Tháng 6/2019 ông Nguyễn Hữu T., 65 tuổi, ngụ tại quận Thủ Đức bị tai biến. Người nhà ông T. ngay lập tức gọi xe đưa đến BV Chợ Rẫy. Tuy nhiên, thời điểm ông T. xảy ra tai biến là vào 6h chiều, khoảng thời gian tan tầm. Khi di chuyển đến BX miền Đông thì gặp phải kẹt xe. Lo lắng qua mất "giờ vàng" dành cho người tai biến, được người quen mách nước, gia đình trở đầu xe đưa ông T. về BV quận Thủ Đức cấp cứu.
Tại phòng cấp cứu của BV Thủ Đức, ông T. được các bác sỹ ở đây nhanh chóng tiến hành đo khám nhịp tim, huyết áp, truyền nước và CT não để phác thảo phương án xử lý cấp kì. Sau khi phát hiện khối tụ máu não, ông T. được nhập viện, điều trị. Ca mổ của ông T. sau đó được tiến hành tại BV Thủ Đức, do BS BV Thủ Đức tiến hành, với máy móc hiện đại. Hiện ông T. đã xuất hiện về nhà, hồi phục tốt.
Ông T. cho biết, tuy là người dân sống ở Thủ Đức, nhưng ông khá mù mờ về BV ngay trên địa bàn quận mình. Trước đến nay, khi gia đình có ai cần khám, chữa bệnh cũng lặn lội đến các BV tuyến trên, có tiếng cho "yên tâm", dù bệnh nặng hay nhẹ.
Thời gian nằm tại BV Thủ Đức, ông T. mới được biết BV Thủ Đức là BV loại 1 đầu tiên của cả nước, là BV vệ tinh của nhiều BV lớn như 115, Chợ Rẫy... Ông T. cho biết: "Trước đến nay tôi vẫn có tâm lý "không để ý" đến BV quận vì cho rằng chất lượng không tốt. Sau khi chữa bệnh tại đây, tôi mới biết đến khái niệm BV vệ tinh.
Quả thật, không chỉ chất lượng máy móc, y, bác sĩ tốt, mà cung cách hoạt động, thái độ của cán bộ nhân viên BV rất gây thiện cảm. Khi tôi xuất viện, sau đó còn có nhân viên BV gọi đến xin khảo sát đánh giá chất lượng BV, đúng là dịch vụ không kém các BV tư nhân".
Ông T. không phải là người dân hiếm hoi thiếu thông tin về BV vệ tinh, không đặt niềm tin ở BV tại địa phương của mình. Trong khi, BV quận Thủ Đức được coi là một trong những "hiện tượng" nổi trội của ngành Y tế nói chung, BV Thủ Đức đã lập nên một kỉ lục cho ngành Y tế khi trở thành BV quận đầu tiên của cả nước đạt BV hạng 1.
Đây cũng là BV tuyến quận đầu tiên của cả nước mổ tim hở, là BV đầu tiên ở phía Nam triển khai đề án bệnh án điện tử, được chuyển giao nhiều công nghệ điều trị hiện đại từ các BV tuyến trên, có lượng GS, BS đầu ngành khá cao: 513 bác sĩ với 8 GS, PGS, 13 tiến sĩ...
Tương tự, ngay cả người dân khu vực quận 2, không phải ai cũng biết BV quận 2 là một vệ tinh cực kì hiệu quả của BV Ung bướu. Đáng tiếc là rất nhiều người dân trên địa bàn của các BV này lại không biết, không được hưởng những lợi từ mô hình.
Trên thực tế, ngoài một số BV vệ tinh triển khai rất tích cực, rất tốt, hưởng ứng sự chuyển giao của các BV tuyến trên, thì có không ít BV tuyến dưới khá ậm ừ. Tiếng là vệ tinh, nhưng nhiều BV tuyến quận vẫn "làm theo cách của mình" là chính chứ thiếu sự phối hợp với tuyến trên.
Một ví dụ, trong hoạt động cấp cứu, dù gặt hái nhiều kết quả khả quan trong việc lập trung tâm cấp cứu vệ tinh, nhưng Trung tâm cấp cứu 115 không ít lần gặp khó khăn khi kết nối, trao đổi với trạm vệ tinh, các BV trong việc điều phối, hỗ trợ chuyên môn, vận chuyển người bệnh.
Không ít BV tuyến quận nằm trong danh sách "thường xuyên từ chối" khi nhận cuộc gọi cấp cứu của người dân. Có trường hợp người dân gặp tai nạn, gọi hết các quận lân cận, bị từ chối, trạm cấp cứu 115 phải vượt mười mấy km đường TP để đến đưa bệnh nhân đi, trong khi trạm cấp cứu vệ tinh cách đó có... 1km.
Tất nhiên, trong sự "ách tắc" này cũng có những nguyên nhân hết sức khách quan từ "cái khó" của các trạm vệ tinh. Đó là việc thiếu xe cấp cứu, xe cũ, hư. Có trạm chỉ có 1, 2 chiếc không đáp ứng đủ nhu cầu tại chỗ. Cơ sở vật chất thiếu thốn, xuống cấp cũng là một cái khó gây trở ngại cho người dân muốn tiếp cận BV vệ tinh.
Như BV quận Thủ Đức, dù chất lượng khám chữa bệnh, chất lượng phục vụ người dân được đánh giá cao, nhưng nhiều người dân đến đây ban đầu sẽ khá... choáng khi chất lượng phòng ốc, cơ sở dịch vụ đã xuống cấp, cũ nát, thiếu thốn phòng khám, phòng bệnh trầm trọng. Nếu không tìm hiểu chất lượng mà chỉ đánh giá bước đầu thông qua cơ sở vật chất, có lẽ người dân đã ngán ngại.
Một nguyên nhân khác cho việc người dân không nhiều niềm tin về BV vệ tinh, đó là cái yếu trong khâu tuyên truyền của ngành Y tế. Đến nay, đề án BV vệ tinh đã sang giai đoạn 2, chuẩn bị triển khai tuyến vệ tinh các tỉnh liên kết tuyến TP. Nếu chưa thực sự củng cố được BV tuyến dưới có chất lượng ổn định, nếu chưa nhận được sự ủng hộ của đông đảo của người dân, thì sự phát triển mô hình này có nhanh, mạnh đến đâu cũng không đạt được hiệu quả như mong muốn./.