Đây là bước tiến cho thấy ngành chăn nuôi của Việt Nam đang tham gia phong trào nuôi gà đẻ trứng theo hình thức này với các nước trong khu vực, trong bối cảnh đa phần trong tổng sản lượng 8,2 tỷ quả trứng hàng năm tại Việt Nam được sản xuất trong những chiếc lồng nhốt bằng thép chật hẹp.
DN tiên phong triển khai mô hình này là công ty chăn nuôi Năm Hưởng. Công ty trụ sở tại Tỉnh Tiền Giang có quy mô 700.000 gà mái, sản lượng ước tính 200 triệu quả/năm.
Ông Lê Văn Hoà - Giám đốc công ty - cho biết, sau chuyến đi tham quan học hỏi mô hình tại Anh và tham gia hội thảo kỹ thuật thường niên ở khu vực châu Á, cũng như ở Việt Nam, đồng thời, là người kế thừa DN gia đình chăn nuôi gà đẻ trứng thương phẩm theo hình thức nuôi nhốt truyền thống hơn 14 năm, ông nhận thấy nhu cầu của khách hàng và đây cũng là xu hướng chăn nuôi mới.
“Việt Nam là một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh trong khu vực. Phong trào nuôi gà lấy trứng không sử dụng chuồng lồng đang phát triển ở các nước láng giềng như Thái Lan và Malaysia. Mối quan tâm của người tiêu dùng, DN thực phẩm về phúc lợi động vật ngày càng tăng và tôi kỳ vọng Năm Hưởng sẽ là một trong những công ty chăn nuôi tiên phong chuyển đổi sang mô hình nuôi không sử dụng chuồng lồng ở Việt Nam” - ông Hoà chia sẻ.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNFAO), năm 2019 Việt Nam có 77 triệu gà đẻ trứng với sản lượng gần 8,2 tỷ quả/năm. Ngành chăn nuôi Việt Nam có hàng nghìn cơ sở tham gia, từ quy mô hộ gia đình đến DN nhỏ, vừa và lớn.
Quá trình chuyển đổi sang hình thức chăn nuôi này cần có sự đầu tư ban đầu lớn và chăm sóc của người nuôi. Với sự hỗ trợ kỹ thuật từ tổ chức Humane Society International (HSI), Công ty chăn nuôi Năm Hưởng đã tiến hành chuyển đổi hai nhà nuôi nhốt sang mô hình chăn nuôi không sử dụng chuồng lồng. Trong năm đầu tiên sẽ có hơn 3.000 gà mái được giải phóng ra khỏi lồng nhốt.
HSI hoan nghênh công ty Năm Hưởng chuyển đổi sang mô hình chăn nuôi có phúc lợi cao. Không như cách nuôi nhốt truyền thống, mô hình nuôi không sử dụng chuồng lồng cho phép gà mái thể hiện hành vi tự nhiên vốn có của chúng như tắm cát, đẻ trong ổ, ngủ trên sào, đào bới trên nền chuồng.
“Với sự chuyển đổi như công ty Năm Hưởng và các DN chăn nuôi khác , HSI kêu gọi người tiêu dùng và ngành công nghiệp thực phẩm xem xét cân nhắc ưu tiên mua từ nguồn cung ứng trứng có xem xét yếu tố phúc lợi cho gà mái đẻ trứng. Bằng cách mua sắm như vậy, người tiêu dùng có cơ hội thúc đẩy DN sản xuất trứng Việt Nam theo hướng chăn nuôi nhân đạo hơn”, bà Lê Thị Hằng - Quản lý Chương trình Phúc lợi động vật trang trại, HSI tại Việt Nam - nhấn mạnh.
HSI hoạt động ở Việt Nam từ năm 2016. Chương trình Phúc lợi Động vật Trang trại của tổ chức được biết đến thông qua quá trình hợp tác với các cơ quan quản lý nhà nước ngành chăn nuôi trong quá trình tham vấn xây dựng Luật Chăn nuôi 2018. Lần đầu tiên, Luật chăn nuôi Việt Nam ghi nhận những điều khoản liên quan đến đối xử nhân đạo với vật nuôi. Luật là nền tảng quan trọng để tiếp tục xây dựng các hướng dẫn nhằm cải thiện môi trường sống cho động vật nuôi trang trại. Theo HSI, việc đặt phúc lợi động vật lên hàng đầu đảm bảo không chỉ vật nuôi được chăm sóc tốt mà ngành chăn nuôi theo kịp xu hướng thị trường quốc tế.
Ông Nguyễn Đức Trọng - Cục phó Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT - cho biết, mô hình chăn nuôi gà mái đẻ trứng không sử dụng chuồng lồng dựa trên những cơ sở khoa học và đảm bảo nhân đạo với vật nuôi trong chăn nuôi. Năm Hưởng là một trong những công ty sản xuất trứng gà đầu tiên ở Việt Nam thực thi điều khoản đối xử nhân đạo với vật nuôi trong chăn nuôi theo Điều 69 Luật chăn nuôi 2018.
“Chúng tôi hoan nghênh những DN đi tiên phong trong lĩnh vực này. Đồng thời, các DN và người tiêu dùng hãy cùng hưởng ứng để hỗ trợ những hoạt động của các tổ chức, cá nhân đi đầu trong việc thực thi các quy định trong Luật chăn nuôi quy định về đối xử nhân đạo với động vật để hòa nhập với xu thế phát triển của thế giới” - đại diện Cục Chăn nôi nói.
HSI hỗ trợ DN và người chăn nuôi chuyển đổi sang mô hình không sử dụng chuồng lồng theo các tiếp cận và sáng kiến như tổ chức hội thảo bàn tròn, tập huấn kỹ thuật chuyên sâu với sự tham gia của các tác nhân trong chuỗi cung ứng ở khu vực Đông Nam Á. Hội thảo trực tuyến do HSI tổ chức tháng trước tập trung vào ngành khách sạn nhằm hỗ trợ xây dựng chiến lược chuyển đổi sử dụng trứng gà nuôi không sử dụng chuồng lồng ở châu Á. Công ty Năm Hưởng cam kết làm việc với HSI để cải thiện điều kiện sống của gà đẻ ở Việt Nam. Cả hai bên sẽ làm việc cùng nhau trong những năm tới để lập kế hoạch và triển khai chuyển đổi dần các lồng nhốt sang hệ thống không sử dụng chuồng lồng cho hàng chục nghìn con gà mái.