Đường hình chữ Y, nếu nhà ở nằm đúng vào chỗ ngã ba chia tách đường được gọi là “lượng lộ kẹp kích”, hai con đường kìm kẹp căn nhà ở giữa. Địa thế ở chỗ đất này hình tam giác thuộc hành Hỏa, ở giữa lại bị con đường đâm thẳng vào cửa nên phạm vào kiểu địa thế “thương tà” - cây giáo đâm giữa ngực. Cả ba con đường hợp tạo thành một cây kéo cắt ngang.
Kiểu địa thế này được coi là hung trong phong thủy, dễ bị ảnh hưởng sức khỏe hoặc gặp phải tai ương bất ngờ. Đường hình chữ T, nhà ở nằm đúng vị trí có con đường chạy ngang qua trước mặt, phía bên kia có con đường đâm thẳng vào cửa, kiểu địa thế này cũng được coi là hung trong phong thủy, tức cũng phạm “thương tà”.
Theo người xưa, kiểu nhà này thường có hai cách hóa giải, thứ nhất có thể chặn khí trường lại. Thứ hai, nếu chủ nhân là người còn trẻ, là người chính trực, vận và mệnh đều tốt thì có thể để tà khí đi thẳng vào rồi bài trí tạo thành tài khí.
Theo phong thủy, con đường chữ T đâm thẳng vào cửa bị coi là hung, phạm “thương tà" nên cần phải được hóa giải. |
Tuy vậy, cách hóa giải này có cách sắp xếp tương đối phức tạp lại có nhiều yếu tố cần chú ý nên ngày nay không còn nhiều người áp dụng. Đường thẳng trực xung, kiểu địa thế này chỉ có duy nhất một con đường lớn đâm thẳng vào cửa nhà, có mức độ mạnh hơn so với kiểu đường chữ T. Kiểu đường trực xung được coi là đại kị trong phong thủy, được gọi là “hổ khẩu ốc”, tức nhà nằm trong miệng hổ.
Ở đây muốn nói từ trường, khí trường của con đường gây ra rất mạnh, xe cộ đi lại càng nhiều thì càng hung, người trong nhà khó an cư. Ngoài ra, ngày nay các thành phố lớn ngày càng nhiều con đường vành đai hình vòng cung.
Nếu nhà ở nằm phía trong vòng cung thì tốt, nếu nằm phía ngoài thì xấu, còn được gọi là “liêm đao tà”, tà khí hình cái liềm cắt cỏ, vòng cung có góc càng lớn thì mức độ gây hại càng mạnh. Dễ gây cho gia chủ những tai bay vạ gió bất ngờ, hao tổn tiền tài. Phong thủy tuy có lịch sử lâu đời, lúc đầu chủ yếu được vận dụng để xây dựng các kiến trúc trong hoàng cung.
Nhưng sau này xã hội có nhiều thay đổi, kết cấu, vật liệu căn nhà của cổ nhân và hiện đại cũng có khác biệt rất lớn, vì vậy, có không ít những lí luận phong thủy truyền thống không còn phù hợp với xã hội hiện đại nữa. Cần phải kế thừa và lựa chọn những quan niệm sát với thực tế hiện đại và đã được khoa học chứng minh.
Ngoài ra, trong quan niệm phong thủy cổ nhân cũng thường nói “phúc địa phúc nhân cư” nếu không phải người có phúc thì không ở được nơi có phong thủy đẹp. Hay trong mệnh lí học cũng thường nói “đức năng thắng số”, nhưng có lẽ ít người hiểu được ý nghĩa thâm sâu của quan niệm này.
Theo các nhà nghiên cứu phong thủy, với những ngôi nhà có đường đâm vào theo hướng xấu vẫn có cách để hóa giải. |
Phong thủy là cái bên ngoài nên dễ thay đổi, một người nào đó có thể bỏ ra một số tiền lớn để mua một mảnh đất có phong thủy đẹp, nhưng cũng có thể sau đó chỗ ấy mọc lên một tòa nhà cao tầng án ngữ ngay trước mặt, hoặc nhà máy, xưởng sửa chữa chuyển đến ngay bên cạnh, đường dây điện chạy qua làm phá mất phong thủy đẹp ấy.
Nhưng cũng có người trước đây sống ở chỗ phong thủy xấu như gần bãi rác, chợ cóc, sau này bãi rác được quy hoạch thành bãi đỗ xe, công viên; khu chợ được giải tỏa đường thông hè thoáng nên trở thành phong thủy đẹp. Hoặc trước cửa nhà là con kênh ô nhiễm, mùi xú uế bốc lên nồng nặc nhưng sau đó con kênh trở thành cống ngầm, đường xá hai bên kênh được mở rộng.
Người xưa cho rằng, có được điều tốt ấy đều nhờ phúc đức do tổ tiên, tiền nhân tích thiện để lại cho con cháu, con cháu cũng phải tích thiện để phúc đức được bổ sung đời này qua đời khác. Trường hợp phong thủy đang đẹp thành xấu là do phúc đức ấy đã dùng hết. Trường hợp phong thủy đang xấu thành đẹp là khi phúc đức gặp thời đến lúc hái quả.
Nhưng khi phúc đức ấy đến mà không giữ được, như trường hợp đang ở nơi địa thế xấu bỗng trở thành nơi địa thế đẹp do mở đường, mở rộng thành phố, nhà đất bán đi được khoản tiền lớn nhưng con cháu lại sa vào cờ bạc, nghiện hút hoặc chơi bời tiêu tán hết tức phúc đức ấy mỏng, không biết cách làm dầy lên.
Ngày nay, nhiều người sau khi làm ăn phát đạt lại sa đà vào hưởng thụ hoặc các trò cúng bái mê tín dị đoan mà quên mất tạo thêm phúc đức cho mình để hưởng thành quả lâu dài hơn. Đức được thể hiện qua lời ăn tiếng nói, đối nhân xử thế... Phúc được tích tụ từ những hành vi làm việc thiện cụ thể, chia sẻ khó khăn với người khác, nuôi dưỡng trẻ cơ nhỡ, người già neo đơn... Tất cả đều nằm trong quy luật nhân quả, tức “gieo nhân nào thì gặp quả ấy”.