Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Chu Huy Mân (17/3/1913 – 17/3/2013), hôm qua, Tỉnh ủy Nghệ An, Ban Tuyên giáo T.Ư, Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Quốc phòng, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Đồng chí Chu Huy Mân với cách mạng Việt Nam và quê hương Nghệ An”.
Chân dung Đại tướng Chu Huy Mân. |
Một tài năng quân sự - chính trị xuất sắc
Đại tướng Chu Huy Mân tên thật là Chu Văn Điều, sinh ngày 17/3/1913, trong một gia đình nông dân nghèo, hiếu học, tại xã Yên Lưu, tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An (nay thuộc TP.Vinh, Nghệ An).
Năm 16 tuổi, ông thoát ly gia đình tích cực hoạt động trong phong trào yêu nước. Năm 1930, tham gia phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh và gia nhập “Đội Tự vệ Đỏ”. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, được Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Nguyễn Ái Quốc soi đường ông đã cố gắng cống hiến và sớm được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Đông Dương ở tuổi 17. Năm 24 tuổi, ông bị thực dân Pháp bắt giam và kết án khổ sai đày đi biệt xứ 6 năm, hết nhà lao Vinh đến nhà lao Đắc Tô, Đắc Lay, Kon Tum…
Từ tháng 3/1977, ông là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự T.Ư; Trưởng Ban kiểm tra Đảng ủy Quân sự T.Ư. Năm 1980, ông được Ban Bí thư T.Ư Đảng (khóa IV) giao kiêm chức Hiệu trưởng Trường Nguyễn Ái Quốc. Đồng chí Chu Huy Mân được phong quân hàm Thiếu tướng năm (1958); thăng quân hàm vượt cấp từ Thiếu tướng lên Thượng tướng (năm 1974); Đại tướng (năm 1980).
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư - nêu rõ, đồng chí Chu Huy Mân thuộc lớp Đảng viên đầu tiên của Đảng, được rèn luyện, chiến đấu, trưởng thành trong cao trào cách mạng Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931 và các phong trào cách mạng tiếp theo, có nhiều đóng góp quan trọng vào thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945;
Ông là một trong những cán bộ lãnh đạo ưu tú của Đảng, Nhà nước và Quân đội ta, một vị tướng lĩnh tài ba, xông pha trên nhiều chiến trường, chiến dịch, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Trong khuôn khổ hoạt động kỷ niệm ngày sinh của Đại tướng, chiều cùng ngày người nhà cùng đoàn đại biểu làm lễ cắt băng khánh thành Nhà thờ tưởng niệm Đại tướng Chu Huy Mân tại xã Hưng Hòa, TP.Vinh, Nghệ An và đặt tên đường Chu Huy Mân tại TP.Vinh. |
Ðại tướng Chu Huy Mân là một tài năng quân sự - chính trị xuất sắc, có tầm chiến lược và cũng rất giỏi về chiến dịch, chiến thuật.
Trí tuệ, tài năng quân sự - chính trị mẫn tiệp của đồng chí Chu Huy Mân được thử thách tôi luyện trong đấu tranh cách mạng, góp phần bồi đắp triết lý giữ nước, nghệ thuật chiến tranh nhân dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh.
Là cán bộ chính trị, quân sự gắn bó keo sơn, đồng cam cộng khổ với Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân các bộ tộc Lào, góp công xây dựng, vun đắp liên minh chiến đấu và tình hữu nghị đặc biệt Việt - Lào. Giai đoạn 1954-1963, đồng chí Chu Huy Mân được giao làm Chính uỷ Quân khu 4, Quân khu Tây Bắc, làm Đoàn trưởng, Bí thư Đảng uỷ Đoàn 100 (Đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào), là Trưởng đoàn cố vấn Việt Nam cho Chính phủ liên hiệp Lào của Thủ tướng Xavana Phuma…
Đồng chí Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư - phát biểu tại Hội thảo. |
Trong đời thường, Đại tướng Chu Huy Mân là người hòa mình với quần chúng, lắng nghe tâm tư, ý kiến của mọi người, đó là nguyên tắc sống, làm việc của ông từ khi mới bước vào hoạt đông cách mạng. Ngay cả khi đảm trách những vị trí quan trọng của Đảng, Nhà nước và quân đội, ông luôn là người đem những hiểu biết, kinh nghiệm của mình truyền thụ cho thế hệ sau.
