Vì sao mẹ thiên nhiên “nổi giận”?

Cơn bão số 3 là “tiếng chuông cảnh tỉnh” cho ứng xử của con người với thiên nhiên. (Ảnh: PV)
Cơn bão số 3 là “tiếng chuông cảnh tỉnh” cho ứng xử của con người với thiên nhiên. (Ảnh: PV)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cơn bão Yagi vừa qua đã minh chứng cho một sự thật rằng, nếu con người quay lưng, đối xử tàn tệ với thiên nhiên, thì sẽ phải gánh chịu những hậu quả khôn lường.

Con người có phải là “thủ phạm”?

Cơn bão số 3 (Yagi) đi vào đất liền trưa ngày 7/9/2024 với thời gian lưu bão kéo dài trên 12 giờ, kèm theo mưa lớn kéo dài, sạt lở, lũ lụt nghiêm trọng. Đặc biệt, hoàn lưu mưa sau bão đã gây ra nhiều vụ lũ quét và sạt lở đất kinh hoàng tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Đáng nói, những năm gần đây, các hiện tượng thời tiết, thiên tai bất thường, cực đoan ngày càng nhiều hơn, diễn biến phức tạp, khó lường trên phạm vi toàn quốc, để lại hậu quả, thiệt hại nặng nề về con người và tài sản. Vậy đâu là nguyên nhân chính khiến “mẹ thiên nhiên” đang “nổi giận”?

Chia sẻ với Báo Pháp luật Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD) nhận định rằng: Thiên tai như áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lớn, mưa đá, sét, gió lốc, ngập lụt, lũ, sạt lở đất, hạn hán, sương muối, xâm nhập mặn, động đất, v.v là những hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản và môi trường. Con người không tạo ra thiên tai nhưng nhiều hoạt động của con người có thể làm cho tác động của thiên tai trở nên trầm trọng hơn.

Ví dụ, việc mất rừng tự nhiên ở những khu vực đất dốc làm cho đất đá khu vực đó có thể bị mưa, nước xối trực tiếp làm giảm mối liên kết dẫn đến nhiều nguy cơ sạt, lở. Tương tự, mất rừng làm tăng lượng nước chảy trên bề mặt đất, khi mưa lớn xảy ra, nước chảy dồn dập xuống suối, sông làm cho nước sông, suối dâng cao và chảy nhanh tạo thành lũ. Mất rừng tự nhiên sẽ làm cho vùng đất ở đó bị khô cằn do mất khả năng lưu, giữ nước làm tăng nguy cơ hạn hán.

Bên cạnh đó, các hoạt động không bền vững của con người trong phát triển cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, khai thác rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đã và đang làm gia tăng lượng khí nhà kính làm cho khí quyển nóng lên. Một trong những tác hại của việc Trái đất nóng lên là tần suất các cơn bão nhiệt đới, áp thấp nhiệt đới xuất hiện nhiều hơn và cường độ mạnh hơn. Thiên tai xảy ra trên toàn quốc trong suốt hai thập kỷ qua với tần suất thường xuyên hơn, cường độ mạnh hơn và quy mô lớn hơn là minh chứng rõ nét về hậu quả của biến đổi khí hậu (BĐKH) và thời tiết cực đoan mà con người đã và đang góp phần làm cho chúng nguy hiểm hơn.

Đồng tình, Thạc sĩ Nguyễn Đức Tố Lưu, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (Pan Nature) cho rằng trận bão lụt vừa qua đã cho thấy “nắng mưa không còn là chuyện của trời” nữa, mà đó chính là chuyện của con người chúng ta. Dù thiên tai như bão, lũ là hiện tượng tự nhiên, nhưng hoạt động của con người đã và đang làm gia tăng sự bất thường và mức độ nghiêm trọng của các hiện tượng này, dẫn đến những hậu quả nặng nề hơn.

Nói cách khác, BĐKH là “sự trừng phạt” đối với những hành động mà con người đã dồn ép lên thiên nhiên. Điển hình như nạn phá rừng đầu nguồn làm giảm khả năng giữ nước của đất, dẫn đến sạt lở, xói mòn, lũ ống lũ quét và ngập lụt ở vùng hạ lưu. Phá rừng cũng dẫn đến phát thải khí nhà kính, góp phần đáng kể gây ra BĐKH toàn cầu. Ngoài ra, ông Lưu cũng nhấn mạnh, tại các khu đô thị mở rộng, việc san lấp đất, xây dựng không theo quy hoạch làm cản trở hệ thống thoát nước tự nhiên, khiến nước không thể thấm vào đất, tăng nguy cơ ngập úng khi có mưa lớn. Hoạt động canh tác nông nghiệp không bền vững, khai thác khoáng sản và xây dựng các công trình thủy điện không được kiểm soát cũng làm thay đổi dòng chảy của các con sông, khiến khả năng thoát nước và phòng chống lũ của các khu vực bị suy giảm.

