Vì sao đề xuất bỏ quy định cảnh sát giao thông phải đeo 'thẻ xanh'?

ảnh minh họa
ảnh minh họa
(PLVN) - Dự thảo về Quy trình tuần tra, kiểm soát của cảnh sát giao thông (CSGT) mà Bộ Công an đang lấy ý kiến, quy định cán bộ, chiến sĩ khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát chỉ cần đeo số hiệu Công an nhân dân (CAND) chứ không cần đeo cả “thẻ xanh” như trước.

Quy định CSGT phải đeo “thẻ xanh” có từ năm 2013. Những người đã qua tập huấn, sát hạch, được cấp “thẻ xanh” mới được bố trí tuần tra kiểm soát và xử lý phương tiện vi phạm trên đường. Những cảnh sát chưa được cấp thẻ, nếu phát hiện vi phạm vẫn có quyền được dừng xe, nhưng việc xử lý được bàn giao cho cấp trên.

Lý giải về việc đề xuất “CSGT không cần đeo thẻ xanh”, trả lời báo chí, ông Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông (Cục CSGT) cho biết, Luật CAND 2018, điều lệnh nội vụ CAND chỉ quy định CAND khi làm nhiệm vụ phải đeo số hiệu (có tên, mã số) mà không cần phải đeo các biển hiệu phụ có nội dung trùng lặp. Hiện CSGT khi làm nhiệm vụ đang phải đeo hai loại số hiệu và biển hiệu nhưng có tới 80% nội dung giống nhau.

Trả lời câu hỏi nếu CSGT không đeo “thẻ xanh”, người dân khó giám sát những trường hợp mạo danh, ông Nhật cho rằng, biển số hiệu CAND trên đó có tên và có số, dãy số này chỉ được cấp cho một người và khó có thể làm giả. “Hiện người dân cũng có các cơ chế giám sát khác như ghi âm, ghi hình”, ông Nhật nói.

Cũng theo đại diện Cục CSGT, hiện các tổ tuần tra kiểm soát khi lập chốt phải từ 3 người trở lên và kế hoạch sẽ được công khai trên mạng nên người dân có thể nắm được các chốt CSGT có làm đúng nhiệm vụ như công khai hay không.

Cũng trong dự thảo đề xuất CSGT chỉ được lập chốt ở trạm thu phí hoặc điểm đầu, cuối, lối ra ngoài cao tốc, đảm bảo an toàn cho cán bộ chiến sĩ và phương tiện giao thông. Theo đó, khi CSGT tuần tra, kiểm soát trên đường cao tốc, chỉ được dừng phương tiện vào làn dừng khẩn cấp khi phát hiện vi phạm trật tự, an toàn giao thông nghiêm trọng, nguy cơ gây mất an toàn giao thông tức thời hoặc phối hợp đấu tranh phòng chống tội phạm.

Sau khi dừng phương tiện, CSGT phải đặt rào chắn bằng cọc tiêu hình chóp nón, biển báo “đi chậm”, bố trí người hướng dẫn, điều hành giao thông. Khi giải quyết xong vụ việc, đơn vị phải thu dọn rào chắn, biển báo và di chuyển ngay.

Theo quy định hiện hành, CSGT được kiểm soát lưu động, kết hợp kiểm soát một điểm (lập chốt) công khai trên đường cao tốc.

Lãnh đạo Phòng Hướng dẫn tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ, Cục CSGT cho biết, việc đề xuất không lập chốt trên đường cao tốc để đảm bảo an toàn cho người thực thi công vụ và các phương tiện tham gia giao thông. “Trên cao tốc, tốc độ lưu thông lên tới hơn 100 km/h nên việc lập chốt sẽ không hợp lý vì cảnh sát ra dừng xe rất nguy hiểm”, vị này nói.

Theo đại diện Cục CSGT, khi tuần tra lưu động nếu phát hiện vi phạm, cơ quan chức năng nên chỉ dẫn phương tiện về trạm kiểm soát, lối ra hoặc trạm thu phí để tiến hành xử lý. Trong trường hợp tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, cần trấn áp ngay sẽ có biện pháp dừng xe vào làn khẩn cấp.

Ngoài ra, hiện trên các tuyến cao tốc đã lắp đặt hệ thống camera giám sát, hình ảnh các phương tiện vi phạm sẽ được phát hiện kịp thời để xử lý ngay sau khi đến trạm thu phí hoặc phạt nguội. 

Đọc thêm

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện
(PLVN) - Trên công trình xây dựng sân bay Long Thành (huyện Long Thành, Đồng Nai) hiện có gần 4.000 kỹ sư, công nhân trong nước và quốc tế, gần 2.000 máy móc, phương tiện, trang thiết bị thi công đang ngày đêm làm việc với mục tiêu cao nhất là đẩy nhanh tiến độ để hoàn hoàn thành trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc mới đây.

Đề xuất hợp lý của Cục Cảnh sát giao thông

Ảnh minh họa
(PLVN) - Chạy xe trên đường, nếu xao nhãng chỉ 1 giây, là có thể tàn cả 1 đời. Nếu vượt đèn đỏ, hậu quả còn có thể nguy hại hơn, thảm khốc hơn. Thế nhưng mới đây, một camera giao thông tại Hà Nội ghi lại được cảnh 164 lượt phương tiện vượt đèn đỏ ở một ngã tư chỉ trong 2 phút. Đó là một thực tế vô cùng đáng báo động, không chỉ xảy ra ở Hà Nội, mà còn ở một số địa phương khác.