Hướng dẫn viên kiểu “sitting guide”
Ông Võ Duy Vỹ, đại diện cộng đồng hướng dẫn viên (HDV) Hoa ngữ tại Đà Nẵng từng nhiều lần bày tỏ thực trạng, khách Trung Quốc đến tham quan, du lịch tại Đà Nẵng tăng rất cao, nhưng nhiều HDV Hoa ngữ phải chịu cảnh thất nghiệp, nằm nhà vì không có việc làm.
Điều vô lý này được ông Vỹ lý giải, do người Trung Quốc ngang nhiên hoạt động HDV ngay trên lãnh thổ Việt Nam, khiến lao động trong nước mất việc làm. Nhiều HDV “núp bóng” trong những Công ty du lịch hoạt động “chui” tại Việt Nam.
Theo ông Vỹ, nhiều người Trung Quốc lấy danh nghĩa sang Việt Nam du lịch nhưng kỳ thực ở lại lao động phi pháp. Số lượng ước tính rất lớn. Để hợp thức hóa trong việc đón, đưa đoàn, đối phó với pháp luật Việt Nam, những công ty du lịch nhờ những HDV chỉ ngồi không làm “bình phong” cho HDV ngoại, thường được gọi “sitting guide”.
Bà Lê Thanh Đức, một HDV tiếng Trung, thông tin, trong 5 năm hành nghề của mình, bà không ít lần bức xúc với thực trạng “sitting guide” hay “sleeping guide” (lên xe chỉ ngồi không và ngủ), tên hoa mỹ gọi “Trợ lý HDV”; ngôn ngữ chợ búa gọi “tay sai” cho những đối tượng hoạt động HDV “chui”. “Chức danh” này thường rơi vào những HDV trẻ mới ra trường chưa có nhiều kinh nghiệm, khó nhận được đoàn khách.
“Các em chỉ đơn giản đeo cái thẻ HDV, tới điểm tham quan rồi xuất thẻ mua vé, liên lạc với nhà hàng, khách sạn trước khi khách đến. Thỉnh thoảng có thanh tra, kiểm tra, các em lại đưa thẻ ra để che mắt, để hợp thức hoá hành vi vi phạm của các HDV “chui” người ngoại quốc. Mỗi ngày đi tour như vậy các em được trả 1 triệu đồng (có thể hơn), mỗi tháng thu nhập 20- 30 triệu đồng và các em nghĩ rất cao nên an phận chấp nhận”, bà Đức nói.
“Chúng tôi nhiều lần phản ánh với Sở ngành liên quan và có các cuộc họp với CLB HDV du lịch để bàn biện pháp giải quyết. Thế nhưng đâu lại vào đấy”, bà Đức bức xúc.
Sở Du lịch Đà Nẵng xác nhận, tình trạng nêu trên chính là một dạng biến tướng đối phó với sự kiểm soát của cơ quan nhà nước với các tour giá rẻ, tour 0 đồng. Trong các tour này, khách có thể mua tour với giá 0 đồng hoặc giá tour chỉ có giá vé máy bay khứ hồi.
Trong guồng quay cạnh tranh, các đơn vị lữ hành bán tour giá rẻ, tour 0 đồng và đẩy cái áp lực lên HDV. Với công tác phí chỉ 0 đồng, các HDV phải làm cật lực bằng nhiều cách như bán “tour option”, thúc đẩy khách mua thật nhiều hàng để mang về lợi nhuận. Thế nhưng, HDV Hoa ngữ của Việt Nam cũng không thể bằng người nước ngoài qua đây làm HDV “chui” cho khách vì lợi thế ngôn ngữ, tâm lý.
Theo báo cáo của Sở Du lịch, năm 2019, tổng lượt khách quốc tế lưu trú tại Đà Nẵng ước đạt 3,5 triệu lượt (tăng 30%), trong đó khách Hàn Quốc ước đạt 1,7 triệu lượt (tăng 15%, chiếm tỉ lệ gần 50%), khách Trung Quốc ước đạt 700.000 lượt (tăng 26%, chiếm tỉ lệ 20%).
