Việt Nam chủ trì phiên thảo luận về xây dựng Khung phục hồi tổng thể ASEAN

Các đại biểu Việt Nam dự cuộc họp.
Các đại biểu Việt Nam dự cuộc họp.
(PLVN) - Bộ Ngoại giao cho hay, cuộc họp liên ngành xây dựng Khung phục hồi tổng thể ASEAN đã được tổ chức bằng hình thức trực tuyến ngày 14/7 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN-Việt Nam. 

Tham dự cuộc họp có các Quan chức cao cấp ASEAN và 3 Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Chính trị-An ninh, Kinh tế và Văn hóa-Xã hội ASEAN.

 Trao đổi tại cuộc họp, các nước đều đánh giá cao nỗ lực của nước Chủ tịch ASEAN 2020 trong tổ chức hoạt động, tạo cơ hội để các cơ quan của ASEAN trong từng trụ cột, các cơ quan liên trụ cột, liên ngành đóng góp ý kiến xây dựng tài liệu Khung phục hồi tổng thể ASEAN theo chỉ đạo của các nhà Lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 (ngày 26/6/2020). 

Các nước khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ cùng nước Chủ tịch ASEAN 2020, các cơ quan của ASEAN và Ban Thư ký ASEAN hoàn tất Tài liệu theo đúng lộ trình đề ra, đảm bảo tính toàn diện, bao trùm, khoa học và hiệu quả.

 Đóng góp ý kiến vào Tài liệu khái niệm Khung phục hồi tổng thể ASEAN, các nước nhấn mạnh cần đảm bảo thúc đẩy hợp tác liên trụ cột, liên ngành trong ASEAN cũng như với các bên liên quan để củng cố sức mạnh tập thể và cách tiếp cận đồng bộ của cả khu vực trong giảm thiểu các tác động đa chiều của dịch bệnh COVID-19. 

Các nước cũng thống nhất xây dựng lộ trình phục hồi cho ASEAN trong từng giai đoạn cụ thể bao gồm mở cửa trở lại, phục hồi và hướng tới những mục tiêu lâu dài về nâng cao tính tự cường, khả năng ứng phó và năng lực cạnh tranh của ASEAN.

 Đại diện cho nước Chủ tịch ASEAN 2020, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho rằng tất cả thành phần trong Cộng đồng ASEAN đều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, từ người dân, doanh nghiệp, địa phương và các chính phủ.

 Do đó, Thứ trưởng đề nghị xây dựng kế hoạch phục hồi cần đảm bảo đúng và trúng các thành phần này. 

Thứ trưởng kêu gọi nỗ lực cao nhất để giúp người dân vượt qua các khó khăn, ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên tinh thần Cộng đồng hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm. 

Trong đó, các nước cần phối hợp chính sách và các biện pháp để hỗ trợ lực lượng lao động đảm bảo việc làm, nâng cao kỹ năng hoặc được đào tạo lại để tìm công việc mới, tập trung vào hỗ trợ phụ nữ và thanh niên. 

Đồng thời, có các chính sách hỗ trợ xã hội đến người thất nghiệp, người già, đảm bảo trẻ em được tiếp cận giáo dục; bảo vệ lao động nhập cư. 

Đối với doanh nghiệp, Thứ trưởng đề nghị lắng nghe nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa đang hoạt động tại những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề như du lịch, hàng không, dịch vụ, may mặc và dệt may; cung cấp các gói hỗ trợ cấp quốc gia và khu vực để thúc đẩy thương mại và đầu tư nội khối; ứng dụng công nghệ, đảm bảo duy trì chuỗi cũng ứng… 

Với các địa phương, Thứ trưởng đề nghị hỗ trợ nâng cao năng lực cung cấp các dịch vụ y tế, dịch vụ công cộng thiết yếu, sẵn sàng cho việc mở cửa lại và chuyển sang trạng thái bình thường mới. 

Về các giải pháp hỗ trợ cho các chính phủ, Thứ trưởng đề nghị sự chung tay, đảm bảo cách tiếp cận cả Cộng đồng, liên chính phủ trong phục hồi; tăng cường việc chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi thông tin về định hướng phục hồi, đồng thời duy trì kiểm soát dịch bệnh.

 Tiếp thu ý kiến tại cuộc họp, dự thảo Khung phục hồi tổng thể ASEAN sẽ được tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới và trình các nhà Lãnh đạo ASEAN thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 (tháng 11/2020)./.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.