Ông Trần Ngọc Thới- Phó Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT vừa ký quyết định số 4737/UBNDT-VP về việc xử lý các tổ chức, cá nhân xây dựng không phép tại xã An Ngãi, huyện Long Điền - một quyết định làm các DN chế biến hải sản “kêu trời”, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản. Vậy nguyên nhân do đâu?.
5 DN chế biến hải sản vừa bị chính quyền tỉnh chế tài mạnh gồm: DNTN Tuyết Trâm, DNTN Hải sản Tân Long, Cơ sở sản xuất Nguyễn Thanh Hùng; Cty TNHH MTV Ngân Anh và Cty HC; trong đó, có 4 DN chế biến xuất khẩu. Các DN này đầu tư xây dựng nhà xưởng khi chưa có giấy phép của Sở Xây dựng.
|
Xưởng chế biến xây dựng trái phép của các hộ sản xuất xã Phước Hưng, cách các cơ sở xây dựng trái phép bên xã An Ngãi chỉ một con đường 6-7m và vẫn đang hoạt động bình yên. |
Doanh nghiệp “dở khóc, dở cười”
Quyết định nêu rõ xử lý buộc 5 DN xây dựng trái phép “phá dỡ công trình xây dựng vi phạt trật tự xây dựng đô thị”; riêng Cty TNHH MTV Ngân Anh, ngoài việc bị tháo dỡ toàn bộ các công trình xây dựng trái phép, còn phải bị xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng lên đến 300 triệu đồng.
Bà Nguyễn Tuyết Trâm - Chủ DNTN Tuyết Trâm buồn bã nói, “DN tôi chế biến hải sản xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc với kim ngạch bình quân là trên 3 triệu USD với gần 600 lao động. Từ khi bị buộc ngừng hoạt động, DN bị thiệt hại lớn do phải đem nguyên liệu đi “bán tháo” lại cho các cơ sở chế biến khác với mức giá rẻ mạt, thậm chí sẽ dẫn đến phá sản, bởi số tiền giao dịch làm ăn với ngân hàng và đối tác lên đến hàng chục tỷ đồng”; chưa nói đến gần 3 tỷ đồng đã đến kỳ đáo hạn nợ tại Chi nhánh Ngân hàng Công Thương tỉnh BR-VT.
Tất cả những khoản tiền nợ và vay nợ nói trên sẽ mãi nằm trên giấy nếu như DN của bà Trâm không tiếp tục mua nguyên liệu của ngư dân và cung cấp hàng cho khách. Điều đáng nói là hơn 3 tháng nay, kể tù khi DN bị ngừng hoạt động, các con nợ đã không chịu trả bất cứ một đồng nào, chủ nợ thì đòi liên tục, ngân hàng thì không cho đáo hạn…
“Tình trạng này kéo dài, nhất là nếu bị phá dỡ toàn bộ tư liệu sản xuất thì khả năng trả nợ của DN sẽ không còn, tôi khăn gói vào tù là điều không thể tránh khỏi” - bà Tuyết Trâm nói trong nước mắt.
Có thể nói, đây cũng là “hoàn cảnh” “dở khóc dở cười” của các DN bạn. Riêng Cty Ngân Anh còn có nguy cơ bị hư hỏng hoàn toàn thiết bị của hai kho lạnh vì không có điện vận hành bởi từ tháng 5/2012, chính quyền huyện Long Điền đã áp dụng chế tài đối với DN này bằng các cắt điện, cắt nước, buộc các DN ngừng hoạt động. Số tiền đầu tư vào nhà xưởng của mỗi DN chế biến hải sản này khoảng 10 tỷ đồng và chủ yếu là tiền vay ngân hàng đang có nguy cơ biến thành sắt phế liệu.
“Bên trọng, bên khinh”?
Đại diện các DN này cho biết, họ đã gắn bó với nghề chế biến hải sản từ nhiều năm qua, cũng không thấy các cơ quan chức năng tỉnh qui hoạch khu chế biến hải sản tập trung gì cả. Chính vì vậy, các DN cứ chạy hết chỗ này đến chỗ khác.
