Việc phòng chống sạt trượt trở nên cấp bách hơn bao giờ hết

Sạt lở tại ga Lâm Giang, Yên Bái ngày 9/10/2017 đến nay vẫn chưa thông tuyến.
Sạt lở tại ga Lâm Giang, Yên Bái ngày 9/10/2017 đến nay vẫn chưa thông tuyến.
(PLO) - Trước tình trạng lũ lụt, sạt lở đất đang diễn ra nghiêm trọng tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, gây thiệt hại to lớn về người và tài sản, ngày 14/10/2017, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Sạt lở đất - Lũ quét và giải pháp cho sự phát triển bền vững”. Theo đó, việc phòng chống sạt trượt trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đinh Quế Hải nhấn mạnh: “Với vai trò, trách nhiệm được Chính phủ giao, Ủy ban Dân tộc sẽ cùng với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất nhằm giải quyết một cách căn bản trong công tác phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại do sạt lở đất, lũ quét gây ra cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), tạo điều kiện để đồng bào có cuộc sống an toàn, ổn định. Trong đó, đề xuất và xây dựng các giải pháp tổng thể như hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về phòng chống lũ quét, sạt lở đất; các giải pháp công trình phòng, chống lũ quét, sạt lở đất tại các vùng có nguy cơ cao tại các địa phương vùng DTTS và miền núi; đề xuất và triển khai các giải pháp phù hợp để phòng tránh lũ quét, sạt lở đất”. 

Viện Khoa học địa chất và khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường ghi nhận có 10.260 điểm đang có nguy cơ sạt lở đất tại 10 tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó 2.110 điểm nguy cơ có khối lượng trượt lớn, rất lớn và đặc biệt lớn. Theo kết quả đánh giá về nhà ở dân cư tại 18 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc, hiện vẫn còn tới 36.165 hộ dân có chỗ ở chưa an toàn. Trong đó, 1.686 hộ thuộc diện cần được di dời khẩn cấp. Những năm qua, công tác di dân khỏi vùng có nguy cơ cao chịu tác động của thiên tai đã được triển khai tích cực. Tuy nhiên đến nay, tỷ lệ di dân vùng ảnh hưởng thiên tai cả nước mới đạt khoảng 44%. 

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, trong 15 năm, từ năm 2000 - 2015, cả nước xảy ra trên 250 đợt lũ quét, sạt lở, làm chết và mất tích hơn 646 người, hơn 9.700 ngôi nhà bị hư hỏng, nhiều công trình dân sinh, giao thông, thủy lợi bị hư hại, thiệt hại về kinh tế ước tính trên 3.300 tỷ đồng. Trận lũ quét, lũ ống xảy ra vào đầu tháng 8/2017 xảy ra tại huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) và huyện Mường La (Sơn La) đã khiến ít nhất 42 người chết và mất tích; thiệt hại về tài sản ước tính lên tới 1.400 tỷ đồng…

Chỉ tính riêng trong đợt mưa lũ lịch sử diễn ra từ ngày 9/10/2017 vừa qua, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, mưa lũ diễn ra gần một tuần qua đã để lại hậu quả hết sức nặng nề. Đến nay, đã có ít nhất 68 người bị chết, 34 người mất tích.

Bên cạnh thương vong về người, có 221 nhà dân bị sập đổ hư hỏng. Số nhà bị ngập là 46.177 nhà. Các địa phương di dời khẩn cấp 2.298 nhà. Sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng với 7.547 con gia súc và 243.227 con gia cầm bị chết, cuốn trôi. Hiện, các đơn vị chức năng đã khắc phục tạm thời tuyến đường quốc lộ 32, đường tỉnh lộ 164 và đang nỗ lực khắc phục tuyến đường tỉnh lộ 174 qua Yên Bái.

Tại Hòa Bình, tuyến quốc lộ 6 và 7 tuyến đường tỉnh hiện vẫn đang tắc do sạt lở và ngập úng. Tại Sơn La, các tuyến quốc lộ có khoảng 945 vị trí sụt lún, bồi lấp gây ách tắc giao thông 98 vị trí hiện nay đã thông tuyến; một số tuyến đường tỉnh vẫn còn bị ách tắc. Đường giao thông đến nhiều xã hiện vẫn bị cô lập. Mưa lũ làm phát sinh 143 sự cố đê điều với tổng chiều dài các tuyến đê là 27.601m. 

Tại Hội thảo, các chuyên gia đến từ Viện Khoa học công nghệ và Giao thông Vận tải Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã nêu lên thực trạng về sạt lở đất trên lãnh thổ Việt Nam, những ảnh hưởng lâu dài của sạt lở đất đối với an sinh xã hội cũng như các giải pháp ứng phó mà Việt Nam đang thực hiện. Trong đó khẳng định, bên cạnh nguyên nhân do thiên tai thì “nhân tai” cũng đang tác động không nhỏ đến tình trạng sạt lở và lũ quét.

