Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo các Cơ quan thuộc TCTLN (Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng) và đại diện một số Bộ, ngành hữu quan làm công tác tham mưu, tuyên truyền về đối ngoại (Ban Nội chính Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Bộ Thông tin và Truyền thông) cùng đại diện các đơn vị liên quan của Bộ Ngoại giao.
Tại cuộc họp, sau khi nghe báo cáo của Bộ Ngoại giao, các đại biểu đã thống nhất nhận định về việc tình hình chính trị - an ninh, kinh tế - xã hội quốc tế trong 6 tháng đầu năm diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường do xu thế cạnh tranh nước lớn, căng thẳng gia tăng tại nhiều điểm nóng ở khu vực Trung Đông – Bắc Phi, Đông Phi, Mỹ Latin… và các tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, tạo ra thách thức không nhỏ đối với hoạt động của các thể chế đa phương.
Trong bối cảnh đó, HĐBA đã xử lý khối lượng công việc lớn, đa dạng với hơn 200 cuộc họp cấp Đại sứ, Trưởng Phái đoàn và hàng trăm cuộc họp cấp làm việc, thông qua 80 văn kiện về 59 đề mục khác nhau trong chương trình nghị sự.
Trên cơ sở đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã nỗ lực tham gia vào công việc của HĐBA và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là đảm nhiệm thành công cương vị Chủ tịch HĐBA tháng 1/2020 và tổ chức tốt 2 sự kiện điểm nhấn là Buổi thảo luận mở về “Thúc đẩy tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế” và Buổi thông tin về “Hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực: Vai trò của ASEAN”.
Đồng thời, theo tinh thần Chỉ thị 25 ngày 8/8/2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, Việt Nam đã xử lý các vấn đề tại HĐBA một cách phù hợp và cân bằng, nỗ lực đóng vai trò trung gian, hòa giải trong điều kiện và khả năng cho phép, để thúc đẩy giải quyết các vấn đề hòa bình và an ninh quốc tế, trên cơ sở đề cao tuân thủ Hiến chương LHQ và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Lãnh đạo LHQ, các nước và dư luận quốc tế có nhiều nhận định, đánh giá tích cực về vai trò, sự tham gia của Việt Nam.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Lê Hoài Trung khẳng định Việt Nam đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ trên cương vị Ủy viên Không thường trực HĐBA, đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu và phương châm đề ra, đóng góp chủ động, tích cực vào hoạt động của HĐBA, qua đó góp phần tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi cho sự phát triển và hội nhập của đất nước, thúc đẩy quan hệ song phương tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước.
Thứ trưởng cũng nêu nhiều biện pháp, định hướng lớn nhằm tiếp tục nâng cao vị thế, vai trò và đóng góp của Việt Nam tại HĐBA LHQ trong thời gian tới và bày tỏ mong muốn, đề nghị các Bộ, ngành hữu quan tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin trong công tác nghiên cứu, dự báo tình hình và tham mưu chính sách liên quan.