Sáng nay, 17/1, Ban Kinh tế Trung ương (BKTTW) chủ trì, phối hợp với các tổ chức USAID, IFC, Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ… tổ chức Hội thảo chuyên đề về "Chủ động ứng phó với BĐKH và củng cố ANNL đảm bảo phát triển bền vững”. Đây cũng là một trong ba hội thảo chuyên đề trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2019 do Chính phủ và BKTTW phối hợp tổ chức với sự đồng hành của Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Chương trình Aus4Reform)
Tác động kép
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Trưởng ban BKTTW Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, BĐKH đang là thách thức lớn cho quá trình phát triển bền vững của tất cả quốc gia trên thế giới từ nước có điều kiện phát triển, đến các nước còn nghèo. Nếu không ứng phó hiệu quả với BĐKH thì thành quả phát triển kinh tế xã hội sẽ chịu tổn hại, quá trình phát triển bền vững sẽ gặp nhiều khó khăn.
“Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH do có bờ biển dài và nhiều lưu vực sông rộng lớn. Những tác động tiêu cực về BĐKH ngày một lớn, khó lường ở nhiều lĩnh vực và địa phương sẽ làm gia tăng mức độ cạn kiệt tài nguyên và suy thoái môi trường. Đây là một trong những nguy cơ làm chậm quá trình phát triển kinh tế - xã hội, làm mất đi nhiều thành quả đã đạt được. Bên cạnh những tác động tiêu cực trực tiếp của BĐKH đe dọa đến an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp, BĐKH cũng gây ra những ảnh hưởng đáng kể đến ANNL. Đây là vấn đề được nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam hết sức quan tâm…”, Trưởng ban BKTTW nhấn mạnh.
Theo Trưởng ban BKTTW, BĐKH tại Việt Nam sẽ làm gia tăng hơn nữa mức độ phụ thuộc năng lượng. Sự mất ổn định của những nguồn cung năng lượng nhất là nguồn cung năng lượng sơ cấp do ảnh hưởng của BĐKH sẽ tác động lớn đến việc đảm bảo ANNL quốc gia. Đồng thời, ở chiều ngược lại, việc phát triển các nguồn năng lượng truyền thống lại là nguyên nhân quan trọng làm gia tăng hiệu ứng khí nhà kính, đây là tác nhân trực tiếp gây BĐKH. Vì vậy, việc nghiên cứu, đánh giá mối tác động kép này để chủ động phòng chống BĐKH và đưa ra các giải pháp củng cố ANNL quốc gia đảm bảo phát triển bền vững là việc làm hết sức cần thiết.
Khai thác tiềm năng năng lượng sạch
Chia sẻ tại Hội thảo,ông John Kerry, cựu Ngoại trưởng Hoa kỳ, Chủ tịch danh dự Quỹ Carnegie vì Hoà bình Quốc tế, cho rằng với tốc độ tăng trưởng năng lượng khá cao như Việt Nam hiện nay thì Việt Nam cần quan tâm, thực thi những giải pháp hữu hiệu để chủ động ứng phó với BĐKH.
Cựu Ngoại trưởng Hoa kỳ lưu ý, lựa chọn về năng lượng cần phải chú ý đến BĐKH và cảnh báo nhu cầu về than của Đông Nam Á hiện nay vẫn tăng và tăng cao nhất ở Đông Nam Á với mức 5% so với thế giới và nhiệt điện than vẫn là công nghệ bẩn nhất, phát thải lớn nhất kể cả áp dụng công nghệ mới. "Tôi có thông điệp rõ ràng gửi đến những người bạn Việt Nam là Việt Nam là quốc gia có nhiều cơ hội và lợi thế, chúng ta không cần đầu tư vào than nữa"- ông John Kerry đưa ra lời khuyên và khẳng định Việt Nam có lợi thế về năng lượng sạch như thủy điện, mặt trời, sức gió...
Ông John Kerry đồng thời lưu ý: “Tuy nhiên, kết hợp nguồn năng lượng này như nào là vấn đề. Chúng ta sẽ phải tính làm sao để năng lượng mặt trời mất đi, sẽ bù đắp bằng năng lượng gió như nào, vì thế chúng ta cần dự trữ pin lớn hơn….”.
Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, ông Bruno Angelet cho rằng, điểm mấu chốt là Việt Nam cần cần có chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu và củng cố ANNL trên cơ sở 3 trụ cột; phối kết hợp giữa hiệu quả sử dụng năng lượng; cơ cấu năng lượng và năng lượng tái tạo; và kết hợp giữa các chính sách Đầu tư công và chính sách Tài khóa. Ông Bruno Angelet cũng hối thúc Việt Nam cần chuyển dịch hỗ trợ năng lượng Nâu sang hỗ trợ năng lượng Xanh…
“Tuy vậy, không ai mong chờ Việt Nam chỉ sao chép lại mô hình của Châu Âu, Việt Nam cần phải có chiến lược phù hợp cho mình” – ông Bruno Angelet nhấn mạnh.
Theo đó, ông Bruno cũng nhấn mạnh 3 khuyến nghị, đó là: vai trò của đầu tư tư nhân; tiềm năng lớn cho điện mặt trời áp mái cho các hộ dân và khu công nghiệp; và sự cần thiết cho một chiến lược chuyển dịch và cơ cấu năng lượng phù hợp.
Theo ông Micheal Greene, Giám đốc Quốc gia của Tổ chức USAID Việt Nam Việt Nam cần định hình cụ thể một chiến lược ANNL trong bối cảnh BĐKH. “Việt Nam cần có cơ chế mạnh hơn nữa để thúc đẩy vai trò của năng lượng tái tạo, cùng với đó là việc thực thi nghiêm túc chính sách về sử dụng năng lượng hiệu quả để giải quyết bài toán đảm bảo ANNL cho Việt Nam trong dài hạn…”, Đại diện USAID đưa ra lời khuyên.