xuất và tham gia các hợp tác xã kiểu mới, áp dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến cũng như thực hiện mối liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu, bảo đảm đầu ra và chất lượng nông sản xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Đại diện Công ty Cát Tường cho biết, để đáp ứng các yêu cầu kiểm dịch nhập khẩu của các thị trường yêu cầu cao nói chung, thị trường Mỹ nói riêng, công ty đã xây dựng nhà máy đóng gói đạt tiêu chuẩn, đầu tư thiết bị xử lý hơi nước nóng theo tiêu chuẩn Nhật Bản, bảo đảm đạt yêu cầu kiểm dịch khắt khe của các nước nhập khẩu. Ngoài ra, công ty phối hợp với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu, định vị tọa độ để đăng ký mã số vùng trồng, hướng dẫn kỹ thuật thâm canh, thống kê sản lượng, bao trái… và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam được Báo Nông nghiệp Việt Nam dẫn lời chia sẻ, sau 10 năm đàm phán, Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành đã từng bước tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, mở cửa thị trường nhập khẩu đối với trái vú sữa.
Cụ thể, Việt Nam và Mỹ đã thống nhất kiểm soát các đối tượng kiểm dịch trên trái vú sữa, cũng như các loại quả tươi khác của Việt Nam. Vú sữa sang Mỹ phải được chiếu xạ, đơn vị kiểm dịch phải kiểm soát từ khu vực vườn trồng, bao gói, đến khâu kiểm dịch và tuân thủ đúng quy trình, quy định đã thống nhất.
Ông Nam cho biết thêm, Việt Nam là nước đầu tiên và duy nhất được cấp phép xuất khẩu trái vú sữa tươi vào thị trường Mỹ. Do đó, sự kiện này sẽ tạo thêm nhiều cơ hội xuất khẩu cho trái vú sữa nói riêng và trái cây tươi Việt Nam nói chung. Đồng thời đánh dấu khả năng bảo đảm quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP, kiểm soát dịch bệnh. Thời gian tới, cần phải giảm giá thành sản xuất quả vú sữa, bảo đảm tiêu chuẩn sản xuất, cũng như đầu tư cho Global GAP.
Theo cập nhật của Tổng cục Hải quan, giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam từ đầu năm đến 15/12 đã đạt 3,345 tỷ USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả đến thời điểm giữa tháng 12/2017 đã vượt xa cả năm 2016 (2,457 tỷ USD).