Lập luận Bộ KH&ĐT đưa ra rất thuyết phục, khi hiện cả nước chỉ có 217 doanh nghiệp kinh doanh loại hình này, đa số ở Hà Nội và TP HCM; nhưng “chủ yếu là “xã hội đen”, cho vay nặng lãi, ép người vay lãi suất cao dẫn đến tình hình an ninh trật tự phức tạp”. Đóng góp của lĩnh vực này với nền kinh tế là không đáng bao nhiêu, lại càng nhỏ nhoi so với những gì xã hội và cơ quan chức năng phải bỏ ra khắc phục hậu quả nó mang lại.
Lập luận Bộ KH&ĐT đưa ra đã trúng thực tế, được dư luận và nhiều người ủng hộ. Những vụ nhóm người bị đánh “bò lê bò càng” khi đi đòi nợ thuê; tiệm phở nổi tiếng bị tạt chất bẩn vì nợ nần; chủ nhà vướng lao lý vì ẩu đả với nhóm đòi nợ thuê… liên tiếp xảy ra đã chứng minh rõ hệ lụy dịch vụ “đòi nợ thuê” mang lại, gây bức xúc dư luận xã hội, thậm chí có sự việc nghiêm trọng đến mức Thủ tướng phải lên tiếng chỉ đạo.
Luồng ý kiến đồng ý quan điểm cấm đòi nợ thuê cũng cho rằng trước đây vì kỳ vọng việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống, đáp ứng nhu cầu xã hội; nên Luật Đầu tư mới cho phép; song thực tế quá trình triển khai cho thấy đòi nợ thuê không mang lại những hiệu quả tốt. Giờ dịch vụ đòi nợ đã biến tướng, bị lợi dụng, lạm dụng gây ra biết bao nhiêu chuyện phức tạp, nên phải “trảm” là đúng.
Trước những quan điểm tưởng như rất thuyết phục là thế, vì sao Quốc hội vẫn “rắn như đá”, chưa đồng ý với đề xuất của cơ quan soạn thảo, dù hệ lụy của dịch vụ đòi nợ thuê, có lẽ ai cũng rõ?
Phản biện quan điểm của Bộ KH&ĐT, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá “thực tế không ít trường hợp lợi dụng, biến tướng quy định đòi nợ thuê; nhưng nguyên nhân của việc này là chưa thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước với loại hình này, chưa quy định chặt chẽ điều kiện kinh doanh”.
Tới lúc này, Bộ KH&ĐT mới thừa nhận: “Chúng tôi cũng đã suy nghĩ rất nhiều về vấn đề này, nhưng bây giờ thiết kế thế nào để quản lý chặt chẽ là một vấn đề thách thức rất lớn đối với cơ quan soạn thảo”. Tới đây, nguyên nhân của vấn đề mà Quốc hội đưa ra đã thuyết phục được dư luận. Ở góc nhìn của những nhà làm luật, làm chính sách, nguyên tắc tối kỵ là không phải “cứ cái gì khó quản thì cấm”.