Sống ở đời và sống với nhau trong cùng một gia đình, ai cũng có những nỗi buồn bực mình riêng về người bạn đời của mình. Nhưng không vì thế mà buông lời đau lòng đối phương và thậm chí có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Những sự việc đau lòng
Chỉ trong ngày 16/9, từ khóa “chồng đâm chết vợ” nhiều lần được truyền thông nhắc đến và làm xôn xao xã hội vốn thời gian này đã quá kinh hoảng về những vụ án gia đình xảy ra ở Đan Phượng, Thái Nguyên...
Thông tin cho thấy, ngày 16/9, Công an huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai đã tạm giữ nghi phạm Nguyễn Tiến Sĩ 37 tuổi để điều tra về hành vi giết người. Sĩ cùng vợ là chị Nguyễn Thị Thu Hiền 30 tuổi từ quê Hà Nội vào Đồng Nai mưu sinh. Do Sĩ làm công trình xây dựng nên hay đi làm ở xa mới về.
Trong những lần về như vậy, Sĩ nghi ngờ vợ và anh V. người ở cùng địa phương có mối quan hệ tình cảm nam nữ nên thường xuyên cự cãi. Tối khuya 15/9, trong khi Sĩ và chị Hiền ở nhà trọ thì chị Hiền có điện thoại của người đàn ông tên V. Thấy vậy, Sĩ bực tức la hét, dẫn tới cả hai vợ chồng cự cãi lớn tiếng với nhau. Trong cơn bực tức, Sĩ dùng dao đâm nhiều nhát khiến chị Hiền tử vong tại chỗ.
Có câu “trời đánh tránh bữa ăn”, thế nhưng cũng trong ngày 16/9, một người chồng đã đâm chết vợ trong bữa cơm tối ở Hà Đông, Hà Nội. Người chồng là Nguyễn Hải Hà, 42 tuổi còn nạn nhân tên H., 38 tuổi, hai vợ chồng cư trú phường La Khê, quận Hà Đông. Tối 16/9, trong lúc ăn cơm, vì con xin tiền hai vợ chồng đã xảy ra mâu thuẫn cãi vã. Bất ngờ, người chồng dùng dao đâm vợ tử vong ngay tại chỗ.
Từ hai vụ án đau lòng trên có thể thấy nguyên nhân ban đầu đều xuất phát từ khâu giao tiếp của hai vợ chồng. Nhiều nhà tâm lý đã phân tích, hai vợ chồng – đó là hai cá nhân độc lập xuất phát từ hai gia đình khác nhau với nền giáo dục, văn hóa khác nhau, vì tình yêu mà tự nguyện về sống chung dưới một mái nhà.
Vì thế, trong cuộc sống hàng ngày, khó tránh khỏi những lúc xung đột vì lý do những sự bực bội, không hài lòng, chưa thấu hiểu bạn đời của mình. Ở những lúc như vậy có thể nói sự giao tiếp của vợ chồng là vô cùng quan trọng, bởi đây là cách tốt nhất để giải quyết bất đồng, mâu thuẫn giữa hai vợ chồng như lời đúc kết của ông cha: “Thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn”; “Chồng giận thì vợ bớt lời/Cơm sôi nhỏ lửa có đời nào khê”.
“Chiêu” nhịn của hai người đàn ông
Trong dịp tham dự lễ phát động thực hiện Bộ tiêu chí tại xã Phú Cường, huyện Ba Vì và tại phường Khương Trung quận Thanh Xuân, Hà Nội, phóng viên đã trò chuyện với hai người đàn ông - một người ở thành phố, một người ở nông thôn và nghe họ nói về kỹ năng giao tiếp giữa hai vợ chồng nhằm kiểm soát xung đội, giữ yên ấm trong gia đình họ. Đó là anh Nguyễn Khắc Thiện, 43 tuổi ở thôn Thanh Chiểu, xã Phú Cường và ông Trần Văn Vấn 64 tuổi ở Tổ dân phố 21.
Kể về gia đình mình, ông Trần Văn Vấn cho biết, ông có hai người con và đã có con rể và cháu. “Mấy chục năm kết hôn, vợ chồng tôi cũng sao tránh khỏi có lúc cãi cọ, nhưng chúng tôi đã thỏa thuận với nhau là lúc chồng nóng quá thì vợ nhịn, vợ bực quá thì chồng nhịn. Và điều quan trọng nhất là phải cố gắng tìm hiểu để hiểu thực chất vấn đề và hiểu nhau” – ông Vấn cho biết.