Nhiều nhiệm vụ, giải pháp cấp bách

TS. Nguyễn Mạnh Hà – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển. (Ảnh: NVCC)

TS. Nguyễn Mạnh Hà – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển. (Ảnh: NVCC)

Để giảm thiểu các tác động tiêu cực, giúp quốc gia chống chịu tốt hơn với các thảm hoạ thiên nhiên, ứng phó với BĐKH, việc cần làm hiện rất nhiều. Theo TS. Nguyễn Mạnh Hà, về khắc phục hậu quả của thiên tai, biện pháp cấp bách vẫn là sử dụng phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ) để khắc phục và tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trong và sau thiên tai. Cùng với đó là thực hiện cứu trợ khẩn cấp về chỗ trú ngụ, nhu yếu phẩm; đánh giá thiệt hại; đồng thời huy động sự tham gia của cộng đồng, của các cấp chính quyền, các tổ chức quốc tế,… trong việc hỗ trợ khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh, giáo dục, y tế, vệ sinh và môi trường.

Về chiến lược đường dài ứng phó với BĐKH, ông Hà cho rằng, cần nhanh chóng thực hiện các biện pháp toàn diện gồm đánh giá rủi ro, xây dựng các kịch bản thích ứng và tiến tới giảm lượng phát thải khí nhà kính và phục hồi rừng ở các vùng xung yếu, vùng có nguy cơ. Các nỗ lực ưu tiên cần kể đến: đánh giá tác động của BĐKH đối với từng lĩnh vực, địa phương và cộng đồng; nâng cao nhận thức cho cộng đồng; xây dựng và triển khai hệ thống cảnh báo thiên tai sớm; thực hiện các hoạt động quản lý rủi ro thiên tai. Đồng thời, cần đẩy mạnh các biện pháp phi công trình như trồng và phục hồi rừng ngập mặn ven biển, bảo vệ và khôi phục các hệ sinh thái tự nhiên trên cạn; nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ, sáng kiến mới để ứng phó với ngập lụt đô thị và nước biển dâng…

Thạc sĩ Nguyễn Đức Tố Lưu cho rằng, cần ưu tiên các lĩnh vực nông lâm nghiệp thông minh, năng lượng tái tạo, quản lý môi trường đô thị. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn chặn nạn chặt phá rừng ở những khu vực rừng đầu nguồn, nơi có ý nghĩa phòng hộ quan trọng.

Cùng với những “quốc sách” như phát triển năng lượng tái tạo, giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch, tiết kiệm năng lượng, ông Lưu đề xuất thêm, các công trình xây dựng đô thị và cho quy hoạch phát triển các đô thị nên bổ sung phương châm “sống chung với lũ”, tức là luôn tính đến, luôn tuân thủ các tiêu chuẩn cho phòng chống thiên tai. Phát triển nông nghiệp thông minh cần sự “thông thái, sáng suốt” để toàn bộ quá trình sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường, ứng phó với BĐKH, từ việc sử dụng đất hợp lý, sử dụng nước hiệu quả, canh tác bền vững, đến ứng dụng giống có sức chống chịu, hạn chế tối đa phát thải khí nhà kính từ nông nghiệp...

Phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên, dừng “hủy hoại” thiên nhiên

Thạc sĩ Nguyễn Đức Tố Lưu, Trung tâm Con người và Thiên nhiên. (Ảnh: NVCC)

Thạc sĩ Nguyễn Đức Tố Lưu, Trung tâm Con người và Thiên nhiên. (Ảnh: NVCC)

Trận bão lụt vừa qua và nhiều cơn bão lớn trước đây cho thấy con người rất nhỏ bé trước thiên nhiên. Trong bối cảnh đó, công tác bảo vệ, phục hồi, nâng cao ý thức và hành động của con người đối với thiên nhiên trở nên vô cùng ý nghĩa và cấp thiết.

TS. Nguyễn Mạnh Hà nhấn mạnh, trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường nói chung, công tác truyền thông rất quan trọng. Theo ông, cần phải tăng cường phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức để người dân hiểu được giá trị của cây xanh, giá trị của các hệ sinh thái tự nhiên, sự cân bằng tự nhiên. Khi sự cân bằng sinh thái bị phá vỡ, thiên tai có nguy cơ xảy ra thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn. “Ngay cả việc trồng cây thế nào cho đúng (đúng loài cây đô thị, đúng cách trồng, đúng chỗ) cũng rất quan trọng, nếu không sẽ không giúp ích mà còn gây ra các tác hại cộng hưởng với thiên tai”, ông Hà cho biết.

“Thiên tai “không có mắt”, không trừ một ai, nên mọi người, không phân biệt nông thôn hay thành thị, già hay trẻ, quốc gia phát triển hay lạc hậu đều cần cùng nhau nỗ lực bằng mọi cách giảm thiểu các nguyên nhân và tác động của BĐKH. Ý thức và hành động bảo vệ thiên nhiên có ý nghĩa sâu sắc trong việc bảo vệ môi trường và cuộc sống, tương lai và sự thịnh vượng của xã hội.

