Thông tin nào được điều tra, thống kê?
Dự thảo này quy định về điều tra thống kê trong lĩnh vực tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối, trong đó quy định khá chi tiết về nguyên tắc thực hiện, các trường hợp tiến hành điều tra thống kê, trình tự thủ tục cũng như nội dung của điều tra thống kê… Tuy nhiên, Dự thảo lại không quy định cụ thể về các thông tin sẽ được điều tra thống kê.
Khoản 1 Điều 3 Dự thảo quy định “điều tra thống kê trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước là điều tra thống kê do Ngân hàng Nhà nước thực hiện nhằm thu thập các thông tin thống kê về tiền tệ, ngân hàng và các thông tin thống kê có liên quan khác để thực hiện chức năng quản lý nhà nước và chức năng Ngân hàng Trung ương theo quy định của pháp luật”. Quy định này chỉ đề cập rất chung về phạm vi thống kê (tiền tệ, ngân hàng, các thông tin liên quan khác) mà không cho phép xác định cụ thể những thông tin nào, của các đối tượng nào, sẽ được/có thể được thu thập thống kê.
Trong văn bản góp ý gửi tới Ngân hàng Nhà nước, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lưu ý rằng, những thông tin trong lĩnh vực này đều là những thông tin nhạy cảm, thuộc nhóm bí mật cá nhân quan trọng mà pháp luật bảo vệ. Do đó, mặc dù việc điều tra, thống kê là để thực hiện chức năng quản lý nhà nước, vẫn cần có giới hạn cụ thể về phạm vi thông tin mà cơ quan điều tra được phép tiếp cận nhằm hạn chế xâm phạm quá sâu vào quyền bí mật của cá nhân vượt quá mức độ cần thiết và hạn chế tối đa nguy cơ lạm dụng của cơ quan điều tra.Vì vậy, VCCI đề nghị quy định rõ các loại thông tin sẽ được thu thập trong hoạt động điều tra thống kê trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Tại sao phải hạn chế sử dụng kết quả điều tra?
Khoản 2 Điều 13 Dự thảo quy định “thông tin, kết quả điều tra thống kê được sử dụng theo đúng mục đích quy định tại phương án điều tra thống kê được duyệt và theo quy định của pháp luật về thống kê”. Điều này đồng nghĩa với việc phạm vi sử dụng của kết quả điều tra thống kê bị giới hạn (chỉ theo mục đích đã được phê duyệt).
Theo quan điểm của doanh nghiệp và các hiệp hội, việc hạn chế này là không phù hợp. Thứ nhất, điều này là chưa thống nhất với Luật Thống kê, bởi theo khoản 2 Điều 56 Luật Thống kê thì “Cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin thống kê nhà nước đã được công bố để phục vụ hoạt động của mình” – tức là không hạn chế mục đích sử dụng. Thậm chí, khoản 3 Điều này còn quy định trách nhiệm của tổ chức thống kê phải “đáp ứng nhu cầu sử dụng hợp pháp thông tin thống kê nhà nước đã được công bố của cơ quan, tổ chức, cá nhân”. Nói cách khác, theo Luật Thống kê thì với các thông tin thống kê đã được công bố, không có hạn chế nào về phạm vi hay mục đích sử dụng các thông tin này.
Bên cạnh đó, việc hạn chế này là chưa hợp lý, bởi kết quả điều tra thống kê đã được công bố công khai có nghĩa nguồn thông tin này sẽ không ảnh hưởng đến các lợi ích công cộng. Vì vậy, không cần thiết phải hạn chế phạm vi sử dụng của nguồn thông tin này. Vấn đề quan tâm, cần kiểm soát đó chính là trích dẫn, ghi rõ nguồn gốc thông tin, điều này đã được quy định tại khoản 3 Điều 13 Dự thảo. Việc hạn chế về phạm vi sử dụng chỉ phù hợp đối với các thông tin được thu thập trong hoạt động điều tra, thống kê vì các thông tin này mang tính cá nhân, ảnh hưởng trực tiếp đến đối tượng điều tra. Còn khi thông tin đã thành kết quả điều tra thống kê đã được công bố, có nghĩa đã qua xử lý và thành thông tin chung, khái quát, không còn tác động trực tiếp đến các đối tượng điều tra.
Hơn nữa, Luật Thống kê và Dự thảo này không có quy định nào về việc công khai “phương án điều tra thống kê được duyệt” đối với điều tra thống kê diện này. Như vậy, ngay cả khi quy định tại khoản 2 Điều 13 là hợp pháp thì các tổ chức, cá nhân (không phải là các cơ quan quản lý biết được thông tin về phương án điều tra) cũng không thể biết được thông tin này để sử dụng đúng mục đích.