Đại tướng Võ Nguyên Giáp hôm nay vừa chính thức bước sang tuổi trăm năm (25-8-1911 - 25-8-2010). Ông là người cuối cùng của thế hệ lão thành lãnh đạo cách mạng trước những năm 40 của thế kỷ trước còn sống cho đến bây giờ. Nói một cách khác, đại tướng đã và đang là báu vật của nước nhà; là niềm tin, sự kỳ vọng của 86 triệu con dân Việt.
Nhắc đến “Võ Đại tướng” hay anh Văn, không ai không biết ông là người làm nên huyền thoại vĩ đại nhất của thế kỷ XX. Chính ông, đã chỉ huy Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng, cùng với cả dân tộc trong hai cuộc chiến tranh nhân dân vĩ đại, đánh thắng “hai đế quốc to là Pháp và Mỹ” (Hồ Chủ tịch). Chính ông, là người mà trong những năm 1976 – 1990, mỗi khi có “việc”, các nhà khoa học đều đến gặp để được ông chỉ đạo, chỉ thị, góp ý tận tình.
Chính ông, đã làm cho nền sử học nước nhà không phải bối rối khi khẳng định hình thái chiến tranh nhân dân của dân tộc Việt Nam có từ thời Nhà Trần (theo GS Phan Huy Lê, Vietnam Net, 23-8-2010). Cũng chính ông là người vừa làm ra lịch sử lại là người viết sử. Những cuốn sách của Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết có giá trị như Binh thư của Tổ quốc, giống nòi. Trong lịch sử có hai người trước Võ Nguyên Giáp đã làm được điều tương tự là Julius Caesare (100-44 tr.CN) và Tôn Tử, Tôn Tẫn (thời Xuân Thu – Chiến Quốc ở Trung Hoa).
Nếu nói về học thuật và khoa học thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những con người đã trở thành điểm tựa, chỗ dựa cho các nhà khoa học suốt hàng chục năm trời. Các thầy giáo đã dạy cho chúng ta biết rằng mỗi khi có một vấn đề gì đó khó giải quyết thì người đầu tiên mà các GS Sử học như Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng... tìm đến là... Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Nói như thế để thấy rằng ngay trong những năm chiến tranh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã là con người của khoa học, của sự trung thực. Khoa học sẽ chẳng còn là khoa học nữa khi yếu tố trung thực bị xâm hại, coi thường. Và, quả thực, lịch sử chứng minh rằng, rất nhiều các thành tựu khoa học đã ra đời từ các chỗ dựa tuyệt vời mà theo “truyền thuyết”, được dân gian hóa thành những Mạnh Thường Quân.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là con người của cái tâm, cái tỉnh không bến, không bờ. Dẫu đã già, ông vẫn không ngừng lo nghĩ cho dân, cho nước. Những ý kiến đóng góp của ông, có thể chưa được chấp nhận nhưng bao giờ nó cũng hợp với ý nguyện của nhân tâm. Khi là vị chỉ huy chiến trường, đại tướng nói rằng quyết định khó khăn nhất trong đời cầm quân của ông là dời ngày tấn công vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ từ 25-1-1954 sang ngày 13-3-1954. “Kéo pháo vào rồi lại kéo pháo ra” đã trở thành mẫu mực, bài học sâu sắc cho khoa học quân sự Việt Nam nói riêng, cả thế giới nói chung. Chính nhờ “quyết định khó khăn” đó mà dân tộc Việt Nam đã làm chấn động cả năm châu, rung chuyển cả địa cầu.
Con người, nhân cách, đạo đức và hiểu biết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là những công trình nghiên cứu của sử học nhiều và nhiều năm sau nữa. Hôm nay, sinh nhật lần thứ 100 của Võ Đại Tướng - Người của lòng dân, Người của những chịu đựng, son sắt, bền bỉ tuyệt vời, Người của sự anh minh và cao cả - Xin chúc Đại tướng sức khỏe và xin hứa rằng, chúng con, thế hệ con cháu, sẽ làm hết sức mình để cho Tổ quốc vĩnh viễn được độc lập, tự do, an bình và hạnh phúc.
HÀ VĂN THỊNH
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD
(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.