Theo đó, NĐ quy định đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu hình thức xử phạt chính là phạt tiền. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí là 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức.
Phạt đến 600 triệu đồng khi khai thác dầu khí tại khu vực cấm
Cụ thể, đối với hoạt động thăm dò dầu khí, NĐ quy định phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 400 triệu đồng đối với hành vi khoan ra ngoài diện tích ghi trong hợp đồng dầu khí khi cơ quan có thẩm quyền chưa cho phép mà chưa phát sinh các nguồn lợi hoặc số tiền thu lợi bất hợp pháp dưới 1 tỷ đồng. Phạt tiền từ 400 triệu đồng đến 600 triệu đồng đối với hành vi tiến hành hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí khi hợp đồng dầu khí hoặc chương trình công tác và ngân sách hàng năm chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt mà chưa phát sinh các nguồn lợi hoặc số tiền thu lợi bất hợp pháp dưới 1 tỷ đồng.
Phạt tiền từ 600 triệu đến 800 triệu đồng đối với hành vi tiến hành hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí tại khu vực nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố cấm hoặc tạm thời cấm mà chưa phát sinh các nguồn lợi hoặc số tiền thu lợi bất hợp pháp dưới 100 triệu đồng.
NĐ quy định phạt tiền từ 1,8 tỷ đồng đến 2 tỷ đồng đối với hành vi xâm phạm vùng thuộc đất liền, hải đảo, nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm nghiên cứu, tìm kiếm thăm dò dầu khí mà chưa phát sinh các nguồn lợi hoặc số tiền thu lợi bất hợp pháp dưới 100 triệu đồng.
Đối với những hành vi vi phạm quy định về hoạt động phát triển mỏ và khai thác dầu khí, NĐ quy định phạt tiền từ 400 triệu đồng đến 500 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Tiến hành hoạt động phát triển mỏ và khai thác dầu khí khi kế hoạch phát triển mỏ hoặc chương trình công tác và ngân sách hàng năm tương ứng chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; khai thác dầu khí vượt ra ngoài diện tích ghi trong hợp đồng khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 600 triệu đồng đối với hành vi tiến hành hoạt động khai thác dầu khí tại khu vực mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố cấm hoặc tạm thời cấm. Đối với hành vi xâm phạm vùng thuộc đất liền, hải đảo, nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lực địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm khai thác dầu khí bị phạt tiền từ 1,8 tỷ đồng đến 2 tỷ đồng.
Tăng mức phạt khi bán xăng dầu qua thùng, can, chai
Tại khoản 2 Điều 35 NĐ 99 quy định phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi bán xăng dầu qua các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua thùng, can chai và các dụng cụ chứa đựng khác trừ thương nhân là hộ kinh doanh, trạm cấp phát xăng dầu thuộc lực lượng vũ trang (quốc phòng, công an) thuộc địa bàn miền núi, vùng cao theo quy định của pháp luật được UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho phép làm đại lý bán lẻ xăng dầu với quy mô, trang thiết bị phù hợp với điều kiện kinh doanh xăng dầu ở khu vực đó.
Hiện nay, theo quy định tại khoản 2 Điều 30 NĐ 67/2017/NĐ-CP, mức tiền phạt với hành vi nêu trên là từ 2 – 4 triệu đồng. Ngoài ra, hành vi vi phạm nêu trên còn bị tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính đồng thời người vi phạm bị buộc nộp lại số lợi nhuận bất hợp pháp có được từ việc thực hiện hành vi vi phạm này.
Bên cạnh đó, NĐ cũng quy định tăng mức phạt đối với nhiều hành vi như: Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với hành vi không ghi hoặc không ghi rõ thời gian bán hàng tại khu vực bán hàng theo quy định. (Theo quy định tại NĐ 67/2017/NĐ-CP chỉ phạt từ 5 trăm nghìn đồng đến 1 triệu đồng).
Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi không đăng ký thời gian bán hàng của cửa hàng bán lẻ xăng dầu với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định. (Theo quy định tại NĐ 67/2017/NĐ-CP phạt từ 6 triệu đồng đến 10 triệu đồng).
Đối với hành vi bán xăng dầu qua các trụ bơm xăng dầu tự động hoặc cột bơm di động khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. (Tăng gấp đôi so với quy định tại NĐ 67/2017/NĐ-CP).
Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng đối với hành vi không thông báo hoặc không gửi quyết định về giá bán lẻ xăng dầu cho các đơn vị trong hệ thống phân phối xăng dầu trước thời điểm giá có hiệu lực thi hành khi điều chỉnh tăng, giảm giá bán lẻ xăng dầu. Đồng thời, các hành vi không thực hiện đúng quy định về trình tự điều chỉnh giá hoặc không thực hiện đúng quy định về thời gian tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh giá liên tiếp khi điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu sẽ bị phạt nặng hơn, dao động từ từ 100 triệu đồng đến 120 triệu đồng.
Không những thế, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi tự ý điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu không đúng thời điểm thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối xăng dầu quy định trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm. Mức phạt tiền trên là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện thì phạt tiền bằng một nửa mức phạt tiền nêu trên.