Sau một thời gian dài khuếch trương rùm beng làm nhiễu loạn thị trường, một số doanh nghiệp doanh nhân có tiếng nhưng sai phạm trong lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu, tiền tệ, bất động sản, đấu thầu… đã bị khởi tố, tạm giam, điều tra, xử lý. Thị trường có những lúc chao đảo vì những vụ án này, nhưng có bệnh thì phải uống thuốc, không còn cách nào khác.
* * *
Suy ngẫm sâu xa, có thể nhận thấy những doanh nhân doanh nghiệp vướng vòng lao lý trên, cùng có một điểm chung, là đã quên lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh với giới doanh nhân về triết lý “việc nước - việc nhà”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự Lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam. |
78 năm trước, chỉ hơn 1 tháng sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có thư gửi giới công thương Việt Nam. Bức thư cô đọng, súc tích, chỉ 197 chữ, nhưng chứa đựng triết lý khẳng định trí tuệ, tư tưởng, tầm nhìn Hồ Chí Minh. Đó là: “Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng”.
Lời dặn dò của Bác trong bức thư, sau này đã được Đảng và Nhà nước tóm tắt thành bốn chữ ngắn gọn, thành một trong những đặc trưng tổng quát, là mục tiêu cụ thể, là đích đến trong công cuộc xây dựng CNXH tại Việt Nam: “Dân giàu, nước mạnh”.
Tư tưởng trên của Bác đã được các thế hệ tiếp nối, làm rõ hơn, phát triển. Năm 2004 Thủ tướng ra Quyết định 990/QĐ-TTg, hàng năm lấy ngày 13/10, ngày Bác Hồ có thư gửi giới công thương, là "Ngày Doanh nhân Việt Nam"; để vừa giáo dục truyền thống tự cường, chủ động sáng tạo của đội ngũ doanh nhân, động viên phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh; vừa “nâng cao đạo đức, văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nhân”.
Năm 2021, Đại hội XIII của Đảng cũng đã làm sâu sắc thêm lời dạy của Bác: "Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh (…), có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ".
Trong lễ tôn vinh Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa khẳng định tư tưởng “việc nước bao giờ cũng đi đôi với việc nhà” của Bác: “Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ, lắng nghe, tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ đội ngũ doanh nhân (…) với tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường; lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; cân đối, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp, người dân”.
Như vậy, có thể nói, xuyên suốt từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tư tưởng quan điểm của Bác Hồ, của Đảng, Nhà nước với việc làm ăn của giới doanh nhân là nhất quán; phù hợp sự phát triển của xã hội, lịch sử thương mại, xu thế thế giới. Quan điểm hài hòa “việc nước – việc nhà”, cũng chính là triết lý kinh doanh “win – win” trên thế giới: Trong buôn bán làm ăn, không ai thắng ai thua, mà tất cả phải cùng có lợi.
* * *
Đáp ứng những mong mỏi của đất nước, của nhân dân, những năm qua, gần 900 ngàn doanh nghiệp; khoảng 14,4 ngàn hợp tác xã; hơn 5 triệu hộ kinh doanh đã thể hiện vai trò lực lượng chủ lực, tổ chức các nguồn lực sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước; góp phần to lớn giúp đất nước xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực, hội nhập quốc tế.
Nhưng làm ăn, chứ không phải làm giàu bằng mọi giá. Từ trước tới nay và muôn đời sau, triết lý “việc nhà” phải song hành “việc nước” luôn đúng. Trong lịch sử nhân loại, mục đích trước hết của doanh nhân, thương nhân là kiếm lợi nhuận; đó chính là “việc nhà”. Tuy nhiên doanh nhân cũng phải đồng thời tạo ra của cải vật chất, lưu thông phân phối hàng hóa, tạo công ăn việc làm, có trách nhiệm nộp thuế, có trách nhiệm với xã hội...; đó chính là “việc nước”. Khía cạnh “việc nước” với các doanh nhân doanh nghiệp, hiểu rộng ra, còn bao hàm văn hóa đạo đức kinh doanh, là kiếm đồng tiền chân chính hợp pháp, là kinh doanh hướng thiện.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Đừng bị cám dỗ bởi những lợi ích xấu xa, những việc làm vô liêm sỉ”, “Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu”. Lịch sử đã chứng minh, bất kỳ doanh nhân nào, nếu chỉ chăm chăm tính “việc nhà”, mà né tránh “việc nước”; nhẹ thì bị thương trường đào thải; nặng thì vi phạm pháp luật, vướng vòng lao lý, tán gia bại sản.
Tại một trong các sự kiện quan trọng nhất năm 2022, là cuộc gặp với các doanh nhân Việt Nam tiêu biểu, người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, cũng đã thẳng thắn: “Thông điệp rất rõ của Đảng và Nhà nước là không hình sự hoá các quan hệ dân sự và bảo vệ những doanh nhân kinh doanh chân chính; nhưng không thể dung túng những hành vi sai trái, lừa đảo để ảnh hưởng niềm tin, tài sản của nhân dân và văn hóa, đạo đức, uy tín nhà đầu tư, doanh nghiệp, doanh nhân”. Vì vậy, điều Chính phủ hiện nay mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam; trước hết là “trau dồi bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp và văn hóa, đạo đức người kinh doanh; hoạt động sản xuất kinh doanh tuân thủ đúng pháp luật, quy định của Nhà nước”.
Khi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh” đã bắt đầu đạt được những thành quả; thì “việc nước” của doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới thậm chí còn phải cần được nâng một tầm mới. Không chỉ buôn bán kinh doanh làm ăn đúng pháp luật, đúng quy định, kiếm tiền chân chính hợp pháp; mà mỗi doanh nghiệp doanh nhân cần tiếp tục trau dồi nâng cao văn hóa đạo đức kinh doanh, kinh doanh hướng thiện, xây dựng môi trường làm việc tốt đẹp. Quý Mão 2023 được dự báo là một năm có nhiều thách thức với nền kinh tế toàn cầu nói chung và trong nước nói riêng, càng cần phát huy bản lĩnh doanh nhân doanh nghiệp Việt Nam, càng cần tâm niệm sâu sắc triết lý “việc nước – việc nhà”, để những sóng gió nhất định sớm qua đi.