Do có hoạt động sản xuất đặc thù nên tại làng nghề, nhu cầu vận chuyển hàng hóa của người dân rất lớn. Chính vì vậy, xe công nông được các hộ làm nghề tận dụng triệt để. Sự tiện – lợi – rẻ của phương tiện này là điều không phải bàn cãi.
Tuy nhiên, yếu tố an toàn lại là điều xe công nông, xe tự chế không đảm bảo được, đã có nhiều vụ tai nan giao thông xảy ra có nguyên nhân từ những chiếc xe này. Phản hồi sau bài báo, nhiều ý kiến độc giả đặt câu hỏi tại sao cơ quan chức năng không có động thái gì với thực trạng này?
Ông Nguyễn Bá Hưng – Phó Chủ tịch UBND xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức cho biết: “Hiện nay, tại xã Dương Liễu vẫn còn xe công nông, xe ba bánh hoạt động, đặc biệt vào thời điểm niên vụ sản xuất của làng nghề (từ tháng 9 đến tháng Giêng âm lịch). Từ nhiều năm trước đã có chủ trương hỗ trợ chuyển đổi từ xe công nông sang xe ô tô cỡ nhỏ, tuy nhiên rất ít hộ thực hiện việc thay thế phương tiện này”.
Còn theo thông tin từ Đội CSGT, Công an huyện Hoài Đức, Đội đã nhiều lần ra quân xử lý xe công nông, xe ba bánh tự chế trên địa bàn. Năm 2018, Đội đã xử lý và thu giữ hơn 40 xe công nông, xe tự chế các loại.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trọng Quang - Phó Đội trưởng Đội CSGT huyện Hoài Đức cho biết, hiện nay việc quản lý cũng như xử lý xe công nông, xe tự chế trên địa bàn vẫn gặp khó do các phương tiện này không đăng kí nên không kiểm soát được số lượng xe hoạt động.
Thêm vào đó, công tác tuần tra, xử lý cũng gặp nhiều khó khăn do lực lượng CSGT tại địa bàn còn mỏng, các phương tiện để xử lý vi phạm (xe cẩu, xe vận chuyển…) vẫn thiếu.
Đề cập đến các biện pháp hạn chế xe công nông, xe tự chế… trong thời gian tới, đại diện Đội CSGT cho biết sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động việc ngừng lưu thông xe công nông trên địa bàn, đồng thời giao cho Công an xã kêu gọi các chủ xe ra kí cam kết không vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Đồng thời cho rằng nên có đơn vị sản xuất các phương tiện tương tự xe công nông nhưng đảm bảo các chỉ số an toàn để có thể thay thế các phương tiện vận chuyển không đảm bảo an toàn.