Ngày 30/8, Đại sứ Anh tại Việt Nam Mark Kent cho biết, Việt Nam và Anh sắp ký một thỏa thuận nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước nhân chuyến thăm và làm việc của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm vào tuần tới. Theo thỏa thuận này, hai nước sẽ ưu tiên 7 lĩnh vực hợp tác.
Tại cuộc họp báo tại Hà Nội sáng qua, Đại sứ Mark Kent cho rằng, trong hai năm vừa qua, quan hệ Việt Nam – Anh đã phát triển rất nhanh chóng. Đối với Chính phủ mới của Anh, việc xây dựng mối quan hệ mạnh mẽ hơn với Việt Nam là một trong những ưu tiên và hết sức cần thiết.
“Chúng tôi coi Việt Nam giống như một quốc gia mới nổi từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua. Chúng tôi đã thỏa thuận với Chính phủ Việt Nam là sẽ cùng nhau thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Trong bối cảnh này, chúng tôi hoan nghênh chuyến thăm của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm vào tuần tới”, Đại sứ Anh nói.
Tuy nhiên, Đại sứ cho hay, trong chuyến thăm này, hai bên sẽ ký Tuyên bố Đối tác chiến lược, trong đó đề cập tới 7 vấn đề: chính trị và ngoại giao; vấn đề toàn cầu; đầu tư, thương mại; giáo dục, đào tạo; khoa học; an ninh, quốc phòng; quan hệ ngoại giao nhân dân.
* Thưa Đại sứ, hai nước Việt Nam và Anh dựa trên cơ sở nào để đi tới ký kết một thỏa thuận nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược trong thời điểm này?
Đại sứ Mark Kent |
- Đại sứ Mark Kent: Về mặt thể chế, trong thời gian qua, Việt Nam và Anh đã có hàng loạt văn kiện và tài liệu được coi là khuôn khổ để hai nước phát triển quan hệ. Tháng 3/2008, nhân dịp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Anh, hai nước đã ký kết Tuyên bố Đối tác phát triển và sau đó Bộ Ngoại giao hai nước cũng đã ký một văn bản quan trọng về chia sẻ tầm nhìn từ nay tới năm 2013. Hai nước cũng đã có Ủy ban hỗn hợp về thương mại và kinh tế cũng như Ủy ban về giáo dục – điều đó thể hiện quan hệ hai nước phát triển trên nhiều lĩnh vực.
Tuy nhiên, vượt lên trên tất cả những văn kiện đó, chúng tôi nhận thấy trên thực tế động lực lớn nhất để hai nước nâng tầm quan hệ là sự phát triển quan hệ mạnh mẽ ở cấp thực thi. Chính sự phát triển quan hệ ở cấp thực thi khiến chúng tôi nghĩ rằng, cần phải đặt quan hệ của hai nước vào một khuôn khổ mang tính chiến lược hơn. Hợp tác giữa Việt-Anh không chỉ là sự hợp tác giữa hai Chính phủ, mà còn là sự hợp tác về Nghị viện.
Ở tầm khu vực, Việt Nam đang là Chủ tịch ASEAN, trong khi nước Anh là một thành viên tích cực của EU. Hai nước đều ủng hộ mạnh mẽ tự do thương mại – điều đó thể hiện rõ ở việc Anh luôn ủng hộ Việt Nam trong những vụ kiện mà Việt Nam bị kiện bán phá giá, gần đây nhất là vụ kiện liên quan đến xe đạp Việt Nam xuất khẩu vào EU. Như vậy, mối quan hệ này không dừng lại ở mối quan hệ truyền thống mà là kết quả của quá trình toàn cầu hóa và được xây dựng trên nền tảng của quá trình toàn cầu hóa.
Nhân đây, tôi xin cảm ơn sự hợp tác rất hiệu quả của Bộ Công an Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề này. Quá trình toàn cầu hóa đã tạo thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân cũng như doanh nhân hai nước, song nó cũng gây phiền phức vì gia tăng số người nhập cư trái phép.
Hiện chúng tôi đang hợp tác rất tốt với Bộ Công an Việt Nam và vấn đề này sẽ được bàn thảo trong chuyến thăm của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm tới Anh.
Theo tôi, vấn đề nhập cư trái phép là vấn đề hết sức nghiêm trọng, vì: Một mặt, những người nhập cư trái phép phải chịu đựng thảm cảnh khi bị bán tới nước Anh (có thể bị rơi vào cảnh bị lạm dụng tình dục, phạm tội, trong đó có tội sản xuất và sử dụng ma túy); Mặt khác, vấn đề này làm tổn hại tới quan hệ giữa hai nước và gây tổn hại tới xã hội Anh, trong khi số tiền thu được từ hoạt động tội phạm (như trồng cần sa bất hợp pháp) lại được “rửa” và chuyển về Việt Nam thì sẽ có hại tới xã hội Việt Nam.
Lực lượng công an và lực lượng biên phòng hai nước đang làm việc rất vất vả để đấu tranh chống nạn nhập cư trái phép. Vì vậy, chúng tôi quyết tâm cùng với Chính phủ Việt Nam đấu tranh phòng, chống tội phạm và giải quyết vấn đề này.
* Xin cảm ơn Đại sứ!
Thủy Thu (ghi)