Theo Bộ Ngoại giao, tại các Hội nghị, các nước Đối tác hoan nghênh và ủng hộ chủ đề và các ưu tiên của ASEAN trong năm 2019 về “Thúc đẩy quan hệ đối tác vì sự bền vững”, khẳng định ủng hộ ASEAN hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, đẩy mạnh kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển, phát triển tiểu vùng và tăng cường hợp tác ứng phó với các thách thức đang nổi lên.
Các đối tác nhấn mạnh ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực rộng mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ, tiếp tục tham gia tích cực vào các cơ chế hợp tác do ASEAN chủ trì, dẫn dắt như ASEAN+3, EAS, ARF, ADMM+, đóng góp vào mục tiêu hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển ở khu vực.
Trong khuôn khổ ASEAN+3, các nước ASEAN+3 khẳng định lại cam kết củng cố hệ thống thương mại đa phương quốc tế công bằng, dựa trên luật lệ, đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực, trong đó phấn đấu hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong năm 2019, và tranh thủ các cơ hội của Cách mạng Công nghiệp 4.0 mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực mới như kết nối số, kinh tế số, thương mại điện tử, thành phố thông minh và phát triển nguồn nhân lực.
Các quan chức các nước tham gia Cấp cao Đông Á (EAS) tái khẳng định EAS là diễn đàn của các Nhà Lãnh đạo đối thoại về các vấn đề chính trị-kinh tế mang tầm chiến lược ở khu vực, là một bộ phận quan trọng của cấu trúc khu vực. Để tiếp tục triển khai hiệu quả các cam kết và định hướng của các nhà Lãnh đạo tại Cấp cao Đông Á lần thứ 13 (Singapore, 11/2018), các nước nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác chống khủng bố, an ninh mạng, rác thải nhựa, an ninh biển, hợp tác thành phố thông minh và kết nối; hoan nghênh một số đề xuất mới về hợp tác chống ma túy, tội phạm xuyên quốc gia, phát triển bền vững… chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 14 tại Thái Lan vào tháng 11/2019.
Về Biển Đông, các nước chia sẻ về tiến triển trong đàm phán xây dựng Bộ quy tắc COC giữa ASEAN và Trung Quốc, song cho rằng vẫn còn những hoạt động gây lo ngại, làm xói mòn lòng tin, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường an ninh và ổn định trên Biển Đông như quân sự hóa, cản trở khai thác tài nguyên trên biển...
Các nước nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không có hành động làm phức tạp tình hình, giải quyết các tranh chấp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển UNCLOS 1982, các đòi hỏi chủ quyền cần được đưa ra trên cơ sở luật pháp quốc tế, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố DOC và xây dựng Bộ quy tắc COC hiệu lực, hiệu quả.
Phát biểu tại các Hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các cơ chế ASEAN+3 và EAS trong thúc đẩy đối thoại và hợp tác, xây dựng cấu trúc khu vực rộng mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ, góp phần duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác, phát triển ở khu vực.
Thứ trưởng đề xuất tăng cường hợp tác về kết nối, hợp tác biển, thích ứng với Cách mạng 4.0 trong khuôn khổ ASEAN+3, khẳng định Việt Nam sẵn sàng tham gia thúc đẩy các sáng kiến hợp tác mới trong khuôn khổ EAS, trong đó có hợp tác chống lan tràn ma túy trái phép.
Thứ trưởng chia sẻ quan điểm của các nước tại Hội nghị về tình hình Biển Đông, bán đảo Triều Tiên, bang Rakhine, Myanmar; khẳng định lại lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông và cam kết của Việt Nam cùng các nước ASEAN và Trung Quốc nỗ lực xây dựng Bộ quy tắc COC hiệu lực, hiệu quả.