Như đã nói ở kỳ trước, trong lúc cuộc chiến tranh Anh - Pháp cam go, vận mệnh nước Pháp mong manh thì ngày 6/3/1429, như trong cổ tích, có một thánh nữ tên là Jeanne d’Arc dũng cảm đã xin Thái tử Charles cho cô được cầm quân đánh thắng quân Anh.
Xung quanh câu chuyện Jeanne d’Arc xin thái tử Charles cho cầm quân đánh giặc, có một giai thoại bí ẩn ly kỳ. Vì sao một thánh nữ ngoan đạo bỗng dưng lại đứng ra gánh vác sứ mệnh lớn lao của quốc gia đại Pháp, điều này có vẻ như rất hoang đường? Giai thoại kể rằng, hôm đó, như thường lệ Jeanne d’Arc làm lễ cầu nguyện, chợt nghe văng vẳng bên tai một tiếng nói từ trên trời vọng xuống bảo cô có sứ mệnh phục hưng đất nước, giúp Thái tử Charles lên ngôi Hoàng đế. Cô còn nhìn thấy hình ảnh mấy vị thiên sứ. Cô đem chuyện này nói với bà con hàng xóm, mọi người không tin và nhạo báng. Sự việc kì lạ kia lại xuất hiện.
Mỗi khi cầu nguyện, cô lại nghe thấy tiếng nói nhắc nhở sứ mệnh cứu nước của mình. Muốn thế, có lẽ cô phải cải trang thành nam giới, xin tòng quân xông pha trận mạc. Sau nhiều lần như vậy mọi người bắt đầu tin vào lời Jeanne. Ở nước Pháp lúc đó lan truyền trong dân gian câu sấm: “Thiếu nữ ra trận, quốc vận huy hoàng, Charles lên làm vua”.
Năm 16 tuổi, Jeanne tìm cách xin gặp Thái tử Charles. Viên chỉ huy địa phương gặp cô thôn nữ bình dị ngạo mạn cười khinh bỉ. Thấy ông không quan tâm nguyện vọng của mình, cô cho ông biết quân Pháp sẽ bị đại bại ở Orleans (dự đoán của cô sau này thành hiện thực).
Jeanne d’Arc cho rằng mình được Chúa giao sứ mệnh giải phóng nước Pháp. |
Trở về nhà, Jeanne vẫn theo đuổi lý tưởng của mình. Khi nghe thấy tiếng nói thần bí, cô hỏi: “Tôi phận gái yếu đuối, không biết cưỡi ngựa mà cũng chẳng biết sử dụng vũ khí, vậy làm sao chỉ huy được quân đội?”. Có tiếng trả lời: “Người chỉ huy không phải con mà là chúa”. Tháng Giêng năm sau, cô lại đi gặp viên chỉ huy quân sự địa phương. Khác với lần trước, ông ta có vẻ tin tưởng cô (lời dự đoán về thành Orleans thất thủ đã thành sự thật).
Ông hỏi: “Cô bé ơi, mũ sắt không biết đội, làm sao ra mặt trận?”. Cô mạnh dạn trả lời: “Tôi có đủ quyết tâm và tinh thần dũng cảm, tôi sẽ vừa chiến đấu vừa học tập”. Ông lại hỏi: “Cô chỉ có một thân một mình, làm sao có thể đánh thắng quân Anh?” Cô kiên quyết: “Tôi có tổ quốc và nhân dân, lại có cả quốc vương phù trợ. Tôi sẽ giải phóng thành Orleans, phò tá Thái tử lên ngôi Hoảng đế”. Viên chỉ huy thấy cô gái này rất dũng cảm và có kiến thức, giàu đảm lược.
Ông lờ mờ cảm nhận rằng cô đang được một sức mạnh thần bí nào đó giúp đỡ, quân Pháp sẽ đánh thắng quân Anh. Ông cử vài binh sĩ hộ tống đưa cô đi gặp Thái tử Charles. Sau 11 ngày hành quân qua chặng đường dài đầy gian nan, Jeanne d’Arc đã tới đại bản doanh của Thái tử Charles. Thái tử tiếp kiến cô gái nông thôn bình dị này đúng lúc quân Pháp vừa bị thua to trong trận Orleans, nước Pháp đang rơi vào tình thế tuyệt vọng.
Ông được nghe nguyện vọng cứu nước thiết tha của cô gái và cảm thấy có đôi chút hy vọng. Tuy nhiên, Thái tử cử một số nhà Thần học nghiên cứu kĩ câu chuyện thần kì về lời báo mộng của Jeanne d’Arc. Cô nói quả quyết với các nhà thần học: “Cho tôi một đạo quân, tôi sẽ giải phóng thành Orleans. Đó là sứ mệnh mà Chúa đã giao cho tôi”.
