Nhưng điều khiến người dân không khỏi băn khoăn là thay vì tính toán cấp nguồn nước sạch cho dân thì dự án này lại chỉ quan tâm tới việc xây nhà thấp tầng và trung tâm thương mại. Đương nhiên, chủ nhân của dự án là một doanh nghiệp tư nhân có tên Công ty TNHH Tập đoàn thương mại Tuấn Dung.
Đầu năm 1999 UBND xã Ninh Hiệp lập phương án sản xuất “mô hình kinh tế hộ theo hướng sản xuất hàng hóa” trên diện tích khu vườn quả thuộc địa bàn xã. Ngày 01-03-1999, UBND xã phân chia khu vườn thành 08 lô và tiến hành đấu thầu quyền sử dụng đất. Căn cứ vào kết quả đấu thầu, ngày 26-05-1999, UBND xã Ninh Hiệp gửi công văn số 83/CV-UB về việc đề nghị UBND huyện Gia Lâm công nhận kết quả trúng thầu sử dụng đất. Ngày 08-06-1999, UBND huyện Gia Lâm ban hành Quyết định số 478/QĐ-UB công nhận 08 cá nhân trúng thầu sử dụng đất vườn cây ăn quả là các ông Nguyễn Ngọc Bình; Nguyễn Khắc Long; Đỗ Văn Lễ; Vũ Văn Thắng; Thạch Văn Sơn; Nguyễn Văn Lợi; Thạch Văn Sơn và Lý Duy Truật. Thời gian giao thầu khoán thực hiện một chu kỳ là 30 năm tính từ tháng 04-1999 đến năm 2029.
Mọi rắc rối xuất hiện từ ngày 03-07-2014 khi các hộ dân nói trên nhận được giấy mời của UBND xã Ninh Hiệp liên quan đến “Dự án đầu tư xây dựng công trình theo quy hoạch tại xã Ninh Hiệp”. Tại trụ sở UBND xã các hộ dân được ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó chủ tịch xã đọc cho nghe văn bản của cấp trên về việc chấp thuận chỉ định Công ty TNHH Tập đoàn thương mại Tuấn Dung lập và triển khai thực thực hiện Dự án đầu tư xây dựng công trình quy hoạch tại xã Ninh Hiệp. Tiếp đó là Thông báo số 30/TB-UBND ngày 25-01-2014 của UBND huyện Gia Lâm về việc thu hồi đất để thực hiện Dự án. Trong các hạng mục Cty TNHH Tập đoàn thương mại Tuấn Dung được đầu tư có hạng mục xây nhà ở thấp tầng, chợ và dịch vụ thương mại...nhằm góp phần xây dựng nông thôn mới.
Thông tin trên khiến gần như tất cả các hộ dân bất ngờ vì dự án đang lấy vào chính phần đất trúng thầu của họ, cho dù hợp đồng thầu đất vẫn còn thời hạn tới 15 năm nữa. Nghĩa là một dự án mới đè nên một dự án cũ đang còn hiệu lực. Những nghi ngại về Công ty TNHH Tập đoàn thương mại Tuấn Dung cũng được các hộ dân đặt ra bởi đơn vị này không thuộc một trong các trường hợp lựa chọn chỉ định nhà đầu tư theo Quyết định 09/2012/QĐ-UBND ngày 21-5-2012 của UBND thành phố Hà Nội.
Một sự khó hiểu khác, Thông báo số 30/TB-UBND được UBND huyện Gia Lâm ký ngày 25-01-2014 nhưng phải đến ngày ngày 03-07-2014 mới được chính quyền công khai và chuyển tới tay người dân.Trước cuộc đối thoại khoảng một tháng, UBND huyện Gia Lâm vẫn tiến hành triển khai thực hiện bàn giao mốc giới mặt bằng ngày 05-06-2014 và GPMB bất chấp sự chỉ đạo tại Văn bản số 4364/UBND-TNMT ngày 17-06-2014 của UBND thành phố Hà Nội về việc giải quyết đơn thư của công dân xã Ninh Hiệp giao UBND huyện Gia Lâm yêu cầu các doanh nghiệp không được triển khai các hoạt động khi chưa đủ các điều kiện thực hiện theo quy định của pháp luật.
Tại buổi họp ngày 03-07-2014, các hộ dân có đề nghị đại diện Ban GPMB làm rõ phần diện tích đất thu hồi của từng hộ để sử dụng vào mục đích nhà ở thấp tầng thì thuộc loại nhà ở dành cho người nghèo hay nhà ở thương mại? Hạng mục xây dựng công trình này có thuộc một trong các hạng mục xây dựng nông thôn mới của xã Ninh Hiệp hay không?. Đến giờ vẫn chưa có một trả lời chính thức từ phía chính quyền.
Thời điểm tháng 5-2014, các hộ dân nói trên cũng đã nhờ luật sư gửi văn bản tới Sở Quy hoạch kiến kiến nghị dừng việc chấp thuận tổng mặt bằng và phương án kiến trúc do hồ sơ bản vẽ chưa có ý kiến tham gia của cơ sở địa phương và vị trí khu đất nghiên cứu lập và thực hiện dự án đang có tranh chấp về quyền sử dụng đất.
Trong lá đơn được người dân gửi tới các cơ quan chức năng nặng trĩu những câu hỏi liên quan đến sự tùy tiện điều chỉnh quy hoạch làm thay đổi mục đích sử dụng đất (từ đất sử dụng vào mục đích công cộng sang đất để xây dựng nhà ở để bán) của UBND huyện Gia Lâm. Phải chăng việc điều chỉnh này không cần có ý kiến của UBND thành phố Hà Nội?.
Một nghi ngại khác, diện tích đất được UBND thành phố Hà Nội chỉ định nhà đầu tư tại Văn bản số 8688/UBND-KH&ÐT ngày 15-11-2013 là 3,9 ha. Nhưng không hiểu tại sao đến khi phê duyệt thì diện tích đất nghiên cứu này đã thay đổi thành gần 5,5ha trong đó diện tích xây dựng nhà ở thấp tầng là 4,9ha. Sự thay đổi ranh giới nghiên cứu cũng như thay đổi mục đích sử dụng đất phải chăng đó là quyền của UBND huyện Gia Lâm cũng như các cơ quan chức năng khác mà không cần tuân thủ bất cứ quy định nào của pháp luật?.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.
Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com