Công trình công cộng không dành cho người khuyết tật?
Việt Nam là một quốc gia có tỷ lệ người khuyết tật cao hơn so với các nước trong khu vực. Ngoài những rào cản mà người khuyết tật khó có thể hòa nhập xã hội như rào cản về tâm lý, rào cản về giáo dục, về việc làm, về cái nhìn của xã hội..., hầu hết những người khuyết tật cho rằng rào cản lớn nhất với họ chính là việc tiếp cận các công trình công cộng.
Đôi khi, chỉ vì những bậc tam cấp ngay cửa ra vào mà mọi cánh cửa, mọi cơ hội có thể đóng lại với người khuyết tật. Trên thực tế, việc tiếp cận các công trình xây dựng và các công trình giao thông của người khuyết tật tại Việt Nam còn rất nhiều hạn chế. Hệ thống cơ sở hạ tầng nước ta còn nhiều bất cập, nhiều công trình xây dựng, đặc biệt là những công trình cũ, chưa chú ý tới việc xây dựng các làn đường tiếp cận dành cho người khuyết tật.
Tại nhiều tòa nhà, công trình công cộng, nhà ga, bến xe, trên các tuyến đường, vỉa hè, cầu vượt dành cho người đi bộ thiếu những làn đường trượt dốc và hệ thống tay vịn dành cho họ. Trong khi đó, tại nhiều cơ quan, văn phòng, nhà chung cư không bố trí điểm đỗ xe dành riêng cho xe 3 bánh, hoặc thậm chí từ chối nhận trông loại phương tiện này.
Thực hiện quy định pháp luật, trong những năm qua các bộ, ngành, địa phương đã có cố gắng trong việc bảo đảm điều kiện tiếp cận công trình công cộng đối với người khuyết tật như: ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng công trình công cộng bảo đảm cho người khuyết tật tiếp cận, cải tạo, sửa chữa các công trình công cộng chưa bảo đảm điều kiện tiếp cận...
Theo lộ trình cải tạo các điều kiện tiếp cận cho người khuyết tật đến năm 2025 thì đến năm 2017, Việt Nam phải đảm bảo 50% các công trình có đường tiếp cận dành cho người khuyết tật và đến năm 2025, tất cả các công trình giao thông, công trình xây dựng phải đáp ứng được tiêu chí này.
Trong Luật Xây dựng, Luật Người khuyết tật cũng có những quy định, quy chuẩn rõ ràng đối với các công trình giao thông và một số công trình xây dựng bắt buộc phải thiết kế để người khuyết tật có thể tiếp cận và sử dụng như: nhà vệ sinh có tay vịn, chiều cao bồn cầu nhỏ hơn 450mm…
Có nhiều văn bản quy định để đảm bảo người khuyết tật có thể sử dụng các công trình công cộng bình đẳng như mọi người nhưng trên thực tế hiện nay, số lượng các công trình hạ tầng cơ sở bảo đảm điều kiện tiếp cận cho người khuyết tật còn rất ít.
Nguyên nhân chính là do nhận thức và quan tâm của xã hội đối với người khuyết tật còn hạn chế, do thiếu nguồn lực để đầu tư, cải tạo sửa chữa các công trình, thiếu chế tài xử phạt và sự giám sát của các cơ quan thực thi pháp luật.
Bị từ chối phục vụ tại các phương tiện giao thông
Tại nhiều nước phát triển, hệ thống giao thông công cộng luôn được xây dựng phù hợp cho người khuyết tật sử dụng, nhưng ở Việt Nam, đây là một vấn đề mới chưa được cơ quan chức năng thực sự quan tâm.
Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết, theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải, đơn vị tham gia vận tải công cộng phải có trách nhiệm bố trí thiết bị, công cụ và nhân viên để trợ giúp hành khách là người khuyết tật lên, xuống phương tiện giao thông thuận tiện. Phương án trợ giúp phải được thông báo tại các nhà ga, bến đón, trả hành khách tại những nơi dễ thấy.
Tuy nhiên, hiện nay hầu hết xe buýt, xe khách và tàu hỏa đều chưa trang bị thiết bị hỗ trợ người khuyết tật khi tham gia giao thông. Trong điều kiện Việt Nam chưa có những phương tiện công cộng dành riêng cho người khuyết tật, họ buộc phải tham gia chung cùng với cộng đồng và gặp phải không ít sự kỳ thị, thiếu sự đón nhận của một số lái, phụ xe cũng như hành khách đi xe.
Mới đây, vụ việc một hãng hàng không của Việt Nam từ chối phục vụ hành khách là người khuyết tật đã làm dấy lên sự phản ứng và bất bình trong dư luận. Không riêng lĩnh vực hàng không, các lĩnh vực vận tải khác cũng như toàn bộ hệ thống giao thông hiện tại của nước ta đều được đánh giá là chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân nói chung và người khuyết tật nói riêng.
Tại các quốc gia phát triển, đối tượng người khuyết tật luôn nhận được sự quan tâm rất lớn từ Chính phủ và xã hội. Đặc biệt, mọi người đều có ý thức tự giác nhường cho người khuyết tật mà không cần bất cứ sự nhắc nhở nào.
Người khuyết tật hoàn toàn có đủ khả năng để hòa nhập với cuộc sống bình thường, họ cũng có ước mơ, có hoài bão, có thể làm được nhiều việc như những người bình thường, thậm chí họ còn vượt trội ở nghị lực vươn lên. Tuy nhiên, những điều đó chỉ thực sự phát huy khi cộng đồng xã hội giúp họ tiếp cận những dịch vụ công cộng cơ bản nhất.