Sau 3 tuần điều tra, nghiên cứu rất kĩ, các nhà thần học tin vào thần mộng của Jeanne d’Ạrc. Họ xin Thái tử chấp nhận nguyện vọng và kế hoạch tác chíên của cô. Thái tử đồng ý, giao cho cô một đạo quân, để cô mặc quân phục kỵ sĩ. Theo yêu cầu của cô, quân kì của đạo quân này có thêm hai chữ “Jesus Maria” (tên của Chúa và Đức Mẹ). Ngoài ra còn làm một bức họa vẽ dung nhan một vị thánh và hai thiên sứ quỳ dâng hoa bách hợp.
Thế là cô gái 17 tuổi xuất thân nông dân trở thành Thống soái quân đội Pháp. Cô dẫn đạo quân này tiến về thành Orleans. Một số nhà sử học Pháp hoài nghi sự kiện này. Họ cho rằng bao nhiêu binh hùng tướng mạnh mà chẳng đánh thắng, huống chi một cô bé nông dân mù chữ, dốt đặc về quân sự thì làm nên trò trống gì. Rơi vào tình thế tuyệt vọng, Thái tử Charles gửi một chút hy vọng mong manh vào Chúa. Một sự việc động trời đã xảy ra làm sáng mắt họ.
Ngày 27/4/1429, Jeanne d’Arc mặc giáp trụ đàng hoàng, chỉ huy 3.000 quân tiến công quân Anh ở thành Orleans. Vũ khí của cô là một thanh kiếm và lá cờ có ghi tên Chúa và Đức Mẹ. Lúc đó tuy quân Anh mới giành được thắng lợi nhưng chưa hoàn toàn chiếm được thành Orleans. Đạo quân cứu viện của Jeanne d’Arc phải vượt qua nhiều đồn bốt của quân Anh mới vào được thành Orleans. Tại đây, họ cùng nhau phối hợp tác chiến với số quân còn cố thủ trong thành.
Trong chiến đấu, Jeanne d’Arc tỏ ra là một người chỉ huy dũng cảm, mưu trí xuất chúng. Hình như cô như luôn được Chúa phù trợ, luôn dũng cảm vác cờ đi đầu xông vào hiểm trận. Cô bác bỏ kế hoạch của các tướng chỉ huy dày dạn kinh nghiệm, kiên quyết thực hiện ý đồ tác chiến táo bạo của mình. Cách đánh của cô đã mang lại hiệu quả rõ rệt khiến họ phải khâm phục. Cô và ngọn cờ Chúa đi đến đâu là thắng lợi ở đó.
Quân sĩ nhìn thấy cô và cờ Chúa là tăng thêm sĩ khí, liều mình xông lên diệt địch. Quân Pháp phối hợp sức mạnh trong, ngoài thành Orleans tạo ra thế mạnh như chẻ tre. Quân Anh vốn khinh địch, nay lại thấy chỉ huy quân đối phương là cô gái trẻ thì càng tỏ vẻ khinh thường. Họ chế nhạo người Pháp lẩn thẩn, mang cả mụ phù thủy ra trận.
Sau nhiều lần tấn công không thành, đích thân Jeanne d’Arc dẫn quân cầm lá cờ đi đầu leo lên tòa thành, tiến công căn cứ kiên cố của quân Anh. Phát hiện Jeanne d’Arc , lính Anh tập trung các cung thủ nhằm bắn tới tấp. Khi cô bị trúng mũi tên vào ngực và ngã ngựa, máu chảy ròng ròng, lũ lính Anh nhìn thấy, khoái chí hô lớn: “Mụ phù thủy mất mạng rồi”.
Trận này quân Pháp bị thiệt hại khá nặng nề mà vẫn chưa hạ gục được thành lũy đối phương. Thấy cô bị thương, mũi tên còn cắm trên ngực, viên phó tướng đề nghị rút quân nhưng Jeanne d’Arc không đồng ý. Trước trận đánh này cô đã từng nói với binh sĩ dự đoán của mình: “Bản thân cô bị thương nặng nhưng nhất định quân Pháp sẽ thắng”.
Vì thế cô đưa tay nhổ bật mũi tên trên mình, nghiến răng đứng dậy. Cô băng bó vết thương, đọc lời cầu nguyện, sau đó trực tiếp cầm cờ tấn công. Noi gương cô, đám binh sĩ Pháp cũng hiên ngang xông tới xả thân bảo vệ, quân Anh nhìn thấy rõ ràng cô đã gục ngã mà nay lại thấy xung phong tuyến đầu thì vô cùng hoảng sợ.
Chúng hô to bảo nhau: “Mụ phù thủy sống lại rồi”, “Mụ ta không thể nào chết”. Trước khi thế hùng dũng của quân Pháp, lính Anh vội bỏ thành tháo chạy. Đến ngày 8/5/1429, Jeanne d’Arc giải phóng được Orleans, quân Pháp đại thắng, nhân dân trong thành phố được giải cứu. Họ vô cùng vui sướng, đổ ra đường hoan nghênh đoàn quân anh hùng. Nhà thờ Orleans kéo chuông vang dội, chúc mừng thắng lợi. Từ đó nhân dân Pháp tôn vinh Jeanne d’Arc là “Trinh nữ xứ Orleans”.
