Theo ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng thương mại điện tử (TMĐT) nhanh nhất thế giới, với tốc độ 35% mỗi năm (cao gấp 2,5 lần so Nhật Bản). Theo một nghiên cứu khác, các doanh nghiệp Việt Nam ứng dụng internet và công nghệ tăng trưởng nhanh gấp 2,1 lần so với đơn vị không dùng. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa chi hơn 30% ngân sách cho công nghệ thì tăng doanh thu gấp 9 lần so với doanh nghiệp chi dưới 10%.
Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết thêm, theo kế hoạch phát triển TMĐT giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử trong lĩnh vực bán lẻ sẽ đạt khoảng 20%/năm và đạt khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020. Trên thực tế, thương mại điện tử trong lĩnh vực bán lẻ đang phát triển nhanh hơn với tốc độ tăng trưởng dự báo khoảng 25% trong năm 2017. Thời gian tới, thương mại điện tử sẽ trở thành kết cấu hạ tầng quan trọng của lĩnh vực thương mại Việt Nam.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, mặc dù thương mại điện tử có tiềm năng lớn nhưng vẫn còn nhiều rào cản khiến thương mại điện tử chưa thể phát triển bền vững, đó là lòng tin của người tiêu dùng vào chất lượng hàng hóa, dịch vụ không giống như quảng cáo và tính bảo mật khi thanh toán qua mạng.
Ngoài ra, hầu hết các trang thương mại điện tử Việt Nam đều đang được xây dựng theo một khuôn mẫu chung, đáp ứng một phần nhu cầu trưng bày hàng hóa, cung cấp tiện ích lựa chọn và thanh toán đơn hàng mà chưa tích hợp được các dịch vụ cộng sinh cho một quy trình thương mại điện tử khép kín, như tối ưu digital marketing, kết nối điểm bán hàng online và offline.
Đại diện Bộ Công Thương cho rằng, gia nhập sân chơi thương mại điện tử, điều mà các nhà bán lẻ cần làm không chỉ là dựng lên một website bán hàng mà còn phải tính đến bài toán tổng thể cho một hệ thống kinh doanh, đồng bộ từ khâu sản xuất, marketing tiếp thị, quản lý đơn hàng/nguồn hàng và công tác vận chuyển, giao nhận.