Như vậy hai thị trường khách này chiếm 70% tổng lượng khách quốc tế lưu trú tại Đà Nẵng năm 2019, với gần 2,5 triệu lượt. Trong đó, Sở Du lịch xác định khách Trung Quốc đi tour giá rẻ 616.000 lượt, chiếm 88% lượng khách Trung Quốc lưu trú tại Đà Nẵng. Đặc thù của thị trường này khách phải được cấp thị thực vào Việt Nam và được một công ty lữ hành Việt Nam bảo lãnh. Khách Trung Quốc đi tour truyền thống (no-shopping) chỉ chiếm 12%, tương đương 84.000 lượt.
Những hệ lụy nhức nhối
Nhiều HDV cho biết, việc thuyết minh của các HDV Trung Quốc thường khó kiểm soát, thông tin không đúng sự thật, tuyên truyền sai lệch về văn hóa lịch sử Việt Nam. Ngoài ra, các đối tượng này còn có thể lợi dụng danh nghĩa làm HDV du lịch để có các hoạt động khác ảnh hưởng tới vấn đề an ninh quốc phòng.
Gần đây, các cơ quan chức năng đã cảnh báo, hiện có tình trạng một số công ty lữ hành Việt Nam cho người Trung Quốc, Hàn Quốc thuê tư cách pháp nhân để kinh doanh trái phép; người nước ngoài thuê người Việt đứng tên thành lập công ty lữ hành, mua khách sạn; thuê người Việt đứng tên, đặt văn phòng trong căn hộ chung cư hoặc ngoài địa bàn Đà Nẵng nên rất khó kiểm tra, quản lý.
Đồng thời qua kiểm tra, Sở Du lịch phát hiện có tình trạng người nước ngoài hoạt động kinh doanh du lịch trái phép trên địa bàn trực tiếp đàm phán giá với các khách sạn, nhà hàng… để ép giá; thanh toán dịch vụ bằng tiền mặt. Khách du lịch đi theo tour giá rẻ, đặc biệt khách Trung Quốc, chỉ sử dụng ví điện tử trên ứng dụng thanh toán điện tử máy POS chưa được cấp phép tại Việt Nam. Việc thanh toán giao dịch điện tử xuyên biên giới chúng ta chưa có biện pháp kỹ thuật để phát hiện và chưa có chế tài xử lý.
Tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng mới đây, bà Nguyễn Thúy Mai, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng đã nhận định, vấn đề này, một mặt ảnh hưởng đến an ninh quốc gia (trong việc tuyên truyền, thuyết minh các điểm đến); một mặt có thể tạo ra các tour khép kín từ lữ hành đến khách sạn, ăn uống, mua sắm ở các cơ sở kinh doanh của người nước ngoài mà nếu không quản lý tốt dễ dẫn đến thất thu.
Ngoài ra cũng xuất hiện tình trạng người nước ngoài sử dụng thị thực du lịch (cấp cho khách du lịch trong 3 tháng) để vào Việt Nam tham gia hoạt động hướng dẫn, điều hành. Trong khi theo quy định, người nước ngoài muốn vào Việt Nam làm việc, phải được cấp thị thực lao động (2 năm) với yêu cầu phải là chuyên gia, chuyên viên, kỹ thuật viên có chứng chỉ hành nghề.
Cùng quan điểm, Thượng tá Huỳnh Đức Ngô, Phó trưởng phòng Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an TP Đà Nẵng) cho rằng, chính loại hình tour giá rẻ đưa đến những hệ lụy nan giải mà Đà Nẵng phải đối mặt.
“Những mối quan hệ, xung đột giữa người nước ngoài với người nước ngoài, rồi xung đột giữa người nước ngoài với người trong nước,… diễn biến khá phức tạp. Đặc biệt, tình trạng người Trung Quốc nhập cảnh vào nước ta để trốn lệnh truy nã; thông qua hình thức du lịch để tổ chức hoạt động lữ hành trái phép, cho vay nặng lãi, khám, chữa bệnh trái phép, cướp giật, lừa đảo… Đáng lưu ý, có tình trạng người nước ngoài núp bóng dưới hình thức kinh doanh bất động sản là thực tế đang tồn tại”, Thượng tá Ngô nói.
