Mặc dù được du khách trên thế giới đánh giá cao từ lâu, nhưng đây là lần đầu tiên ẩm thực Việt Nam được một giải thưởng uy tín, tầm cỡ thế giới công nhận và ghi danh trong danh sách đề cử. Du lịch Việt Nam mong muốn nhận được giải thưởng này để ẩm thực Việt Nam được tôn vinh xứng đáng với giá trị hiện có.
Giá trị văn hóa của ẩm thực Việt
"Món ăn Việt Nam có thể đãi khách quốc tế hàng chục bữa mà không sợ có món ăn nào trùng lặp. Mỗi địa phương đều có những món ăn độc đáo được nhiều người thưởng thức khen ngon" - ông Nguyễn Đắc Xuân, nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam cho biết. Ngoài việc nấu ngon, ẩm thực Việt còn chứa đựng cả giá trị văn hóa.
Ẩm thực Việt Nam luôn ghi dấu ấn với du khách nhờ đủ hương đủ vị, là kết tinh của văn hóa từng vùng. Món ăn ở miền Bắc luôn có sự hài hòa, các gia vị có sự tương hỗ với nhau tạo nên nét thanh tao, tinh tế. Ngược lại, các món ăn ở miền Trung lại có vị cay, mặn, màu sắc món ăn rực rỡ thiên về màu đỏ của ớt tươi, hoặc nâu sậm của ớt xào.
Dù không có lịch sử lâu đời như ẩm thực miền Bắc và miền Trung nhưng ẩm thực Nam bộ vô cùng phong phú và đa dạng thể hiện nét đặc trưng vùng miền.
Món ăn người Nam bộ thường được nêm nếm ngọt, béo, dùng nhiều đường, nước cốt dừa và chuộng các loại nguyên vật liệu sẵn có từ tự nhiên, gia vị tươi mát. Đặc biệt, người miền Nam thích ăn vị nào là phải ra vị đó, ngọt là ngọt ngây, béo là béo ngậy, cay là cay xé lưỡi.
Xét về văn hóa ẩm thực Việt Nam, do bối cảnh lịch sử, ngoài những món ăn thuần Việt, có những món ăn chịu ảnh hưởng nhất định của văn hóa Trung Quốc, văn hóa ẩm thực Pháp và cả văn hóa ẩm thực Ấn Độ… Ẩm thực đường phố Việt Nam cũng không nằm ngoài điều đó, không những ngon mà còn rất đa dạng và phong phú với các món ăn theo từng vùng miền, dân tộc, chất lượng tốt và đồng đều.
Trên các diễn đàn, các trang web du lịch quốc tế không khó để tìm thấy các món ăn đường phố Việt. Hình ảnh các nguyên thủ quốc gia, các ngôi sao âm nhạc, điện ảnh và cả các đầu bếp quốc tế tìm đến quán ăn đường phố để thưởng thức ẩm thực Việt cũng không còn quá lạ lẫm.
Cơ hội quảng bá ra thế giới
Tuy nhiên, để biến ẩm thực đường phố thành một sản phẩm hấp dẫn trong việc tạo hình ảnh điểm đến và thu hút khách du lịch, chúng ta cần phải có lộ trình với những sự kiện cụ thể. Bà Triệu Thị Chơi, Nhà giáo ưu tú, chuyên gia văn hóa ẩm thực từng đánh giá: "Việt Nam có nhiều món ăn mang đặc trưng mỗi vùng miền, nhưng muốn nâng tầm lên thì còn khó. Chuyện mang ẩm thực trở thành thương hiệu quốc gia để đưa ra thế giới là vấn đề vẫn còn bỏ ngỏ trong nhiều năm nay".
Thực tế, cái "khó" đầu tiên nằm ở việc chưa thể kiểm soát chặt chẽ vệ sinh an toàn thực phẩm. Đó cũng là một trong sáu nỗi sợ của khách quốc tế đến Việt Nam mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng chỉ ra.
Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu quốc gia không chỉ thực hiện trong một hoặc hai năm, mà cần cả một quá trình lâu dài, xuyên suốt. Kế hoạch thực hiện cần có sự chung tay, góp sức của nhiều ngành, đơn vị và cả các cá nhân.
Việc Việt Nam, trong đó có ẩm thực Việt, được đề cử trong nhiều hạng mục trên phạm vi toàn cầu, không chỉ ở phạm vi khu vực như những năm trước, cho thấy sức hấp dẫn của du lịch nước nhà ngày một lan tỏa rộng rãi trên bản đồ du lịch thế giới. Chất lượng, thương hiệu điểm đến Việt Nam ngày càng được khẳng định. Đây cũng là cơ hội quảng bá mạnh mẽ hình ảnh Việt Nam tới cộng đồng du lịch quốc tế.