"Việt Nam đang xây dựng hệ thống giáo dục bậc cao trong nỗ lực trở thành con hổ tiếp theo của kinh tế châu Á", đó là nhận xét về nền giáo dục Việt Nam trong những năm gần đây của báo Christian Science Monitor, Mỹ. Tờ báo này viết, trong khu trường học bóng cây ở ngoại thành TP HCM, một mô hình giáo dục thử nghiệm đang dần hình thành. Đây là mô hình từ trường ĐH Việt Đức, được mở cửa từ năm 2008. Ngôi trường gồm hai tòa nhà với kế hoạch tuyển khoảng 220 sinh viên, chủ yếu tham gia chương trình cao học do giảng viên Đức sang dạy. Sự khởi đầu khiêm tốn này thể hiện tham vọng của Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục bậc cao. Việt Nam hy vọng đến năm 2020, ít nhất một số trường như ĐH Việt Đức sẽ nằm trong top 200 ĐH hàng đầu thế giới. Bằng việc đầu tư cho giáo dục bậc cao, Việt Nam hy vọng cạnh tranh với các nền kinh tế và khoa học trong khu vực như Hàn Quốc và Đài Loan. Từ năm 1990, tổng thu nhập quốc nội theo bình quân đầu người của Việt Nam tăng gấp 10 lần, lên đến hơn 1.000 USD nhờ vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài tăng mạnh. Nhưng chưa rõ chỉ đầu tư vào giáo dục có tạo ra được lực lượng lao động lành nghề hay không? Khi mà "hệ thống giáo dục bậc cao (ĐH và trên ĐH) của chúng tôi đã quá lâu rồi", Giáo sư Hoàng Tụy bình luận.
ĐH Việt Đức được xây dựng với mục tiêu “phá vỡ” mô hình cổ xưa này. Đây là trường công lập đầu tiên tự thuê giảng viên và thiết kế nội dung giảng dạy. Chương trình học sẽ tập trung vào khoa học ứng dụng, nghiên cứu hợp tác với khối tư nhân, tương tự mô hình ĐH của Đức. Victoria Kwakwa, giám đốc quốc gia của World Bank tại Việt Nam, tổ chức tài trợ 180 triệu USD cho ĐH Việt Đức, cho rằng không nên coi trường này cùng một số học viện tự quản khác là những ốc đảo ưu tú và biệt lập. "Thành công của mô hình rất quan trọng trong việc chứng tỏ rằng có thể vận hành hệ thống giáo dục bậc cao theo cách khác", bà nói. Thực tế, Việt Nam đã chi khá nhiều cho giáo dục, từ các trường ĐH tư đến đưa sinh viên ra nước ngoài du học. Việt Nam có tỷ lệ biết chữ cao, các gia đình chú trọng đến chuyện học hành của con cái. Theo World Bank, từ năm 2001 đến 2006, số sinh viên vào ĐH và CĐ tăng từ 900.000 lến 1,6 triệu người. Theo các nhà phân tích, trở ngại chính là hầu hết sinh viên đăng ký vào các trường ĐH công đã quá tải hoặc các trường tư mọc lên như nấm mà không có tầm nhìn đúng đắn. Theo một khảo sát do Liên Hợp Quốc tài trợ năm 2010, các trường ĐH của Việt Nam ít thực hiện các nghiên cứu gốc. Những nghiên cứu này tốn kém và cần đến nguồn quỹ lâu dài của tư nhân hoặc xã hội bởi nguồn kinh phí từ học phí không đủ trang trải. Trong giai đoạn ban đầu, ĐH Việt Đức nhận được nguồn kinh phí chủ yếu từ chính phủ liên bang Đức. Sinh viên phải trả học phí 1.500 USD mỗi năm và khoảng 60% nhận được trợ cấp về tài chính. Chính phủ Việt Nam góp 500.000 USD cho ngân sách trường mỗi năm. Ông Wolf Rieck, hiệu trưởng ĐH Việt Đức, cho biết, ngân sách của trường đến năm 2030 có thể lên đến 57 triệu USD. "Nếu họ muốn có một ĐH nghiên cứu siêu việt, họ phải sẵn lòng trả tiền cho những người nghiên cứu với mức lương cạnh tranh. Nếu không, sẽ thất bại", ông nhận định. Giáo sư Hoàng Tụy nghỉ hưu cách đây hai năm sau khi có sự nghiệp được công nhận ở tầm quốc tế. Thậm chí có một định lý toán học mang tên ông. Tuy vậy, mức lương trước khi ông nghỉ hưu là 250 USD một tháng kèm với chi phí nhà cửa và một vài khoản khác. Ông bổ sung thu nhập bằng cách đi giảng dạy ở nước ngoài. Ông cho biết, một số giảng viên ĐH kiếm tiền bằng cách dạy thêm cuối tuần và các lớp buổi tối. Các nhà giáo dục cho rằng Việt Nam nên tìm cách thu hút các tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài về Việt Nam giảng dạy, chiến lược mà Trung Quốc đang áp dụng. Vì Việt Nam không thể cạnh tranh với mức lương mà các học giả được trả ở phương tây, họ cần tạo một môi trường thuận lợi để những nhà khoa học hoặc kỹ sư đầy hứa hẹn có thể tỏa sáng. Theo ông Tụy, môi trường đó cần phải có quyền tự do giảng dạy và trao đổi kiến thức.
Theo Phan Anh
Đất Việt