Trong tối cùng ngày 14/5, công an đã tiến hành khám xét nơi ở và nơi làm việc của ông Dũng ở đường nội khu 4, khu Mỹ Văn 2, Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP HCM. IPC là doanh nghiệp được UBND TP HCM thành lập năm 1993, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án đầu tư hạ tầng cho các khu chế xuất, khu công nghiệp, các cụm dân cư, khu đô thị mới...
Trước đó, Thanh tra thành phố chỉ ra nhiều sai phạm tại IPC. Cụ thể, IPC với tỷ lệ vốn sở hữu 44% không cần giảm thêm tỉ lệ sở hữu tại Công ty CP Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco), đặc biệt là trong bối cảnh công ty này đang có lợi nhuận rất cao. Tuy nhiên, tháng 5-6/2017, công ty đề nghị Chi cục Tài chính doanh nghiệp thành phố chấp thuận và trình UBND TP phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ và giảm tỉ lệ sở hữu của IPC tại Sadeco xuống 28,8%.
Ngày 16/6/2017, IPC báo cáo UBND TP: “Thường trực Thành ủy cũng đã chấp thuận chủ trương phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại Thông báo số 495 ngày 18/5/2017...”. Tuy nhiên, theo Thanh tra thành phố, IPC nói “Thường trực Thành ủy đã chấp thuận chủ trương...” là không chính xác. Bởi Văn bản số 495 chỉ truyền đạt ý kiến của cá nhân Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tất Thành Cang.
Nếu IPC phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu (thay vì cổ đông chiến lược) thì sẽ là phương án tối ưu. Trường hợp IPC không muốn tiếp tục đầu tư vào Sadeco thì thực hiện chuyển nhượng quyền góp vốn cho tổ chức, cá nhân khác thông qua đấu giá để không làm thiệt hại cho IPC và Nhà nước... Việc này khiến cổ đông của doanh nghiệp không được đảm bảo lợi ích, gây thiệt hại cho Nhà nước hàng trăm tỉ đồng.
Ngoài ra, trong 2 năm (2016 và 2017), Tổng Giám đốc Công ty IPC khi đó là ông Tề Trí Dũng cùng các Phó Tổng Giám đốc IPC (gồm Phạm Xuân Trung, Vũ Xuân Đức, Nguyễn Việt Dũng, Phùng Đức Trí, Trần Đăng Linh), ông Nguyễn Trường Bảo Khánh, Thành viên HĐTV IPC… có một số chuyến đi nước ngoài không đúng quy định (như thời gian đi thực tế vượt thời gian được UBND TP cử đi nước ngoài; không có trong danh sách được cử đi nước ngoài)…
Theo kết luận thanh tra, các sai phạm, thiếu sót trên trách nhiệm chính thuộc về HĐTV, Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc, các Phó Tổng Giám đốc IPC được phân công phụ trách lĩnh vực và công việc có liên quan, kiểm soát viên, kế toán trưởng, nhóm đại diện vốn nhà nước... từng thời kỳ...
Trước các sai phạm này, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong giao Giám đốc Sở Nội vụ phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, các cơ quan liên quan tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc IPC và các cá nhân có liên quan…
Bắt tạm giam Tổng Giám đốc Sadeco
Ngày 15/5, Công an TP HCM tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với bà Hồ Thị Thanh Phúc, Tổng Giám đốc Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) để điều tra về hành vi tham ô tài sản và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí. Bà Phúc bị cáo buộc là đồng phạm của nguyên Tổng Giám đốc IPC Tề Trí Dũng. Cùng ngày, cơ quan công thực hiện lệnh khám xét nhà của bà Phúc, thu giữ nhiều tài liệu liên quan.
Sadeco (trụ sở quận 1, TP HCM) được thành lập vào tháng 6/1994; hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công nghiệp, dân dụng, cơ sở hạ tầng, tư vấn lập dự án đầu tư, kinh doanh bất động sản, sàn giao dịch bất động sản, kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch...
Công ty này có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển của TP HCM vào những năm đầu thập niên 1990 - triển khai quy hoạch Khu đô thị mới Nam thành phố. Khi trở thành công ty cổ phần, năm 2015, Sadeco có vốn điều lệ khoảng 170 tỉ đồng, trong đó riêng IPC có tỉ lệ vốn góp gần 75%...