Bài viết về bà bị từ chối do thiếu thông tin tham khảo về người được giải, vốn là điều kiện cần của một bài trên Wikipedia.
Thế nhưng điều không tưởng đó lại là sự thật và đây là một ví dụ điển hình của bất bình đẳng giới trên Internet. Đang có sự mất cân đối nam nữ lớn trên Wikipedia, cũng như trong xã hội nói chung. 90% các tác giả đang viết bài, cập nhật nội dung trên Wikipedia là nam giới. Các bài viết về nam giới nhiều gấp 4 lần các bài viết về nữ giới. Trong bản tiếng Việt của Wikipedia, tỉ lệ này còn thấp hơn nữa: dưới 18% tổng số thông tin là về phụ nữ.
Đó là những thông tin được đưa ra tại lễ khởi động chiến dịch WikiGap tại Việt Nam. WikiGap là chiến dịch được Bộ Ngoại giao Thụy Điển phát động phối hợp với bách khoa toàn thư trực tuyến Wikipedia nhằm gia tăng tính đại diện của phụ nữ trên Wikipedia nói riêng và tăng cường bình đẳng giới trong môi trường mạng và trong xã hội nói chung.
“Khi phụ nữ không được ghi nhận xứng đáng, chúng ta mất đi tiềm năng của một nửa dân số. Wikipedia là một hình thức viết sử hiện đại. Nâng cao tính đại diện của phụ nữ, chúng ta sẽ tiếp cận với những thông tin để có thể học tập, tiến bộ và phát triển” - Đại sứ Thụy điển Pereric Högberg cho biết trong khuôn khổ sự kiện phát động.
Việt Nam hiện có khoảng 50 triệu người dùng Internet. Những trang web như Wikipedia có thể đóng góp vào việc xây dựng giá trị xã hội, tiêu chuẩn và tạo ra thay đổi tích cực và phá bỏ định kiến giới. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA):
“Bằng con mắt cảm quan chúng ta có thể thấy hiện tại hình ảnh người phụ nữ xuất hiện trên Internet nghiêng nhiều về giải trí, làm đẹp… trong khi đó, thực tế rất nhiều phụ nữ Việt Nam đã đạt được những thành tựu xuất sắc trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, nghiên cứu và các lĩnh vực hoạt động xã hội khác – nhưng hình ảnh của họ chưa được xuất hiện nhiều”.
Theo báo cáo mới nhất năm 2018, Việt Nam đạt chỉ số về bình đẳng giới đã ở mức 67/160 nước nhưng vẫn còn đó những khoảng cách về giới; chỉ có 15,4% phụ nữ tốt nghiệp các ngành liên quan đến toán học, khoa học công nghệ...
Vì vậy, theo bà Caitlin Wiesen, Giám đốc quốc gia của UNDP tại Việt Nam, khi nhắc đến nghèo đói, mọi người thường nghĩ tới thu nhập, tiếp cận nước sạch, giáo dục và y tế, nhưng cần chú ý trong thời kỳ chuyển đổi Cách mạng công nghiệp 4.0, để không tạo thêm những hình thức nghèo đói mới có thể khiến cho phụ nữ bị bỏ lại phía sau trong quá trình phân hóa số.
Hướng tới một tương lai bình đẳng, cần tạo điều kiện cho phụ nữ và trẻ em gái hiểu biết về công nghệ số để có thể tận dụng được công nghệ một cách đầy đủ và bình đẳng và với tư cách là lãnh đạo hoặc tác nhân thay đổi.