Rất nhiều chuyên gia kinh tế có tiếng của Việt Nam đã có cơ hội được lắng nghe, trực tiếp đối thoại với cựu Thủ tướng Anh Tony Blair tại Hội thảo “Vai trò mới của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế - Kinh nghiệm và bài học cho Việt Nam”, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hợp với Văn phòng cựu Thủ tướng Anh Tony Blair (OTB) tổ chức sáng qua 4/3, tại Hà Nội...
Có cải cách, có phản đối
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh khẳng định, hơn 20 năm qua Việt Nam đã không ngừng cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Từ 12.000 DNNN vào thập kỷ 90, giờ đây con số chỉ còn 800 DNNN, tất cả là nhờ quá trình cổ phần hóa DNNN.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Vinh thẳng thắn cho rằng hiệu quả cải cách đang có vấn đề, như tỷ trọng cổ phần hóa thấp, quản trị DN hầu như không thay đổi… Theo ông Vinh, tới đây cổ phần hóa DNNN phải thực chất hơn, để làm sao cải thiện được quản trị DN.
Chia sẻ khó khăn của Việt Nam, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair khẳng định, tất cả cải cách, thay đổi đều khó khăn. “Những cải cách mà không có phản đối là cải cách kém. Điều quan trọng là phải làm sao vượt qua những cản trở đó”- ông Blair khẳng định.
Cựu Thủ tướng Anh kể câu chuyện về thời điểm nước Anh thực hiện tư nhân hóa Cty Viễn thông Anh đã vấp phải sự phản đối dữ dội của người lao động. “Tôi đã phải đứng suốt đêm trước Quốc hội để giải trình. Giờ mà nói quốc hữu hóa lại công ty đó thì cũng sẽ có những phản đối như thế…”- ông Tony Blair nhớ lại.
Theo ông, sở dĩ có sự phản đối là vì khi thay đổi hệ thống, bao giờ cũng có người không thích, họ tin rằng nếu họ làm việc cho DNNN thì sẽ ổn định hơn. Nhưng dần dần sẽ tạo được lợi ích lớn hơn sự phản kháng bởi việc cải cách, tư nhân hóa thúc đẩy thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, mang lại sức mạnh cho nền kinh tế… “Thay đổi bao giờ cũng có chống đối, nhưng chúng ta phải thay đổi…”- ông Tony Blair cương quyết.
Hiệu quả đo bằng lợi ích của người dân
“Câu hỏi quý vị đặt ra bây giờ Việt Nam tiếp tục phát huy những tiến bộ như thế nào để tạo thịnh vượng, có cơ hội nhiều hơn nữa thời gian tới? Cải cách DNNN là một phần sự thay đổi đó. Điều quan trọng, cần nhớ mục đích cải cách là cải thiện cuộc sống người dân…”- cựu Thủ tướng Anh Tony Blair lưu ý.
Với kinh nghiệm 10 làm Thủ tướng, cựu Thủ tướng Anh chia sẻ 2 bài học mà ông cho là quan trọng nhất: Thứ nhất, khó nhất với Chính phủ là nhận được ý tưởng tốt và thể hiện nó. Bởi thực tế, nhiều ý tưởng hay nhưng thực hiện mới khó. Thứ hai, tất cả cải cách, thay đổi đều khó khăn. Khi đề ra cải cách bao giờ cũng có kháng cự, cản trở. Điều quan trọng là một quốc gia tiến bộ, phát triển được thì phải có cải cách.
Với chia sẻ của ông Tony Blair, nhiều chuyên gia trong nước tỏ ra băn khoăn về vai trò của Nhà nước, về việc có nên thành lập cơ quan chủ quản của DNNN không? Ông Tony Blair thẳng thắn: “Cơ quan Trung ương hay bộ chuyên ngành, tổ chức không quan trọng bằng sự lãnh đạo. Quan trọng là người lãnh đạo có thực sự tạo ra đổi mới không? Không cần thật nhiều người thúc đẩy cải cách nhưng cần đúng người để thúc đẩy cuộc cải cách, để khi có sự phản đối thì sẽ có cách vượt qua”.
Ông Tony Blair cũng cho rằng không phải lúc nào Nhà nước cũng là người bảo vệ tốt nhất lợi ích người dân. “Vai trò Chính phủ là quan trọng nhưng họ không thể quản lý DN tốt được. Nhưng quản lý nhà nước thì phải đảm bảo DN tuân thủ quy định. Đây mới là quan trọng!”- cựu Thủ tướng Anh Tony Blair phân tích.
“Bài học rút ra cho Việt Nam là Chính phủ cần làm rõ các mục tiêu đối với sở hữu nhà nước và xây dựng một lộ trình vững chắc để cải cách khu vực kinh tế nhà nước, cũng như xây dựng các công cụ và cơ chế thích hợp để thực hiện lộ trình này…”- bà Fale Maly, Văn phòng OTB khuyến cáo.
“Vai trò của DNNN trong nhiều nền kinh tế đã thay đổi. Những năm 40-50 của thế kỷ trước là kỷ nguyên DNNN nắm quyền chi phối. Vào lúc đó, người ta nghĩ rằng đó là cách để nền kinh tế phát triển và bảo vệ lợi ích người lao động. Nhưng theo thời gian, hiệu quả của mô hình này cần được nhìn nhận lại và cải cách là quan trọng…”- ông Tony Blair khẳng định.