Vì sao quốc lộ 5 xảy ra nhiều tai nạn giao thông?

Các lối mở trên tuyến đường quốc lộ 5 khiến lái xe chịu nhiều áp lực khi lưu thông qua đây.
Các lối mở trên tuyến đường quốc lộ 5 khiến lái xe chịu nhiều áp lực khi lưu thông qua đây.
(PLVN) - Quốc lộ 5 đã thành nỗi ám ảnh, con đường này từ lâu được ví như “con đường tử thần” bởi hàng loạt vụ tai nạn thảm khốc xảy ra. Cùng với đó, tình trạng quá tải, mặt đường xuống cấp, hàng trăm đường ngang dân sinh vuông góc được mở ra, nhà dân mọc san sát luôn khiến cho các lái xe cảm thấy bất an khi di chuyển qua đây. Nhiều ý kiến cho rằng, quốc lộ 5 không còn là quốc lộ mà nó dường như đã là con đường nội đô dài cả trăm cây số.

Bất cập hạ tầng

Vấn đề dễ thấy nhất của quốc lộ 5  hiện nay là hàng trăm lối dân sinh vuông góc được mở ra để kết nối tuyến đường với các đường ngang dân sinh. Những lối mở vuông góc này khiến cho lái xe khó phát hiện phương tiện nhập làn.

Nếu khi thấy phương tiện nhập làn, thì đã ở một khoảng cách quá gần, khi đó, lái xe chỉ có thể lựa chọn giải pháp đi thẳng hoặc phanh gấp. Vì thế, hầu hết các vụ tai nạn xảy ra trên quốc lộ 5  đều tại các điểm giao cắt, lối mở sang đường. 

Quốc lộ 5   được cải tạo, nâng cấp lên tiêu chuẩn đường cấp 1 đồng bằng từ năm 1996. Vào thời điểm đó thì đây là con đường hiện đại bậc nhất của Việt Nam, được quy hoạch là một phần của tuyến đường xuyên Á với năng lực lưu thông theo thiết kế đủ đảm bảo các điều kiện hạ tầng của đường quốc lộ cấp 1.

Theo tiêu chuẩn của đường cấp 1 đồng bằng thì hành lang an toàn được quy định là 17 mét tính từ mép đường. Về lý thuyết, tất cả các đường ngang giao cắt, lối mở sang đường đều phải là cầu vượt hoặc hầm chui dân sinh.

Theo thiết kế là vậy, thế nhưng thực tế hiện nay, dọc tuyến quốc lộ 5 đang có tốc độ đô thị hóa nhanh. Hai bên đường, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư, các loại hình dịch vụ... mọc lên san sát, bám sát quốc lộ và đấu nối trực tiếp vào tuyến đường.

Thống kê chưa đầy đủ, dọc tuyến có tới hơn 150 điểm đấu nối với các quốc lộ khác và đường tỉnh, đường huyện, thậm chí cả đường xã. Điều đó khiến cho 100km con đường này mang dáng dấp một tuyến đường nội thị.

Hiện nay quốc lộ 5  đang xuống cấp nghiêm trọng. Mỗi ngày, hàng ngàn chiếc xe container, xe siêu trường siêu trọng, xe quá tải các loại… quần thảo tuyến đường, tạo nên những “sống trâu” nguy hiểm. Theo thống kê, hiện nay số lượng xe qua trạm thu phí trên quốc lộ 5  đạt lưu lượng 50.000 lượt xe quy đổi/ngày đêm (chưa kể số lượng xe container, xe tải trốn không qua trạm) khiến tuyến đường này quá tải trầm trọng.

Trong số đó, xe container chiếm tới 50%, tương đương 25.000 lượt xe mỗi ngày. Mặc dù mất an toàn, nhưng do cuộc sống mưu sinh hằng ngày buộc người dân hai bên và rất đông công nhân vẫn phải qua lại. 

Trong khi đó, việc cải tạo, sửa chữa, nâng cấp quốc lộ 5 chưa theo kịp với tốc độ gia tăng phương tiện và tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương có tuyến đường đi qua. Tình trạng mặt đường lồi lõm, hằn "sống trâu" diễn ra hầu hết trên tuyến, nhưng chậm được sửa chữa thường xuyên.

Hệ thống báo hiệu đường bộ, sơn vạch kẻ đường không được rà soát, sửa chữa, thay thế, điều chỉnh và bổ sung kịp thời, công tác bảo trì chưa được quan tâm tương xứng. Thực tế này đang khiến quốc lộ 5  ngày càng bị băm nát, đồng thời là nguyên nhân của những vụ tai nạn giao thông thảm khốc.

