Mong ước của cả miền Tây!
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được biết đến là vùng sông nước của Việt Nam, với 9 cửa sông đổ ra biển. Tiềm năng phát triển kinh tế đường sông, đường biển của vùng này rất lớn nhưng lại chưa có cảng nước sâu nào. Bộ GTVT đang nỗ lực xây dựng một cảng biển lớn ở Trần Đề (Sóc Trăng), nhằm tạo động lực phát triển kinh tế của cả vùng.
Trao đổi với PLVN, ông Trần Quốc Thống - Giám đốc Sở GTVT Sóc Trăng cho biết, việc xây dựng cảng biển Trần Đề là mong mỏi bấy lâu nay của địa phương. Theo ông Thống, cửa sông Trần Đề nằm trên sông Hậu, có độ sâu lớn, diện tích mặt nước rộng, cách biển khoảng 10km, rất thuận lợi để phát triển thành trung tâm chung chuyển hàng hóa của vùng và của khu vực.
“Nếu cảng được xây dựng, chắc chắn sẽ rất tấp nập tàu thuyền, tạo động lực kéo kinh tế ĐBSCL phát triển”, ông Thống khẳng định và cho biết, do địa thế rất thuận lợi cho xây dựng cảng nước sâu nên nhiều doanh nghiệp trên thế giới đã độc lập đến đây nghiên cứu và sẵn sàng đầu tư. “Nhiều nhà đầu tư đã ngỏ ý sẵn sàng đầu tư nếu Chính phủ có chủ trương xây dựng”, ông Thống nói.
Theo Bộ GTVT, đơn vị này vừa có văn bản thống nhất với đề xuất của UBND tỉnh Sóc Trăng, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh quy hoạch cảng biển Sóc Trăng trong hệ thống cảng biển quốc gia là cảng biển đặc biệt (loại IA). Nếu được chấp thuận, Cảng Sóc Trăng sẽ có vai trò là cảng biển cửa ngõ quốc tế với bến cảng chính là bến ngoài khơi cửa Trần Đề, đáp ứng cho tàu trọng tải 50.000 - 100.000 DWT và trên 100.000 DWT, phục vụ làm hàng xuất nhập khẩu trực tiếp cho vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tỏ ra rất quan tâm đến Dự án Cảng Trần Đề. Mới đây, ông Thể đã tổ chức một cuộc họp giữa Bộ này và các địa phương ở ĐBSCL để hiện thực hóa Dự án Cảng Trần Đề. Theo người đứng đầu ngành Giao thông, ĐBSCL có điều kiện thuận lợi về thời tiết, địa hình nhưng phát triển kinh tế - xã hội không xứng với tiềm năng; thu ngân sách, bình quân đầu người, điều kiện sống của người dân còn thấp so với nhiều vùng trong cả nước. Ông cho rằng, một phần nguyên nhân là do kết nối hạ tầng giao thông của ĐBSCL còn yếu.
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, ĐBSCL có tổng chiều dài đường thủy hơn 14.826km; có tới 57 cảng thuỷ nội địa và 3.988 bến thuỷ nội địa. Tuy nhiên, trên 85% các cảng phân tán, manh mún; phần lớn chỉ có công suất xếp dỡ nhỏ hơn 10.000 tấn/năm, chưa có bến gom hàng cho các cảng thuỷ nội địa lớn trong vùng. Do không có cảng lớn, tất cả hàng hóa về ĐBSCL đều phải chuyển từ TP.HCM hoặc ở Đông Nam Bộ. Đây là một bất cập lớn.
Bộ trưởng Thể phân tích, nếu so với các cảng biển có thể xây dựng cảng nước sâu trong khu vực ở Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, thì xây dựng cảng nước sâu cho toàn vùng tại cửa Trần Đề là thuận lợi nhất vì có vị trí ở trung tâm vùng, ngay cửa sông Hậu, gần TP.Cần Thơ, sẵn có tuyến quốc lộ Nam Sông Hậu, kết nối lưu thông hàng hóa thuận tiện. Ngoài ra, theo Bộ trưởng, sắp có quy hoạch cao tốc nối TP.HCM - Cần Thơ - Cảng Trần Đề.
“Nếu sớm hình thành được một cảng nước sâu, kinh tế của vùng ĐBSCL sẽ có bước phát triển đột phá, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của vùng”, ông Thể nhấn mạnh.
Sau khi nhậm chức, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã tích cực chỉ đạo để dự án này sớm triển khai. "Chiều nay - 27/12, lãnh đạo Bộ tiếp tục họp bản việc quy hoạch bến Cảng Trần Đề", Cục trưởng Hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang cho hay |
Muốn nhanh thì phải xã hội hóa đầu tư
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cả vùng ĐBSCL hiện có 7 cảng biển, với 31 bến cảng, nhưng chỉ đảm nhận được 20% - 25% tổng lượng hàng có nhu cầu vận tải bằng đường biển của cả vùng; chưa có cảng tiếp nhận được tàu có tải trọng trên 20.000 DWT. Cảng lớn nhất trong vùng là Cái Cui (Cần Thơ) có năng lực tiếp nhận tàu trên 20.000 DWT nhưng bị hạn chế của luồng sông Hậu nên cũng chưa khai thác hết công suất. Vì thế, vị này đồng ý với việc nên sớm xây dựng cảng nước sâu Trần Đề, tạo đầu mối trung chuyển hàng hóa bằng đường thủy của vùng ĐBSCL.
Vẫn vấn đề này, đại diện Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (Bộ GTVT) cho hay, hiện 90% hàng hoá xuất nhập khẩu đi đến ĐBSCL được vận chuyển bằng đường biển, nhưng 80% lượng hàng hoá đó đang lưu thông qua cụm cảng ở khu vực Đông Nam Bộ. Do đó, việc đầu tư xây dựng cảng biển để đáp ứng tàu hàng rời đến 200.000 tấn, tàu hàng tổng hợp, container đến 100.000 tấn và trên 100.000 tấn, phục vụ hàng hóa xuất nhập khẩu trực tiếp cho ĐBSCL là vấn đề cần phải tính tới.
Theo đơn vị tư vấn, khu bến cảng Trần Đề có diện tích dự kiến khoảng 30.000 ha, tổng mức đầu tư khoảng 4,1 tỷ USD. Đây cũng là vấn đề khiến dư luận quan tâm lúc này, bởi nguồn lực cho dự án quá lớn. Bộ GTVT cho rằng, để triển khai được dự án này cần phải xã hội hóa công tác đầu tư. Đồng quan điểm này, lãnh đạo Sở GTVT Sóc Trăng cho biết, đã một số nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, đến từ Pháp, Hà Lan. “Họ sẵn sàng bỏ ra khoản tiền lớn để đầu tư cảng biển ở vị trí này”, ông Giám đốc Sở GTVT Sóc Trăng thông tin với PLVN.