Khi ta tôn trọng thiên nhiên, ta không chỉ cứu cây cối, các loài động vật hoang dã mà còn cứu chính mình khỏi những tác động tiêu cực của BĐKH và thiên tai cực đoan. Vì vậy, chúng ta cần từ bỏ lối sống không bền vững, phá hủy thiên nhiên, mà chuyển sang sống hòa hợp, giữ gìn thiên nhiên. Mỗi hành động nhỏ hôm nay sẽ góp phần tạo nên một thế giới bền vững và an toàn hơn cho tương lai”, ông Lưu chỉ ra.

Đọc thêm

Tìm kiếm 2 nạn nhân rơi theo xe rác xuống sông

Lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế đang nỗ lực tìm kiếm 2 người trên xe chở rác mất tích khi rơi xuống sông.
(PLVN) - Chiều 21/11, lực lượng chức năng huy động tối đa lực lượng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn vụ ô tô chở rác đâm lan can cầu treo Bình Thành (Thừa Thiên Huế) rồi lao xuống sông khiến hai người mất tích.

Dựng barie chắn ngõ nhỏ tại Hà Nội: Cần xử lý hợp tình, hợp lý

Barie chắn đầu ngõ 126 Thượng Đình giờ cao điểm. (Nguồn: MXH)

(PLVN) - Trong giờ cao điểm, nhiều người tận dụng những ngõ nhỏ giao cắt làm đường tắt để rút ngắn thời gian di chuyển nhưng chính hành động này không chỉ gây phiền toái cho người dân sống trong các ngõ nhỏ mà còn trực tiếp gây ùn tắc giao thông, gia tăng khó khăn cho lực lượng Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ phân luồng, điều tiết.

Đề xuất nhân văn của TP Hồ Chí Minh

Ảnh minh hoạ.
(PLVN) - Trong một báo cáo mới đây gửi Thủ tướng Chính phủ, TP HCM đề xuất muốn dùng ngân sách để xử lý một số khoản vay với người nghèo, là khoản vay tín dụng ưu đãi thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; nhưng quá hạn, khó thu hồi. Trong bối cảnh cả nước đang thực hiện các phong trào hỗ trợ người nghèo như xóa nhà tạm, nhà dột nát (dự kiến hoàn thành trong năm 2025); “Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”… thì đây là một động thái được dư luận rất quan tâm.

Kêu gọi hành động vì một hành tinh đáng sống cho trẻ em

Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam Silvia Danailov. (Ảnh: Thanh Hương)
(PLVN) - Ngày 20/11, Lễ kỷ niệm Ngày Trẻ em Thế giới tại Việt Nam năm nay do UNICEF và các đối tác thực hiện đã đưa ra lời kêu gọi hành động vì khí hậu - để mọi trẻ em có thể được lớn lên khỏe mạnh và an toàn trước các mối đe dọa về khí hậu và môi trường.

Phụ nữ bị bạo lực rất cần nơi tạm lánh trong trường hợp khẩn cấp

Bà Ngô Thị Tuyết Em, Giám đốc Trung tâm Vì sự phát triển phụ nữ Đồng Bằng Sông Cửu Long
(PLVN) - Hành trình 30 năm tham gia Cương lĩnh và hành động Bắc Kinh,  Việt Nam đã có nhiều sự tiến triển vượt bậc. Góp phần không nhỏ vào những thành quả này là những mô hình như Ngôi Nhà Bình Yên. Tuy nhiên vẫn cần sự nỗ lực, chung sức để những người phụ nữ nạn nhân của bạo lực, buôn bán được hỗ trợ nhiều hơn nữa.  Bà Ngô Thị Tuyết Em - Giám đốc Trung tâm Vì sự phát triển phụ nữ Đồng Bằng Sông Cửu Long đã có cuộc trò chuyện với Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam về vấn đề này:

Xúc động với món quà đặc biệt “bông hoa gà” tặng thầy dịp 20/11

Xúc động với món quà đặc biệt “bông hoa gà” tặng thầy dịp 20/11
(PLVN) - Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, một học sinh trường tiểu học Kim Đồng (thôn 1, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) đã chuẩn bị một bông hoa bằng... con gà để tặng thầy chủ nhiệm của mình. Món quà đặc biệt kèm lời chúc dễ thương khiến người thầy rất hạnh phúc.

Thầy giáo 'quân hàm xanh' trên đảo Hòn Chuối Cà Mau

Thầy giáo 'quân hàm xanh' trên đảo Hòn Chuối Cà Mau
(PLVN) - Lớp học tình thương trên Đảo Hòn Chuối nằm cách thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) khoảng 20 hải lý, do Thiếu tá Trần Bình Phục (Đồn Biên phòng Hòn Chuối, BĐBP Cà Mau) trực tiếp giảng dạy. Hình ảnh thầy giáo quân hàm xanh đã trở nên quen thuộc, gần gũi và thân thương đối với học sinh và cư dân nơi đây.