Loay hoay tìm giải pháp 

Lý giải về tình trạng xuống cấp của tuyến đường, đại diện Công ty bảo trì quốc lộ 5 trong lần trả lời báo chí gần đây cho rằng: “Tình trạng quá tải, xuống cấp của quốc lộ 5 đã đến mức báo động, thậm chí, nhiều đoạn tuyến hằn “sống trâu” được đơn vị sửa chữa chưa đầy một tháng sau đã hằn lún trở lại.

Bên cạnh đó, việc sửa chữa lớn trên toàn tuyến đường hiện nay phụ thuộc vào kinh phí cấp của Nhà nước, còn công tác quản lý hệ thống tín hiệu, báo hiệu trên tuyến thuộc thẩm quyền của các địa phương, nên áp lực kinh phí sửa chữa, bảo trì luôn đè nặng lên công ty”.

Tìm giải pháp cấp bách để đảm bảo an toàn giao thông trên quốc lộ 5 là điều cấp bách. Người dân vẫn nơm nớp nỗi lo sợ mỗi khi lưu thông qua đây. Họ mong mỏi các cơ quan chức năng sớm có biện pháp để đảm bảo an toàn giao thông trước các diễn biến phức tạp hiện nay trên tuyến đường này.

Xây cầu vượt, hầm chui tại các lối giao cắt, thường xuyên nâng cấp, sửa chữa mặt đường, hạ tốc độ lưu thông trên tuyến đường… là các giải pháp được các cơ quan chức năng nhắc tới trong việc đảm bảo an toàn giao thông trên quốc lộ 5. Trong đó, biện pháp được cho hiệu quả nhất là xây cầu vượt và làm đường gom trên tuyến này.

Tuy nhiên, thực tế là khó có thể xây cầu vượt cho hàng trăm con đường giao cắt, lối mở sang đường dân sinh được hình thành bởi các khu dân cư mọc lên hai bên đường. Nhiều đoạn hàng rào dải phân cách bị người dân khoét lỗ để đi lại, lực lượng chức năng cứ rào chắn rồi lại bị phá. Bên cạnh đó, kinh phí cho việc xây cầu vượt, làm tuyến đường gom là quá lớn. Các cơ quan chức năng cũng chưa biết lấy nguồn kinh phí này từ đâu.

Một số ý kiến cho rằng, trong hoàn cảnh hiện tại cần thay đổi cấp đường, đưa quốc lộ 5 từ một con đường quốc lộ cấp 1 đồng bằng về tiêu chuẩn đường đô thị. Điều đó đồng nghĩa với việc hạ tốc độ lưu thông từ 90km/h về còn 50km/h, đồng thời đặt gờ giảm tốc trên toàn tuyến, lắp đèn tín hiệu giao thông cho hàng trăm điểm giao cắt.

Khi đó, nhu cầu vận tải của trục Hà Nội – Hải Phòng sẽ được chia sẻ sang tuyến đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Theo đó, sẽ phải tính lại mức phí và thời gian thu phí trên tuyến đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.  

Đọc thêm

Xe tải va chạm xe khách, 23 người thương vong

Hiện trường vụ tai nạn giao thông khiến 1 người chết, 22 người bị thương.
(PLVN) - Chiều 13/4, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Kon Tum cho biết, trên tuyến đường Quốc lộ 24 đoạn qua địa bàn huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum vừa xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe tải và xe khách khiến một người chết, 22 người bị thương.

Thông xe tuyến đường kết nối cầu vượt sông Cầu, kết nối vùng Hà Nội - Bắc Giang

Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng thông xe kỹ thuật tuyến đường.
Dự án được thông xe kỹ thuật đóng vai trò chiến lược để hình thành mạng lưới giao thông liên kết TP Hà Nội với tỉnh Bắc Giang và các tỉnh lân cận, hoàn thiện đường Vành đai 4 qua địa phận tỉnh Bắc Giang; kết nối các khu, cụm công nghiệp của tỉnh Bắc Giang với các khu công nghiệp tại TP Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc...

Nghiên cứu cung cấp giấy chứng nhận đăng kiểm điện tử

Bộ GTVT đồng ý với đề xuất nghiên cứu cung cấp hồ sơ, giấy chứng nhận đăng kiểm phương tiện dưới dạng điện tử. (Ảnh minh họa)
(PLVN) - Cục Đăng kiểm (Bộ GTVT) vừa kiến nghị Bộ GTVT cho phép lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án "Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số (CĐS) trong quản lý và điều hành công tác đăng kiểm của Cục Đăng kiểm giai đoạn đến 2026".

Xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội: Cần có các đột phá về cơ chế, chính sách

Xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội: Cần có các đột phá về cơ chế, chính sách
(PLVN) - Đây là ý kiến được các đại biểu đưa ra tại Hội thảo khoa học Đường sắt đô thị trong hệ thống giao thông thông minh nhằm giảm ùn tắc giao thông, tiến tới giảm phương tiện giao thông cá nhân do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP Hà Nội tổ chức sáng 11/4. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn chủ trì hội thảo.