Vị vua đầu tiên của nước Việt
Với hơn 1.000 năm Bắc thuộc, Việt Nam đã bị nhiều triều đại phong kiến Trung Quốc như Tần, Hán, Đường… thay nhau đô hộ. Nhiều cuộc khởi nghĩa đã nổ ra song đều bị đàn áp khốc liệt và thất bại. Đến đầu thế kỷ thứ 10 (năm 905) với sự cai trị của Khúc Thừa Dụ thì được xem như đất nước đã bước vào thời kỳ tự chủ.
Dù vậy, do thực lực lúc bấy giờ mà ông mới chỉ tự xưng là Tiết độ sứ (danh hiệu một chức quan của nhà Đường) chứ chưa xưng vương. Sách "Việt sử thông giám cương mục" viết: "Họ Khúc là một họ lớn lâu đời ở Hồng Châu. Khúc Thừa Dụ tính khoan hòa, hay thương người, được dân chúng suy tôn. Gặp thời buổi loạn lạc, nhân danh là hào trưởng một xứ, Thừa Dụ tự xưng là Tiết độ sứ...".
Sau khi đánh tan quân Nam Hán trên sông bạch Đằng, năm 939 Ngô Quyền lên ngôi, đóng đô ở Cổ Loa. Thế và lực của người Việt lúc ấy đã khá mạnh, tuy nhiên ông cũng chỉ xưng vương. Sách "Đại Việt sử ký toàn thư" chép: "Kỷ Hợi (939)... Mùa xuân, vua mới xưng vương, lập Dương Thị làm hoàng hậu, đặt trăm quan, chế định triều nghi, phẩm phục".
Tuy nhiên, sự thể đã khác khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp tan "loạn thập nhị sứ quân" vào năm 968, ông không xưng vương mà xưng đế - Đinh Tiên Hoàng Đế, với nghĩa là vị hoàng đế đầu tiên của nước Việt (trước đó ở thế kỷ thứ 8, Mai Thúc Loan ở vùng Hoan Châu cũng đã từng xưng đế - Mai Hắc Đế, song chưa được xem là chính thống). Sách "Đại việt sử ký toàn thư" chép: "Vua họ Đinh, tên húy là Bộ Lĩnh, người động Hoa Lư, châu Đại Hoàng (nay là Gia Viễn, Ninh Bình), là con trai Đinh Công Trứ, thứ sử Hoan Châu. Dẹp yên các sứ quân, tự lập làm đế, ở ngôi 12 năm...".
Kế tục nhà Ngô, Đinh Tiên Hoàng tiếp tục xây dựng bộ máy ban đầu đã đi vào nền nếp, sử chép "Vua lên ngôi, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, dời kinh về động Hoa Lư xây dựng đô mới, đắp thành đào hào, làm cung điện, đặt triều nghi...
Vua muốn lấy uy để chế ngự thiên hạ, mới đặt vạc lớn ở sân triều, nuôi hổ dữ ở trong cũi, hạ lệnh rằng: Người nào trái phép sẽ phải chịu tội bỏ vạc nấu hay cho hổ ăn. Mọi người sợ phục không ai dám trái". Đến nay người dân quanh vùng Hoa Lư vẫn lưu truyền những câu ca ngợi công tích của vị vua mở đầu nền cai trị chính thống của một quốc gia tự chủ: "Đặt ra có ngũ có dinh/ Có quân túc vệ, có thành tứ vi/ Trên thì bảo điện uy nghi/ Bên ngoài lại sẵn đan trì, nghi môn".
Mở ra trang sử huy hoàng
Việc Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân thống nhất đất nước lên ngôi hoàng đế đã được không ít sử gia qua các triều đại xem như một trang sử huy hoàng của nước Đại Việt. Lê Văn Hưu nhận xét: "Tiên Hoàng nhờ có tài năng sáng suốt hơn người, dũng cảm mưu lược nhất đời, đương lúc nước Việt ta không có chủ, các hùng trưởng cát cứ, một phen cất quân mà 12 sứ phục hết.
Vua mở nước dựng đô, đổi xưng Hoàng Đế, đặt trăm quan, lập sáu quân, chế độ gần đầy đủ, có lẽ ý Trời vì nước Việt ta mà sinh bậc thánh triết...". Ngô Sĩ Liên bàn rằng: "Vận trời đất, bí rồi ắt thái, Bắc Nam đều cùng một lẽ ấy. Thời Ngũ đại bên Bắc triều Trung Quốc suy loạn rồi Tống Thái Tổ nổi lên. Ở Nam triều nước ta, 12 sứ quân phân chia quấy nhiễu, rồi Đinh Tiên Hoàng nổi lên. Không phải là ngẫu nhiên mà do vận trời vậy".
Phan Huy Chú viết: "Xét nước ta từ thời Hùng Vương mới bắt đầu thông hiếu với Trung Quốc nhưng danh hiệu còn nhỏ không được dự vào hàng chư hầu triều hội... đến khi Đinh Tiên Hoàng bình định các sứ quân, khôi phục mở mang bờ cõi, bấy giờ điển lễ, sách phong của Trung Quốc mới cho đứng riêng là một nước". Ngô Thì Sĩ cho rằng: "Tiên Hoàng dấy lên từ một người áo vải, một lần nổi lên dẹp được 12 sứ quân. Rồi dựng nước, dựng kinh đô, đổi niên hiệu, chính ngôi vua. Võ công vang khắp, văn hóa đều đổi mới...".
