Vợ liệt sĩ tái giá - trường hợp nào được vinh danh?
- Thưa ông, theo quy định của pháp luật, những bà mẹ có chồng và con là liệt sĩ nhưng sau đó tái giá có được xét tặng danh hiệu BMVNAH?
Điều kiện, tiêu chuẩn và thủ tục phong tặng, truy tặng danh hiệu BMVNAH được thực hiện theo Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước BMVNAH, Nghị định số 56/2013/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này và Luật Thi đua khen thưởng.
Theo đó, vợ liệt sĩ đã tái giá vẫn được phong tặng và truy tặng danh hiệu BMVNAH theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5 Điều 2 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước BMVNAH (Pháp lệnh). Cụ thể, đó là những trường hợp: có 2 con trở lên là liệt sĩ; chỉ có 2 con mà 1 con là liệt sĩ và 1 con là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; chỉ có 1 con mà người con đó là liệt sĩ; có 1 con là liệt sĩ và bản thân là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
Riêng trường hợp vợ liệt sĩ đã đi lấy chồng khác và có 1 con là liệt sĩ có đủ điều kiện để phong tặng, truy tặng danh hiệu BMVNAH hay không thì hiện nay Bộ Nội vụ là cơ quan có trách nhiệm chỉ đạo việc xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu BMVNAH chưa có hướng dẫn cụ thể nên chưa đủ cơ sở để thực hiện.
- Như ông nói thì vợ liệt sĩ đã lấy chồng khác chính là trường hợp nằm trong khoản 4 Điều 2 của Pháp lệnh: “Có 1 con là liệt sĩ và có chồng hoặc bản thân là liệt sĩ”. Như vậy, điều luật này đã quy định rõ rồi, nghĩa là bà mẹ có 1 con là liệt sĩ và có chồng là liệt sĩ (không cần biết là đã tái giá hay chưa) thì sẽ được phong tặng hoặc truy tặng danh hiệu BMVNAH, vậy cần gì phải đợi sự hướng dẫn của Bộ Nội vụ?
Nếu người phụ nữ có 1 con là liệt sĩ và người chồng trong mối quan hệ hôn nhân hiện tại (cũng là liệt sĩ) thì đương nhiên được vinh danh BMVNAH rồi. Nhưng trường hợp người chồng trong quá khứ (là liệt sĩ) và chồng hiện tại (còn sống) - tức là đã tái giá - thì có được vinh danh hay không, đó mới là vấn đề.
Theo tôi, quy định “Có 1 con là liệt sĩ và có chồng hoặc bản thân là liệt sĩ” thì người chồng liệt sĩ ở đây là nói về mối quan hệ hôn nhân hiện tại, không nói về đời chồng (liệt sĩ) trước đó. Nhưng quy định này chưa giải thích rõ là có được tính chồng cũ (liệt sĩ) làm tiêu chuẩn để xét tặng danh hiệu BMVNAH hay không? Chính vì vậy quy định này cần phải được cơ quan có thẩm quyền giải thích rõ: người chồng liệt sĩ là người chồng trong mối quan hệ hôn nhân hiện tại hay hôn nhân trong quá khứ? Tương tự, vợ liệt sĩ đã lấy chồng khác có được coi là “vợ liệt sĩ” như các trường hợp vợ liệt sĩ ở vậy thờ chồng hay không?
Có sự phân biệt giữa “vợ liệt sĩ” và “vợ liệt sĩ tái giá”?
- Nhưng thưa ông, việc tái giá không làm thay đổi bản chất của sự hy sinh. Trong trường hợp này người phụ nữ đã phải chịu quá nhiều đau đớn và thiệt thòi rồi, Nhà nước phải ghi nhận sự hy sinh thầm lặng này? Hơn nữa, chỉ sau khi khi chồng và con hy sinh, họ mới tái giá?
Tái giá không làm thay đổi bản chất của sự hy sinh là đúng rồi, nhưng giữa một người tái giá và người không tái giá thì sự mất mát, thiệt thòi của người không tái giá vẫn nhiều hơn, làm sao mà so sánh với nhau được. Còn nếu muốn so sánh, phải có văn bản hướng dẫn. Theo tôi, khi có việc tái giá thì đã có sự phân biệt giữa “vợ liệt sĩ” và “vợ liệt sĩ tái giá”. Bản thân các từ này tồn tại là đã có ý nghĩa phân biệt rồi, nó không thể đồng nghĩa với nhau được.
Mặt khác, các quy định của pháp luật phải thống nhất với nhau, vì vậy quy định này bị chi phối bởi luật Hôn nhân và Gia đình (HN&GĐ). Bởi theo Luật HN&GĐ, khi người chồng (vợ) chết và người phụ nữ hoặc người đàn ông tái giá thì hôn nhân cũ chấm dứt để xác lập hôn nhân mới. Hiểu theo luật HN&GĐ, khi nói đến người chồng thì người chồng này phải nằm trong mối quan hệ hôn nhân hiện tại chứ không ai nói là chồng cũ.
Ngoài ra, theo quy định tại Nghị định số 31/2013/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công đã giải thích rõ: “thân nhân người có công là cha đẻ, mẹ đẻ; vợ hoặc chồng; con (con đẻ, con nuôi)..”. Như vậy, khi vợ liệt sĩ đã tái giá thì họ không còn là thân nhân của liệt sĩ nữa.
Để ghi nhận sự hy sinh, mất mát của của họ, Nhà nước đã dành cho những người vợ (chồng) liệt sĩ tái giá hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng mà không được hưởng các ưu đãi khác với thân nhân liệt sĩ.
