Việc đổi tên Trung tâm đào tạo lái xe sẽ gây thiệt hại về kinh tế

Việc đổi tên các trung tâm đào tạo lái xe hiện hành sẽ gây thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia đào tạo. (Ảnh minh họa)
Việc đổi tên các trung tâm đào tạo lái xe hiện hành sẽ gây thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia đào tạo. (Ảnh minh họa)
(PLVN) - Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng, văn bản của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp yêu cầu các trung tâm đào tạo lái xe phải đổi tên có cụm từ “giáo dục nghề nghiệp” là trái quy định pháp luật và gây thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia đào tạo.

Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) Hồ Quang Huy vừa ký Kết luận kiểm tra về vấn đề nêu trên, gửi đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và đề nghị thông báo kết quả xử lý văn bản trái pháp luật trong thời hạn 30 ngày.

Khởi nguồn của vấn đề bắt đầu từ cuối năm 2021, khi Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) có Công văn số 3033/TCGDNN-PCTT gửi các địa phương, yêu cầu các cơ sở có tên gọi là trung tâm dạy nghề và trung tâm đào tạo lái xe ôtô đã được thành lập hợp pháp phải rà soát, thực hiện đổi tên. Trong đó, tên mới phải có cụm từ “giáo dục nghề nghiệp”.

Tổng cục lý giải, việc thay đổi này dựa vào quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, cho phù hợp với quy định về giáo dục nghề nghiệp.

Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp đã nhiều lần gửi văn bản kiến nghị đến Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhưng không nhận được “hồi âm”.

Trước bức xúc của dư luận xã hội, ngay khi nhận được các phản ánh, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã vào cuộc để kiểm tra văn bản theo thẩm quyền. Viện dẫn các văn bản liên quan, trong đó có Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, Nghị định số 143/2016/NĐ-CP, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho rằng, không có quy định về việc các cơ sở dạy nghề thành lập theo Luật Dạy nghề năm 2006 phải đổi tên nhằm bảo đảm trong tên gọi có cụm từ “giáo dục nghề nghiệp”.

Hơn nữa, năm 2016, Thông tư Thông tư số 57/2015 (hiệu lực từ ngày 10/2/2016) của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội mới có hiệu lực, trong đó quy định về tên gọi “trung tâm giáo dục nghề nghiệp”. Do vậy, yêu cầu các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và cơ sở đào tạo ôtô thành lập trước năm 2016 phải đổi tên là không có cơ sở pháp lý.

Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật nhấn mạnh, việc buộc các trung tâm giáo dục nghề nghiệp phải làm thủ tục, hồ sơ để đổi tên sẽ gây thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia đào tạo. Ngoài ra, yêu cầu tất cả trung tâm dạy nghề đã được thành lập và hoạt động hợp pháp phải đổi tên gọi một cách thuần túy sẽ dẫn đến thủ tục phiền hà, phát sinh nhiều chi phí, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ sở; trong khi ở góc độ quản lý nhà nước thì quan trọng nhất lại là yêu cầu các cơ sở này phải đáp ứng đầy đủ những điều kiện thành lập, hoạt động mới theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014

Bên cạnh đó, theo kết luận của Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật thì Công văn nêu trên của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp là văn bản hành chính, nhưng có nội dung mang tính quy phạm pháp luật là trái pháp luật, vi phạm hành vi bị nghiêm cấm.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Yên Bái thi hành xong gần 1.600 án dân sự

Yên Bái thi hành xong gần 1.600 án dân sự
(PLVN) - Trong 6 tháng đầu 2024 toàn tỉnh Yên Bái đã thi hành xong gần 1.600 việc với hơn 73 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 59,36% về việc, 33,75% về tiền trong số có điều kiện thi hành.

Ghi nhận nhiều ý kiến thực tiễn, có giá trị cao nhằm hoàn chỉnh Dự thảo Luật Đấu giá tài sản sửa đổi

Toàn cảnh Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản
(PLVN) -  Ngày 11/4, tại TP Hồ Chí Minh, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Hội thảo do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn chủ trì.

Bạc Liêu: Triển khai các Luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6

Bạc Liêu: Triển khai các Luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6
(PLVN) - Sáng 28/3, Sở Tư pháp - Cơ quan thường trực Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị trực tiếp và được kết nối trực tuyến đến các điểm cầu cấp huyện, cấp xã triển khai các Luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 6, Kỳ họp bất thường lần thứ 5. Ngoài điểm cầu chính, Hội nghị còn kết nối trực tuyến đến 7 điểm cầu cấp huyện và 64 điểm cầu cấp xã.