Sử sách coi Đinh Tiên Hoàng là vị hoàng đế đặt nền móng sáng lập nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam.
"Bỏ trưởng lập thứ" làm trái đạo thường
Ấy vậy mà chỉ vì một số sai lầm của vua mà cơ nghiệp nhà Đinh tiêu tan sau 11 năm với hai đời vua. Họa bắt đầu khi vua bỏ con trưởng lập con thứ, gây ra cuộc tranh chấp ngôi thứ nồi da nấu thịt, sau nữa là việc dùng người thiếu sự cẩn trọng. Cứ bằng vào sử sách, thì Đinh Tiên Hoàng lập 5 hoàng hậu và có 3 con trai là Đinh Liễn, Đinh Toàn và Đinh Hạng Lang.
Trong đó, con cả Đinh Liễn là người đã cùng vua cha đánh dẹp 12 sứ quân, lập nên nhà Đinh. Khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi thì Đinh Liễn được phong làm Nam Việt Vương. Là người từng trải, có công lao, có năng lực và cũng có cả uy tín, Đinh Liễn chắc mẩm quyền kế vị ngôi Hoàng đế sẽ thuộc về mình. Điều này, xét về đối ngoại, cũng phù hợp với mong muốn của nhà Tống bởi Đinh Liễn đã từng được cử đi sứ phương Bắc, và nhà Tống cũng đã sai sứ sang gia phong cho Đinh Liễn làm Khai phủ nghi đồng Tam ti, Kiểm hiệu Thái sư, Giao Chỉ quận vương vào năm 975.
Tượng đài Đinh Tiên Hoàng |
Tuy nhiên, đầu mùa xuân năm Mậu Dần (978), chỉ vì mang lòng yêu quý riêng, mà Đinh Tiên Hoàng bỗng dưng quyết định lập người con trai 4 tuổi là Hạng Lang làm Thái tử và Đinh Toàn 5 tuổi làm Vệ Vương. Bị vua cha tước quyền kế vị ngôi vua một cách vô lý, Đinh Liễn đã đi đến một quyết định tàn bạo: "giết em".
Sách "Đại Việt sử kí toàn thư" chép: "Mùa xuân năm Kỷ Mão (979), Nam Việt Vương Đinh Liễn giết chết Hoàng thái tử Hạng Lang. Đinh Liễn là con trưởng của Nhà vua, thuở hàn vi từng chịu đựng gian khổ, khi thiên hạ được thái bình, ý Vua cũng muốn truyền ngôi cho, bèn phong làm Nam Việt Vương. Liễn lại cũng từng chịu mệnh và nhận tước vị của nhà Tống ban cho.
Nhưng về sau, vua sinh được người con trai nhỏ là Hạng Lang, rất mực yêu quý, bèn lập Hạng Lang làm Thái tử. Đinh Liễn bất bình, liền sai người lập mưu giết đi". Trương truyền rằng, sau tội ác tày trời giết Thái tử này, tuy được vua cha khoan hồng, song vì ân hận Đinh Liễn đã dựng nhiều cột đá viết những bài tụng kinh Phật ở kinh đô Hoa Lư để tỏ ý sám hối.
Tuy nhiên, vận nhà Đinh đã hết! Đinh Liễn giết em vào mùa xuân thì đến mùa đông năm ấy Đinh Bộ Lĩnh và Đinh Liễn cùng bị Đỗ Thích, một viên quan vốn là cận vệ của nhà vua, giết. Đinh Toàn lên ngôi lúc 6 tuổi, mẹ là Dương thị (có người gọi là Dương Vân Nga) buông rèm nhiếp chính với sự trợ thủ đắc lực của Thập đạo tướng quân Lê Hoàn ngày đêm ra vào cung cấm. Từ đây coi như kết thúc triều Đinh, mở ra triều Tiền Lê, đồng thời cũng hé mở một "nghi án" về cái chết của cha con vua Đinh mà cho đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ.
Các nhà chép sử "phê" gì?
Sử thần Ngô Sĩ Liên đã viết "Vua tài năng thông minh hơn người, dũng lược nhất đời, quét sạch các hùng trưởng, nối lại đại thống của Triệu Vũ Đế. Song không biết được dự phòng, không giữ được trọn đời. Đáng tiếc thay!". Theo ông, cái họa diệt vong của nhà Đinh là ở chỗ: "Nối nghiệp dùng con đích là đạo thường muôn đời; làm trái đạo thường ấy, chưa bao giờ là không gây loạn. Cũng có khi nhân đời loạn, lập thái tử trước hết lấy người có công, hoặc con đích trước quá ác thì bỏ mà lập con thứ, đó là lúc biến mà làm cho đúng, người đời xưa vẫn làm thế. Nam Việt Vương là con trưởng lại có công, chưa thấy có lỗi gì. Tiên Hoàng lại yêu con nhỏ mà quên con đích, chỉ biết tỏ tình yêu quý, mà không biết làm như thế là thành hại cho con. Liễn lại nhẫn tâm giết cả em, thì mất hết luân thường, tai họa đến thân mình chết, lây đến cả cha, há chẳng dữ dội lăm sao? Không thế thì việc đại ác của Đỗ Thích bởi đâu nảy ra mà hợp với lời sấm ngữ được".