Bên cạnh quy định trên, tại các văn bản luật như Luật HN&GĐ và Pháp lệnh ưu đãi người có công, không hề có khái niệm “vợ liệt sĩ lấy chồng khác” hoặc “chồng liệt sĩ lấy vợ khác” mà chỉ có khái niệm: “vợ liệt sĩ” và “chồng liệt sĩ”.
Muốn hiểu “vợ liệt sĩ”, “chồng liệt sĩ” là gì, thì theo quan hệ pháp luật tại Luật HN&GĐ, đó là có đăng ký kết hôn hoặc hôn nhân thực tế. Trong trường hợp ly hôn hoặc một bên chết thì hôn nhân chấm dứt, nếu người vợ không lấy chồng khác thì người đó vẫn là vợ liệt sĩ; còn nếu người phụ nữ đã tái giá, có đăng ký kết hôn với người khác, thì làm sao có quyền gọi người chồng cũ (liệt sĩ) là chồng được nữa? Người phụ nữ này có còn là vợ của liệt sĩ nữa hay không?
Để được gọi là “vợ liệt sĩ” thì người phụ nữ đó chưa bước sang cuộc hôn nhân mới, còn khi đã có hôn nhân mới thì chỉ có thể gọi họ là vợ liệt sĩ đã lấy chồng khác mà thôi. Đấy chính là mối quan hệ hôn nhân được pháp luật điều chỉnh. Nhưng như tôi đã nói, để đảm bảo việc thực hiện được thông suốt cũng cần có hướng dẫn cụ thể.
- Thưa ông, đặt trường hợp ngược lại, nếu vợ liệt sĩ đã được phong tặng danh hiệu BMVNAH, nhưng sau đó lại tái giá thì họ có bị thu lại Bằng và Huy hiệu BMVNAH hay không?
Trong cuộc sống có rất nhiều vấn đề nảy sinh mà pháp luật chưa thể lường trước. Nhưng theo logic, nếu đã xét duyệt cho vợ liệt sĩ tái giá được vinh danh BMVNAH thì việc họ đã được vinh danh sau đó mới tái giá thì không ảnh hưởng gì. Còn hiện nay, việc vợ liệt sĩ tái giá có được vinh danh BMVNAH hay không đang còn đợi sự hướng dẫn của Bộ Nội vụ thì vấn đề vợ liệt sĩ đã được phong tặng danh hiệu BMVNAH nhưng sau đó lại tái giá thì có xem xét việc thu lại Bằng và Huy hiệu BMVNAH hay không cũng cần sự giải thích và hướng dẫn của Bộ Nội vụ.
Nhiều lần đề nghị vẫn chưa có văn bản hướng dẫn
- Quay trở lại vấn đề vợ liệt sĩ tái giá có được xét tặng danh hiệu BMVNAH, vậy khi tiếp nhận những vướng mắc từ địa phương liên quan đến vấn đề này, Bộ LĐTB&XH đã có hướng giải quyết như thế nào, thưa ông?
Tiếp nhận phản ánh từ địa phương, Cục Người có công đã có các văn bản số 961/NCC-CS1 ngày 20/8/2013 và Văn bản số 1437/NCC-CS1 ngày 15/11/2013 đề nghị Ban thi đua- Khen thưởng Trung ương khẩn trương báo cáo Bộ Nội vụ ban hành Thông tư hoặc Thông tư liên tịch để xử lý các vướng mắc liên quan đến việc phong tặng hoặc truy tặng BMVNAH, trong đó có vấn đề nêu trên.
Trong thời gian chưa ban hành được Thông tư thì đề nghị tạm thời ban hành công văn hướng dẫn cho các địa phương để kịp thời bảo đảm quyền lợi cho các mẹ. Nội dung này cũng đã được Bộ LĐTB&XH nhắc lại tại Công văn số 1641/LĐTB&XH-NCC ngày 19/5/2014 gửi Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương về việc khen tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước BMVNAH.
- Vậy cho đến nay, các cơ quan chức năng mà Cục Người có công và Bộ LĐTB&XH gửi văn bản đề nghị đã có hồi âm gì chưa? Thông tư hướng dẫn đã được các cơ quan này ban hành?
Sau nhiều lần chúng tôi có công văn đề nghị thì họ chưa có hồi âm và đến nay Thông tư hướng dẫn cũng chưa được ban hành.
- Theo quy định thì Bộ LĐTB&XH cũng là cơ quan có trách nhiệm hướng dẫn các chế độ, chính sách về người có công. Tại sao Bộ không trực tiếp hướng dẫn mà phải đề nghị Ban Thi đua khen thưởng Trung ương và Bộ Nội vụ làm việc này?
Khi chúng tôi có công văn sang Bộ Nội vụ, họ cũng nói rằng trường hợp này chúng tôi phải có trách nhiệm hướng dẫn. Nhưng đó là theo quy định cũ trước đây, còn bây giờ theo quy định mới tại Nghị định 56/2013/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước BMVNAH (có hiệu lực từ 15/7/2013) thì trách nhiệm này thuộc về Bộ Nội vụ.
Cụ thể, tại khoản 1 Điều 7 Nghị định số 56/2013/NĐ-CP quy định: “Bộ Nội vụ có trách nhiệm: chỉ đạo việc xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước BMVNAH; tổ chức thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước BMVNAH”.
Như vậy, thẩm quyền và trách nhiệm đã được Chính phủ giao cụ thể cho Bộ Nội vụ rồi. Dù chúng tôi có thể làm được vấn đề này nhưng bản thân chúng tôi không thể tự mình ban hành Thông tư hướng dẫn, bởi làm như vậy là trái thẩm quyền. Thẩm quyền này Chính phủ không giao cho chúng tôi mà giao cho Bộ Nội vụ.
- Trân trọng cám ơn ông!