TAND huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) mới mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử vụ án “Cố ý gây thương tích”. Chỉ vì một phút nóng giận, bị cáo - một nữ nông dân vốn có tiếng hiền lành, chân chất ở địa phương đã tạt cả chảo dầu sôi vào mặt em dâu của mình. Đau lòng hơn, thời điểm xảy ra vụ án rơi vào đúng ngày cúng Tất niên, ngày đoàn tụ của gia đình.
Lặng lẽ cúi gằm mặt trước vành móng ngựa là bị cáo Danh Thị Đèo (56 tuổi). Ở hàng ghế phía sau, người bị hại Lý Thị H (36 tuổi, là em dâu của Đèo) cũng không giấu được nét lo âu, phiền muộn. Có mặt tại phiên tòa, người thân của cả bị cáo và cũng là người thân của bị hại đều thấp thỏm lo âu, chờ đợi. Gần 3 năm đã trôi qua, đến giờ này họ vẫn không thể tin là Đèo lại có thể làm cái điều rồ rại, nhẫn tâm đến thế. Có lẽ đau lòng nhất trong số họ là một người đàn ông mới gần 40 bởi giờ đây bên chị, bên vợ, anh biết thương bên nào?
Tiền bạc phá hỏng bữa cơm Tất niên
Theo cáo trạng, ngày 25/1/2009 (tức là ngày 30 Tết Nguyên đán), như tâm lí chung của bao người Việt khác sau 1 năm lao động cực nhọc đều muốn trở về đoàn tụ với gia đình trong bữa cơm Tất niên, Đèo cũng háo hức về nhà ông Danh H. - cha đẻ của Đèo.
Đến nơi, Đèo thấy em dâu là Lý Thị H. đã có mặt. Hai chị em chào hỏi rồi bắt đầu cùng phụ giúp dọn dẹp nhà cửa cho cha mẹ. Sau đó, cả hai cùng vào bếp nấu nướng, chuẩn bị cho bữa cơm Tất niên. Làm xong phần việc của mình, chị H. ra nằm võng cạnh bếp để nghỉ ngơi, còn Đèo vẫn đang đun chảo dầu ăn trên bếp.
Ảnh minh họa. |
Lúc này Đèo mới nhắc lại chuyện vợ chồng em dâu còn thiếu nợ cha mình 12 triệu đồng đã lâu mà chưa trả. Đèo hỏi chị H.: “Năm hết tết đến, sao cậu mợ không trả tiền cho cha để cha trả tiền cho ngân hàng? Rồi còn số vàng tôi cho cậu mợ mượn cũng đã hơn ba năm (2 chỉ vàng 24K và 1,3 chỉ vàng 18K), cậu mợ cũng thu xếp trả cho tôi đi chứ?”.
Chị H. trả lời: “Lúc trước cha có cho vợ chồng tôi một công đất, nay tôi không làm nữa, chị kêu cha bán đi để trả tiền cho ngân hàng, còn dư lại thì chị cứ lấy”. Bực mình, Đèo hỏi ngược lại: “Bán đất thì lấy gì làm ăn?”. Từ đó hai chị em cự cãi qua lại rồi chửi mắng nhau. Chị H. liên tục nói chị chồng là “người không biết điều” còn Đèo quy kết cô em dâu là “đồ lừa đảo, lừa gạt gia đình chồng”. Thấy ầm ĩ, ông Danh H. đã đi xuống can ngăn và la rầy chị chồng em dâu: “Hai đứa bây có nín đi không, lo mà làm đồ ăn để tao còn cúng Tết”. Thấy hai đứa con im lặng, ông Danh H. yên tâm đi lên nhà trên.
Ai ngờ, ông Danh H. vừa dứt bóng thì hai chị em lại tiếp tục cuộc khẩu chiến. Không còn làm chủ được mình, Đèo đã cầm nguyên chảo dầu đang đun sôi trên bếp tạt thẳng vào em dâu. Chị H. được gia đình đưa đi cấp cứu, còn Đèo đến Công an xã tự thú. Theo kết luận giám định pháp y, chị H. bị bỏng nặng, thương tích với tỷ lệ 25%. Trong quá trình điều tra, Đèo đã bồi thường được 200.000 đồng cho em dâu.
Trả giá đắt vì phút nông nổi
Trả lời câu hỏi của HĐXX tại sao lại nhẫn tâm tạt cả chảo dầu ăn đang sôi vào người em dâu, Đèo trả lời: “Do bị hại nói hỗn với bị cáo, bị cáo quá tức giận nên đã không làm chủ được mình. Nay bị cáo thực sự hối hận về hành vi nông nổi của mình?”.
HĐXX hỏi yêu cầu của người bị hại, chị H. xin Tòa giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo vì dù sao bị cáo và bị hại cũng là người trong gia đình và bản thân bị hại cũng có những lời nói không đúng.
Được nói lời sau cùng trước khi Tòa vào nghị án, Đèo xin Tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt, “bị cáo thấy hành vi của mình là sai, bị cáo rất hối hận...”.
Tòa nhận định: Chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống mà bị cáo đã dùng chảo dầu ăn đang đun sôi tạt vào em dâu, gây bỏng nặng cho người bị hại. Hành vi của bị cáo là rất nguy hiểm. Bị cáo biết rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng của người khác nhưng vẫn cố ý thực hiện. Do đó, bị cáo phải chịu hai tình tiết định khung tăng nặng là “Dùng hung khí nguy hiểm” và “Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân” quy định tại các điểm a, b Khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự (tội “Cố ý gây thương tích”) và cần phải có hình phạt thật nghiêm dành cho bị cáo.
Tuy nhiên, HĐXX cũng ghi nhận việc trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; đã tích cực bồi thường cho người bị hại; bị cáo là người dân tộc (Khơme), học vấn thấp, làm thuê nên nhận thức pháp luật có phần hạn chế; phạm tội lần đầu... do đó cũng xem xét để giảm một phần hình phạt cho bị cáo.
Cuối cùng, Tòa tuyên phạt bị cáo 24 tháng tù giam, buộc bị cáo phải bồi thường 10 triệu đồng cho người bị hại (tiền thuốc men điều trị, ngày công lao động...).
Nam Phương