Mới đây, tại buổi làm việc giữa Đoàn Giám sát của Ban Văn hóa Xã hội, HĐND tỉnh với xã An Ngãi và huyện Long Điền, đã có nhiều ý kiến của đại diện huyện và tỉnh nhìn nhận: Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc xây dựng trái phép là công tác quản lý địa bàn chưa thật tốt. Nếu ngay từ khi các doanh nghiệp san lấp mặt bằng, nếu chính quyền mạnh tay và kiên quyết xử lý thì doanh nghiệp sẽ không thể xây dựng cơ sở như hôm nay. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng đã chạy hết chỗ này đến chỗ khác, nhưng đến giờ này, tỉnh cũng chưa chỉ cho họ một nơi để “an cư”. Không có khu qui hoạch khu chế biến hải sản nên “cấm chỗ này, DN lại chạy chỗ kia”. Ngoài ra, đến nay việc công khai qui hoạch tại ấp An Thạnh, xã An Ngãi, vẫn chưa được công bố nên người dân không biết. Do đó, khi đưa ra biện pháp xử lý đối với các cơ sở trái phép, tỉnh cũng nên cân nhắc. |
Sau đó, nhận thấy có khoảng 20 cơ sở chế biến hải sản xây dựng trái phép thuộc địa bàn xã Phước Hưng, huyện Long Điền hoạt động một cách yên ổn, không có vấn đề gì, nghĩ rằng “họ làm được, thì mình làm được”, các DN đã đến ấp An Thạnh, xã An Ngãi, huyện Long Điền (bên cạnh khu chế biến trái phép Phước Hưng) mua đất xây dựng nhà xưởng sản xuất.
Cũng cần nói rằng, trong suốt quá trình san lấp mặt bằng, xây dựng nhà xưởng kéo dài khoảng một năm, họ không hề bị chính quyền địa phương “thổi còi”, đến khi hoàn thành đi vào hoạt động thì mới bị chính quyền và cơ quan chức năng xử phạt hành chính. Nghĩ rằng “nộp phạt” là “xong”, các DN vẫn tiến hành sản xuất từ đó đến nay. Mãi đến khi chính quyền các cấp “làm mạnh”, thì các DN mới ngỡ ngàng.
Họ thừa nhận mình có sai, nhưng nguyên nhân sâu xa là họ không biết phải “làm đúng” ở đâu, chỉ biết đi kêu cứu với các cơ quan chức năng để mong được xem xét cho phép cơ sở sản xuất được tồn tại, chờ đến khi tỉnh có khu qui hoạch chế biến hải sản tập trung thì sẽ tự tháo dỡ, di dời nhằm có thể hạn chế được thiệt hại trong thời buổi khó khăn kinh tế hiện nay.
Điều khó hiểu là dù rất mạnh tay với các DN xây dựng trái phép trên phạm vi địa phận xã An Ngãi, nhưng chính quyền các cấp không hề có động thái gì đối với các cơ sở chế biến cũng xây dựng trái phép ở xã Phước Hưng. Cụ thể, có DN ở xã An Ngãi đã “chạy” sang Phước Hưng thuê lại nhà xưởng để xử lý nguyên liệu mỗi khi có nguyên liệu về nhiều.
Theo thống kê của Thanh tra huyện Long Điền, tính đến tháng 5/2012, tại khu vực này có 20 hộ dân đã san lấp trái phép với tổng diện tích san lấp 58.636 m2. Trong đó, có 8 trường hợp đã xây dựng tường rào và nhà cấp 4; 5 cơ sở đã hoàn chỉnh nhà xưởng đi vào hoạt động, 12 cơ sở chuẩn bị xây dựng.
Khu vực mà các DN đã và đang san lấp, xây dựng trái phép nói trên, trước đây đã được huyện qui hoạch làm khu nuôi trồng thủy sản. Sau này lại được Sở Xây dựng quy hoạch làm vành đai cây xanh và dự kiến làm khu dân cư, nhằm di dời các hộ dân trong thị trấn Long Hải ra để thực hiện các dự án du lịch…
Nhóm PV