Việt Nam đăng cai cuộc họp quốc tế đầu tiên trong HĐBA LHQ

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại cuộc họp. Ảnh: Tuấn Anh, báo TGVN
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại cuộc họp. Ảnh: Tuấn Anh, báo TGVN
(PLVN) - Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng và thiết thực vì đây là cuộc họp quốc tế đầu tiên do Việt Nam đăng cai tổ chức trong khuôn khổ HĐBA LHQ kể từ nhiệm kỳ đầu tiên (2008 – 2009) đến nay.

Ngày 25/11, Việt Nam đã chủ trì, cùng Na Uy và Nam Phi đồng tổ chức Cuộc họp giữa 10 nước Ủy viên không thường trực đương nhiệm (E10) và 5 nước mới trúng cử Ủy viên không thường trực (I5).

Cuộc họp với chủ đề “Nỗ lực chung vì Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) hiệu quả: kinh nghiệm và bài học tốt cho các nước mới trúng cử Ủy viên không thường trực” diễn ra dưới hình thức kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp từ Hà Nội. 

Cuộc họp có sự tham dự của hơn 100 đại biểu quốc tế và trong nước, gồm đại diện các nước E10 – I5 ở thủ đô, các Phái đoàn tại New York và đại diện các Đại sứ quán tại Hà Nội cùng các Bộ, ngành thuộc tổ công tác liên ngành về HĐBA. 

Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng và thiết thực vì đây là cuộc họp quốc tế đầu tiên do Việt Nam đăng cai tổ chức trong khuôn khổ HĐBA LHQ kể từ nhiệm kỳ đầu tiên (2008 – 2009) đến nay, thể hiện sự tăng cường đóng góp của Việt Nam và thúc đẩy phối hợp giữa các nước E10 nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐBA trong duy trì hòa bình an ninh quốc tế.

Đồng thời, việc này cũng góp phần cụ thể hóa đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, nỗ lực vươn lên đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt tại các diễn đàn đa phương theo tinh thần Chỉ thị số 25/CT-TW ngày 8/8/2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.

Trong phát biểu dẫn đề tại Hà Nội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định năm 2020 là một năm khó khăn với cộng đồng quốc tế. 

Đại dịch Covid-19 đã tạo ra một cuộc khủng hoảng về y tế, xã hội và kinh tế đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình và an ninh quốc tế, tác động không nhỏ đến hoạt động của LHQ và HĐBA. 

Cùng với đó, thế giới đứng trước nhiều thách thức từ cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xu hướng giảm cam kết với các thể chế đa phương, chủ nghĩa dân tộc cực đoan cho đến căng thẳng xung đột tại nhiều khu vực, vấn đề biến đổi khí hậu, khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia... 

Trong bối cảnh đó, Phó Thủ tướng hoan nghênh các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế để duy trì hòa bình, hợp tác và phát triển, khẳng định sự tin tưởng của các nước thành viên LHQ vào vai trò quan trọng của chủ nghĩa đa phương và vai trò điều phối của LHQ trong giải quyết các vấn đề toàn cầu. 

Phó Thủ tướng kỳ vọng cuộc họp E10 – I5 lần này sẽ tăng cường hiểu biết, chia sẻ quan điểm, đánh giá về tình hình quốc tế, các kinh nghiệm chuẩn bị và tham gia công việc HĐBA của các nước Ủy viên không thường trực, từ đó đề ra các phương hướng, biện pháp phù hợp để thúc đẩy các ưu tiên chung tại HĐBA trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng nhận định HĐBA đã nhanh chóng thích nghi và điều chỉnh phương thức làm việc để thích ứng với bối cảnh Covid-19 và vẫn tiếp tục là cơ chế đa phương có trách nhiệm chính trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. 

Các nước E10 – I5 ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn tại HĐBA trong việc đưa ra những đề xuất, sáng kiến và văn kiện để thúc đẩy các vấn đề trong chương trình nghị sự của HĐBA. 

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng mong muốn E10 sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa để đóng góp vào hoạt động của HĐBA, cải thiện tính hiệu quả và minh bạch của cơ quan này. 

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh những cam kết và ưu tiên của Việt Nam tại HĐBA trong nhiệm kỳ của mình, như thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và giải pháp đa phương để giải quyết xung đột; tăng cường cam kết quốc tế và tôn trọng Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế; thúc đẩy hợp tác giữa LHQ với các tổ chức khu vực, tiểu khu vực; phòng ngừa xung đột; bảo vệ thường dân, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương và cơ sở hạ tầng thiết yếu trong xung đột vũ trang; tái thiết hậu xung đột, trong đó có khắc phục hậu quả bom mìn.

Trong hai ngày 25 và 26/11, các nước Ủy viên không thường trực HĐBA sẽ tham gia các phiên thảo luận về các xu hướng và thách thức tại HĐBA hiện nay, hợp tác giữa các nước E10, phương pháp làm việc của HĐBA, chia sẻ các kinh nghiệm và bài học tốt, hướng tới hợp tác chặt chẽ hơn giữa các nước E10 trong tương lai.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.