Trọn cuộc đời cống hiến cho đất nước, cho dân tộc với 76 năm tuổi Đảng, 61 năm tuổi quân, Đại tướng Chu Huy Mân, vị đại tướng của QĐND Việt Nam với cái tên Hai Mạnh - mạnh về chính trị, mạnh về quân sự - sẽ còn sống mãi trong lòng cán bộ, đồng bào và đồng chí cả nước. Tác phong giản dị, gần gũi, đạo đức trong sáng, khiêm tốn, tinh thần dũng cảm, kiên cường của vị tướng áo vải là minh chứng cho sức mạnh Việt Nam.
Một tấm gương sáng
Trải qua hơn 75 năm hoạt động cách mạng ở nhiều vùng, nhiều địa phương, chiến đấu ở những chiến trường trọng điểm và làm nhiệm vụ quốc tế, Đại tướng Chu Huy Mân đã kiên trì vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, kiên trung bất khuất trước kẻ thù. Đại tướng Chu Huy Mân là một tấm gương sáng ngời của người cộng sản kiên cường, bất khuất, suốt đời trung thành, tận tuỵ với nước, với dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; luôn có tinh thần tiến công, lạc quan cách mạng, chủ động, quyết đoán và sáng tạo; hết lòng thương yêu đồng bào, đồng chí; có tinh thần quốc tế trong sáng, thuỷ chung.
Đại tướng Chu Huy Mân luôn tự hào về quê hương Nghệ An giàu truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng.
Tại hội thảo, ông Hồ Đức Phớc – Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An nhấn mạnh, quê hương Nghệ An luôn tự hào về người con yêu quý, gương mẫu của mình. Cách mạng thành công, đất nước sạch bóng quân thù, giang sơn thu về một mối, trên cương vị và trọng trách mới, đồng chí vẫn thường xuyên quan tâm đến phong trào tỉnh nhà.
Những lần về thăm quê hương, Đại tướng luôn để lại cho Đảng bộ, quân và dân Nghệ An nhiều ấn tượng sâu sắc, nghĩa tình, nhất là tình cảm, sự quan tâm của đồng chí đối với cán bộ cách mạng lão thành, gia đình có công với nước, những người có hoàn cảnh khó khăn; quan tâm chăm sóc, giáo dục, cổ vũ thế hệ trẻ tiếp bước truyền thống cha ông.
Ông Hồ Đức Phớc – Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An. |
Tình cảm, tâm huyết, trách nhiệm của đồng chí Chu Huy Mân là nguồn động viên, cổ vũ to lớn đối với Đảng bộ, quân và dân Nghệ An trong sự nghiệp xây dựng Nghệ An vươn lên trở thành tỉnh khá như lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu.
Trong bài tham luận của mình, Trung tướng Mai Quang Phấn - Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng - nhấn mạnh: Trong quân đội, Đại tướng Chu Huy Mân không chỉ là người lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược, nhạy bén, sắc sảo mà còn rất giỏi về chỉ đạo chiến dịch, chiến thuật và là người có nhiều cống hiến xuất sắc trong việc xây dựng QĐND Việt Nam là quân đội của dân, do dân vì dân. Những đóng góp to lớn và quan trọng của Đại tướng đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn chiến đấu đầu gian khổ hy sinh cũng như trong điều kiện hòa bình, nhất là khi Đại tướng đảm nhiệm trọng trách Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam.
Năm 1967, trong một lần ra Thủ đô báo cáo tình hình chiến trường Khu 5 với Bác Hồ, tướng Chu Huy Mân đã được Bác tiếp chuyện thân mật. Nói về vai trò Tư lệnh kiêm Chính ủy của ông, Bác cười vui: “Chú gánh cả hai vai cho khỏe”. Từ đó, đồng đội của Chu Huy Mân đã gọi ông với cái tên thân thương: “Anh Hai Mạnh” - mạnh về chính trị và mạnh về quân sự…
Ngô Toàn