Tại phiên họp, HĐBA đã nghe ông Martin Griffiths - Đặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ về Yemen; ông Ramesh Rajasingham - Trợ lý Tổng Thư ký LHQ phụ trách Văn phòng các vấn đề nhân đạo LHQ; và Thiếu tướng Abhijit Guha - Trưởng phái bộ Liên hợp quốc tại Yemen (UNMHA) - báo cáo cập nhật tình hình.
Các báo cáo viên cho biết tình hình tiếp tục xấu đi tại nhiều nơi ở Yemen, khiến nhiều dân thường chết và bị thương; quan ngại trước cuộc tấn công tại Ma’rib đe doạ đến dân cư và người vô gia cư, nguy cơ đe doạ phá hỏng các nỗ lực của LHQ trong thương lượng đề xuất hoà bình giữa các bên trong vài tháng qua.
Các cuộc tấn công ở tỉnh Al-jawl đầu tháng 8 cũng làm rất nhiều người bị thương, trong đó có trẻ em.
Tình hình kinh tế tiếp tục khó khăn, giá nước sinh hoạt và các mặt hàng thiết yếu tăng cao; đồng nội tệ mất giá, ngân khố trống rỗng. Các chương trình nhân đạo Liên hợp quốc cho Yemen có nguy cơ phải dừng do thiếu kinh phí hoạt động.
Các thành viên HĐBA LHQ chia sẻ với những đánh giá của các báo cáo viên, lên án tình trạng bạo lực nhằm vào thường dân và trẻ em; bày tỏ ủng hộ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Yemen; nhấn mạnh việc thực hiện đầy đủ Thoả thuận Stockholm và Thoả thuận Riyadh; kêu gọi tăng tài trợ cho Yemen để duy trì các chương trình nhân đạo và giúp Yemen chống dịch Covid-19.
Các nước cũng nhấn mạnh nguy cơ gây thảm họa môi trường của tàu Safer và trao đổi về việc Nhóm Chuyên gia của LHQ phải được tiếp cận tàu ngay lập tức.
Tại phiên họp, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ Đặng Đình Quý đã phát biểu bày tỏ quan ngại về việc tình hình Yemen ngày càng xấu đi; ủng hộ kế hoạch hoà bình 3 điểm của Đặc phái viên của TTK LHQ về Yemen; tạo điều kiện và không cản trở các hoạt động nhân đạo; nhấn mạnh nghĩa vụ bảo vệ thường dân, nhất là phụ nữ và trẻ em.
Đại sứ cũng trao đổi về những trở ngại chính trong thực hiện Thoả thuận Stockholm, Thoả thuận Riyadh và cam kết của các bên tại Yemen; yêu cầu các bên tiếp tục đối thoại và tiến tới một giải pháp chính trị toàn diện với vai trò trung gian của LHQ.