Sau trận đại thắng ở Orleans, Jeanne d’Arc tiếp tục tiến quân. Dưới sự chỉ huy dũng cảm và tài tình của cô, quân Pháp liên tiếp giành thắng lợi, giải phóng hết thành phố này đến thành phố khác. Quan trọng hơn, cô đã đem lại lòng tự tin cao độ cho nhân dân Pháp.
Đến ngày 18/6/1429, toàn bộ quân Anh đầu hàng. Jeanne d’Arc phò tá Thái tử Charles lên ngôi Hoàng đế với danh hiệu là Charles VII. Lễ đăng quang được tổ chức rất trọng thể vào ngày 17/7/1429 tại Reims. Jeanne d’Arc mặc bộ đồ trận, tay cầm quân kỳ, đứng cạnh Charles VII. Lúc này uy danh của cô lên tới tột đỉnh. Sau lễ đăng quang, Jeanne d’Arc đã hoàn thành sứ mệnh, lẽ ra cô đã có thể trở về quê hương, sống một cuộc đời bình dị, nhưng cô đã không làm thế.
Cô nói với đồng đội: “Tôi vốn muốn về chăn cừu, làm ruộng nhưng quân Anh vẫn còn chiếm đóng một số vùng trên lãnh thổ Pháp, tôi cần tiếp tục chiến đấu”. Jeanne d’Arc vốn là một nông dân thuần phác cô không thể nghĩ đến chuyện Charles VII sau khi lên ngôi Hoàng đế đã khinh thường xuất thân hèn hạ của cô. Một số đại thần và tướng lĩnh bắt đầu ghen tị với cô, không còn coi trọng cô như trước nữa. Bọn quý tộc này chờ cơ hội để làm hại cô.
Mùa xuân năm 1430, Jeanne d’Arc bất chấp thái độ tiêu cực của Charles VII và các tướng lĩnh đã dẫn quân tiến đánh Paris. Không được các cánh quân khác hỗ trợ, cô lâm vào thể đơn độc tác chiến. Thành Compiegne ở miền Bắc nước Pháp bị bọn quý tộc phản động câu kết với quân Anh vây đánh. Jeanne d’Arc mang quân tới cứu viện. Cô bị thất bại, phải tìm cách rút quân vào thành nhưng tên tướng giữ thành sai quân lính đóng chặt cổng không cho vào.
Cuối cùng, cô bị bọn quý tộc phản động bắt sống. Trong khi cô gặp nguy khốn. Charles VII biết tin nhưng bỏ mặc không cho quân đi cứu viện. Sau khi bắt được Jeanne d’Arc, bọn quý tộc phản động đã bán có cho quân Anh với giá 10.000 đồng tiền vàng. Ngày 23/12/1430, chúng giải cô tới thành Rouen - nơi đang bị quân Anh chiếm giữ. Lúc này thông lệ quốc tế không cho phép kết án tù binh, nhưng người Anh đã tìm cớ để giết Jeanne d’Arc.
Chúng dựng chứng cớ giả tạo vu cho cô là phù thủy. Ngày 21/2/1431 chúng bắt đầu thẩm vấn cô. Người Anh cử một viên thẩm phán tòa án tôn giáo làm việc này. Hắn hỏi cô về những chuyện thần kỳ mà cô đã được chứng kiến. Rồi kết án cô là phù thủy, là dị đoan. Theo luật Anh hồi đó, ai làm phù thủy sẽ bị đưa lên giàn thiêu.
Ngày 25/5/1431, người Anh chính thức quy tội Jeanne d’Arc là phù thủy. Sáng ngày 30/5/1431, chúng đưa người nữ anh hùng của dân tộc Pháp lên giàn thiêu. Tro cốt của cô bị ném xuống sông Seine. Cái chết của Jeanne d’Arc gây ra sự căm phẫn trong dân chúng Anh và Pháp. Ngay viên bí thư của vua Anh Henrry cũng phẫn nộ nói: “Điên hết cả rồi, chúng ta đã giết hại một thánh nữ”. Năm 1456, Tòa thánh La Mã lật lại vụ án, khôi phục danh dự cho Jeanne d’Arc.
Năm 1905, Giáo hoàng phong tặng có danh hiệu “Chân phúc”. Năm 1920, chính thức phong tặng có danh hiệu “Thánh nữ”. Jeanne d’Arc sống trong thời kì đầy rẫy những chuyện thần bí. Dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa tôn giáo mông muội, cuộc sống tinh thần của con người bị chi phối bởi những dự đoán tiên tri, truyền thuyết thần bí, ma quỷ, thần thánh.
Thời đó, mỗi khi gặp phải chiến tranh, động loạn, đói kém, dịch bệnh... dân chúng thường cầu xin các đấng linh thiêng cứu giúp. Nước Pháp thời đó xuất hiện nhiều pháp sư, phù thủy và các nhà tiên tri. Có thể thấy rằng, sự kiện Jeanne d’Arc không phải là một hiện tượng ngẫu nhiên. Sau khi Jeanne hy sinh vì sự nghiệp cứu nước và tín ngưỡng của mình, cô trở thành một anh hùng cứu quốc, được nhân dân Pháp đời đời ca ngợi.