Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới (WINA) vừa đưa ra thống kê cho thấy, nhu cầu về mì ăn liền toàn cầu năm 2019 tăng 3,45% so với năm 2018 nhưng năm 2020 đã tăng đến 14,79% so với năm 2019 do nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng tăng mạnh dưới tác động của dịch COVID-19.
Hiện, Việt Nam là quốc gia có nhu cầu tiêu thụ lớn thứ ba trên thế giới với lượng tiêu thụ năm 2020 tăng 29,47% so với năm 2019.
Theo khảo sát mới nhất của một công ty nghiên cứu thị trường, ở Việt Nam, tỷ lệ tiêu thụ mì ăn liền trong bối cảnh dịch bệnh gia tăng 67%. Thống kê hiện có khoảng 50 công ty sản xuất mì ăn liền tại Việt Nam. Nhưng không chỉ có các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam, nhiều thương hiệu quốc tế khác cũng đang thâm nhập vào thị trường nội địa để tận dụng ưu đãi về thuế quan từ các Hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia.
Về tiềm năng xuất khẩu, trong 2 năm 2020-2021, ngành sản xuất mì ăn liền đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó với tình trạng khẩn cấp về phòng dịch COVID-19 toàn cầu. Thậm chí, có công ty của Việt Nam xuất khẩu mì tăng 300% khi tình hình dịch bệnh tại nhiều nước diễn biến phức tạp,
Hiện, phở ăn liền và mì ăn liền của Việt Nam đã và đang xuất khẩu tới hơn 40 quốc gia trên toàn thế giới.
Theo thống kê của WINA, thị trường châu Á có sức tiêu thụ lớn nhất, đặc biệt là khu vực Đông Bắc Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) chiếm 56,45% tổng tiêu thụ toàn cầu năm 2020, thứ hai là Đông Nam Á (chiếm 25,24%) với 5 thị trường tiêu thụ chính gồm Indonesia, Việt Nam, Philippine, Thái Lan và Malaysia. Trung Quốc tuy có nhu cầu về mì ăn liền cao nhất thế giới, nhưng tốc độ tăng trưởng về tiêu thụ không cao như Việt Nam.
Tuy nhiên Hiệp hội này dự đoán trong giai đoạn 2022-2026, châu Âu dự kiến sẽ trở thành thị trường có tỷ lệ tăng trưởng hàng năm cao nhất, từ 15% đến dưới 50% (tùy theo từng quốc gia).