PGS.TS Vũ Mạnh Lợi - nguyên Viện phó Viện Xã hội học phân tích: “Chúng ta phá rừng đầu nguồn, khai thác khoáng sản, lâm sản không theo quy hoạch, nhiều hầm mỏ được đào bới lung tung đã gây tác động tiêu cực đến môi trường. Cùng với đó là tác động của công trình hạ tầng ngầm, người dân xây nhà ở khe suối, chân taluy. Dựng nhà ở chân núi làm thay đổi, tắc nghẽn dòng chảy, gia tăng lũ quét. Có thể bà con không nắm được song trách nhiệm của địa phương cần cảnh báo”.

GS.TS Nguyễn Bá Kế - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết: “Trước đây, sạt lở đất xảy ra ít hơn. Những can thiệp xây dựng không theo quy định đã làm thay đổi dòng chảy, độ ẩm, sự tích nước của đất, dẫn đến sạt lở. Yếu tố dân sinh (khai thác, phá rừng, đào đường) làm mất đi sự cân bằng, ổn định của đất”.

Rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra cho các nhà lãnh đạo, các bộ, ban, ngành liên quan để làm thế nào có thể làm giảm thiểu hậu quả do sạt lở đất, lũ quét gây ra. Đặc biệt, việc phòng chống sạt trượt trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, nếu không muốn chịu cảnh “mất bò mới lo làm chuồng” như thực tế đang diễn ra. Khi sạt trượt, người có thể chạy nhưng nhà cửa, đường sá, di tích, công trình… không thể di chuyển được. Bởi vậy, bên cạnh việc lập quy trình cảnh báo và sơ tán, cần xử lý nguyên nhân gây sạt - trượt và gia cố chống lại việc gây sạt - trượt bằng các giải pháp công nghệ mang tính bền vững. 

Hàng chục giải pháp công nghệ phòng chống và cảnh báo sạt lở đã được các chuyên gia trong nước và quốc tế giới thiệu tại buổi hội thảo. Trong đó, đáng chú ý là công nghệ sử dụng lưới thép cường độ cao bao phủ toàn bộ bề mặt khối sạt trượt, có sức chịu tải lên tới hàng chục tấn và độ bền hàng trăm năm. Hội thảo đã đưa ra phân tích hai dự án cụ thể về phòng chống sạt trượt đang được thực hiện tại Xín Mần (Hà Giang) và đồi Ông Tượng (Hòa Bình). Đây là hai trong số hơn 2.000 điểm có nguy cơ sạt lở cao và hiện đang được thí điểm một số công đoạn.

Ghi nhận tính hiệu quả của các giải pháp tiên tiến được đề cập tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Ngọc Linh cho rằng: “Với điều kiện còn khó khăn như hiện nay, các giải pháp trên chỉ có thể áp dụng cho một số công trình cụ thể. Về cơ bản, chúng ta phải tập trung vào các “giải pháp mềm”- đó là tuyên truyền, phổ biến để người dân hiểu được sự nguy hiểm và yếu tố bất ngờ của lũ quét và sạt lở đất, từ đó từ bỏ tâm lý chủ quan, coi thường; chủ động trang bị cho mình các kĩ năng nhận biết và sơ tán khi có thiên tai ập đến. Bên cạnh đó cần quan tâm nhiều hơn đến công tác cảnh báo, dự báo; bố trí sắp xếp dân cư, quy hoạch dân cư trên địa bàn vùng DTTS và miền núi để bảo vệ tính mạng người dân, giảm thiểu thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất trong thời gian tới”.

Đọc thêm

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sắp xếp tổ chức bộ máy phải chống lợi ích cá nhân

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan đề cao trách nhiệm, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết. (Ảnh: VGP)
(PLVN) -  Ngày 12/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo.

Gỡ vướng cho các dự án điện năng lượng tái tạo

Thủ tướng Phạm Minh Chính có nhiều chỉ đạo quan trọng nhằm triển khai các giải pháp tháo gỡ cho các dự án năng lượng tái tạo. (Ảnh: VGP)
(PLVN) - Chiều 12/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến công bố và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo (gọi tắt là Nghị quyết).

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang
(PLVN) - Chiều ngày 12/12, Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Bộ Chính trị chuẩn y Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025. Dự hội nghị có ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Bảo vệ và giáo dục quyền con người được thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
(PLVN) - "Tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, được khẳng định trong đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/12.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.