Đơn kiến nghị của một số hướng dẫn viên về tình trạng “loạn” trong kinh doanh lữ hành. |
Thời gian qua, lực lượng công an Đà Nẵng đã xử phạt 556 người nước ngoài (tăng 279 trường hợp, bắt giữ 9 đối tượng truy nã quốc tế so với cùng kỳ năm ngoái) vi phạm về các hành vi: Tổ chức đánh bạc, nhập cảnh hoạt động sai mục đích, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy, gây rối an ninh trật tự, cướp tài sản, sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, thao túng chứng khoán, sản xuất phim ảnh đồi trụy, chủ yếu người Trung Quốc nhập cảnh theo đường du lịch sang Việt Nam.
“Riêng tình trạng người Trung Quốc qua Việt Nam bằng đường du lịch để tổ chức đánh bạc qua mạng internet đang khá nhức nhối ở Đà Nẵng…”, Thượng tá Ngô nói.
Bất cập từ quy định pháp luật
Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, Thượng tá Huỳnh Đức Ngô cho biết, mặc dù người nước ngoài đến Việt Nam đều do các cá nhân, tổ chức lữ hành Việt Nam bảo lãnh, nhưng một số doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn bảo lãnh thu tiền, bao che cho người nước ngoài thay vì quản lý, dẫn đến họ hoạt động trái phép.
Trong khi đó, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch thừa nhận với báo chí, việc quản lý hoạt động của các tour giá rẻ hiện gặp nhiều vướng mắc, khó khăn do Luật Du lịch quy định rất thông thoáng về điều kiện kinh doanh lữ hành (không cần có 3 HDV cơ hữu như trước đây, không cần phương án kinh doanh lữ hành, không qua cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở địa phương thẩm định hồ sơ, thị trường, địa điểm kinh doanh, đại diện pháp luật).
Vì vậy, thực tế hiện nay số lượng doanh nghiệp lữ hành quốc tế được thành lập mới rất nhiều. Đà Nẵng hiện có 253 DN lữ hành quốc tế, tăng 33 DN so với năm 2018. Đã xuất hiện nhiều trường hợp đối phó bằng cách thành lập doanh nghiệp và hoạt động ngắn hạn dưới một năm, sau đó giải thể và thành lập công ty mới, bỏ ngoài sổ sách kế toán các hoạt động kinh doanh.
Ngoài ra, qua kiểm tra, Sở Du lịch còn phát hiện nhiều vấn đề phát sinh khác như: Khi một Công ty có giấy phép kinh doanh lữ hành, Luật Doanh nghiệp cho phép công ty đó được thành lập 1 hoặc nhiều chi nhánh, địa điểm kinh doanh đặt tại địa bàn đăng ký công ty và tại các địa phương khác. Không ít tổ chức, cá nhân đã vận dụng điểm này để “núp bóng” vào các chi nhánh, địa điểm kinh doanh để hoạt động kinh doanh lữ hành.
Vấn đề phát sinh tiếp theo, việc đặt phòng khách sạn hiện rất dễ dàng, các đơn vị lữ hành nước ngoài hoặc cá nhân người Việt Nam có thể đặt phòng trực tiếp với khách sạn mà không cần thông qua DN lữ hành quốc tế tại Việt Nam. Trong khi đó, chính sách giá của các cơ sở lưu trú là khách đặt phòng số lượng càng nhiều, càng nhận được giá ưu đãi mà không phân biệt cá nhân đặt phòng hay doanh nghiệp lữ hành đặt phòng.
Cùng với đó, theo bà Hạnh, quy định của Luật Xuất nhập cảnh về sử dụng lao động người nước ngoài cũng bộc lộ bất cập khi cho phép doanh nghiệp Việt Nam bảo lãnh người nước ngoài của công ty đối tác vào làm việc với doanh nghiệp và sử dụng thị thực doanh nghiệp (không quá 12 tháng). Vì vậy người nước ngoài dễ dàng nhập cảnh dưới hình thức “chuyên gia, hỗ trợ tư vấn” để hoạt động kinh doanh lữ hành, hướng dẫn trái phép.
Hiện Đà Nẵng có khá nhiều công ty lữ hành quốc tế do người nước ngoài làm người đại diện theo pháp luật, như Công ty TNHH MTV DL Ha Ha, Công ty TNHH Totobooking, Công ty TNHH Dooriga Marketing, Công ty CP Sun Danang International, Công ty TNHH Quốc tế Tour Vietnam, Công ty TNHH TM&DV One tour Việt Hàn, Công ty TNHH Bảo Sen Vỹ...