Ông Trần Văn Vấn. |
Cũng theo lời ông Vấn, khi đã trở thành cha mẹ, ông bà trong gia đình thì hai vợ chồng cần gương mẫu trong lời ăn tiếng nói, cách sinh hoạt để dạy dỗ con cháu, để có được sự tôn trọng của con cháu và cộng đồng. Mới đây nhất giữa hai vợ chồng ông có sự hiểu lầm nhau về việc ông đi công việc bà cứ nghĩ ông đi chơi.
“Lúc đó, tôi bực lắm, nhưng tôi im lặng không tranh luận trước mặt con cháu. Sau đó, tôi đã lựa lúc trao đổi với vợ để bà ấy biết là đã trách nhầm tôi. Mình là cha mẹ, ông bà, nếu cứ muốn là nói nặng với nhau trước mặt con thì sao bảo được con, sao làm gương cho con được trong việc giữ yên ấm cuộc sống gia đình” – ông Vấn tâm sự.
Kết hôn từ năm 2001, 18 năm chung sống nhưng khi kể về gia đình mình, anh Nguyễn Khắc Thiện khẳng định hai vợ chồng anh chưa hề có cuộc cãi nhau to nào. “Từ khi mới cưới, chúng tôi đã thỏa thuận là người này nóng thì người kia nhịn đã, sau đó nói chuyện với nhau sau. Nhiều lúc tôi đi đâu đó về muộn, vợ càu nhàu, nhưng tôi không đáp lại vì lúc đó đôi co là sẽ mất kiểm soát, đợi hôm sau nói chuyện làm rõ” – anh Thiện nói.
Từ hai “chiêu” nhịn của hai người đàn ông nói trên, một câu hỏi đặt ra là phải chăng cứ như vậy, mâu thuẫn không được giải quyết ngay giữa hai vợ chồng sẽ tích tụ dần và sẽ bùng nổ vào một ngày nào đó? Trả lời câu hỏi này, anh Thiện cho biết, hai vợ chồng anh thỏa thuận ngay tại thời điểm mâu thuẫn, nếu vợ chồng quá nóng giận thì cũng rút lời, đợi bình tĩnh sẽ ngồi lại nói chuyện với nhau để hóa giải, chứ không phải là nhịn xong bỏ đó không giải quyết.
Còn theo ông Vấn, mọi việc hiểu lầm giữa hai vợ chồng chắc chắn phải được giải quyết, nhưng có thể né lúc cao trào nói giận để khỏi đổ thêm dầu vào lửa gây hậu quả xấu, để đợi bình tĩnh trao đổi cho nhau hiểu.
Như vậy, từ câu chuyện của hai người đàn ông có thể thấy, dù ở nông thôn hay thành phố thì cũng có “chìa khóa” trong cách thức giao tiếp giữa hai vợ chồng. Đây cũng là vấn đề được đề cập tới trong Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Theo đó, dù là vợ hay chồng, cả hai đều cần phải biết đặt mình vào vị trí, tình cảnh của người khác để hiểu được họ có cảm nghĩ như thế nào, hiểu được tâm tư, tình cảm của nhau.
Trong lắng nghe, vợ hay chồng không chỉ nghe đơn giản bằng tai (nhằm lưu giữ và định dạng thông tin) mà quan trọng hơn là nghe bằng mắt, bằng cả trái tim để hiểu được những cảm xúc, nhu cầu của người kia. Điều đó có nghĩa là lắng nghe không chỉ những điều người khác nói nên lời, mà cả những gì không nói lên được, những gì bộc lộ qua ngôn ngữ không lời như: ánh mắt, nét mặt, tư thế, điệu bộ...
Người nghe phải quan sát cả thái độ người nói cộng với phán đoán, sự trải nghiệm trong cuộc sống, hoặc cần có sự đồng cảm giao thoa giữa người nói với người nghe thì mới có thể thấu hiểu được “ý tại ngôn ngoại” của thông tin người nói phát ra.
Điều này sẽ giúp tạo dựng được tình cảm tốt đẹp giữa vợ và chồng vì đã đáp ứng được nhu cầu, mong muốn được hiểu, được khẳng định, được đánh giá cao, được cảm thấy có ích từ cả hai phía. Sau khi đã đáp ứng nhu cầu chủ yếu đó, cả hai người có thể tập trung phát huy sự ảnh hưởng và giải quyết vấn đề.