Công tác bảo vệ còn nhiều khó khăn, sơ hở
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh, PCTN và bảo vệ bí mật Nhà nước là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của Đảng, Nhà nước và của mỗi công dân. Bảo vệ bí mật nhà nước còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác bảo vệ an ninh, chính trị quốc gia. Trong thời gian qua, công tác bảo vệ bí mật nhà nước tại Bộ Nội vụ luôn được lãnh đạo Bộ quan tâm, thường xuyên chỉ đạo Văn phòng Bộ và các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ thực hiện nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
Tuy nhiên, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của an ninh thế giới và trong khu vực, đặc biệt khi Việt Nam đang trong giai đoạn hội nhập quốc tế thì bí mật nhà nước là một trong những nội dung mà các thế lực thù địch thường xuyên thu thập nhằm chống phá, đả kích Đảng và Nhà nước ta.
Công tác bảo vệ bí mật nhà nước của các cơ quan Đảng, nhà nước trong thời gian qua còn nhiều khó khăn, sơ hở, tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước vẫn diễn ra phức tạp ở nhiều cấp độ khác nhau. Trong đó, phổ biến là vi phạm khi thực hiện xác định mức độ mật; thống kê, lưu giữ, bảo quản; sao chụp tài liệu bí mật nhà nước; sử dụng máy tính và các thiết bị trong soạn thảo, lưu giữ, truyền đưa bí mật nhà nước.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu tại hội nghị. |
Đặc biệt, tình trạng lộ, mất bí mật nhà nước vẫn diễn ra với tính chất, mức độ rất nghiêm trọng, số vụ được phát hiện gần đây năm sau đều cao hơn năm trước; một số vụ đã ảnh hưởng lớn đến chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, ngoại giao của đất nước.
Xác định được vị trí và tầm quan trọng của công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước nói chung và của Bộ Nội vụ nói riêng, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị nhằm tuyên truyền những nội dung của Luật PCTN và tình hình bảo vệ bí mật nhà nước trong giai đoạn hiện nay; hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước và vận dụng các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước tại Bộ Nội vụ. Bên cạnh đó, tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.
Việc xử lý chưa đủ sức răn đe
Chia sẻ những nội dung về công tác bảo vệ bí mật nhà nước tại hội nghị, Thượng tá Đặng Thị Hồng Nhung, Phó Trưởng phòng - Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an cho biết, việc soạn thảo tài liệu bí mật nhà nước trên máy tính kết nối Internet hoặc có lịch sử kết nối internet có thể bị các đối tượng xấu lợi dụng, sử dụng mã độc, phần mềm gián điệp xâm nhập máy tính và các thiết bị lưu trữ di động nhằm đánh cắp, thu thập bí mật nhà nước.
Điều này đặc biệt nguy hiểm đối với các máy tính phục vụ soạn thảo tài liệu có nội dung bí mật nhà nước gắn với các chủ trương, chính sách về chính trị, kinh tế, ngoại giao... Những vi phạm trong sử dụng máy tính kết nối internet, điện thoại thông minh để sao, chụp tài liệu bí mật nhà nước trên ứng dụng lưu trữ trực tuyến và truyền tải dữ liệu qua mạng xã hội, thư điện tử đã dẫn tới nhà cung cấp dịch vụ mạng (cả trong và ngoài nước) có các tài liệu bí mật nhà nước này, đồng nghĩa với việc tài liệu bí mật nhà nước bị lộ.
Ngoài ra, tình trạng sao, chụp tài liệu bí mật nhà nước không đúng thủ tục và thẩm quyền dẫn đến không kiểm soát được bản sao, nơi gửi văn bản. Việc thực hiện không đúng pháp luật khi lưu giữ, tiêu hủy, cung cấp tài liệu bí mật nhà nước cho cơ quan, tổ chức, cá nhân nắm giữ bí mật nhà nước với các cá nhân không có trách nhiệm; phổ biến thông tin bí mật nhà nước không đúng phạm vi, đối tượng ... đã và đang trực tiếp dẫn đến những vụ lộ, mất bí mật nhà nước thời gian gần đây.
Thượng tá Đặng Thị Hồng Nhung chia sẻ thông tin tại hội nghị. |
Theo thống kê, từ năm 2000 trở lại đây, đã xảy ra hơn 1.000 vụ việc lộ, lọt bí mật nhà nước. Tuy nhiên, việc xử lý chưa đủ sức răn đe, do đó, vẫn xảy ra tình trạng lộ, lọt bí mật nhà nước, nhất là trong giai đoạn Việt Nam đang đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử.
Dẫn Khoản 5, Điều 5, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước quy định: “Soạn thảo, lưu giữ tài liệu có chứa nội dung bí mật nhà nước trên máy tính hoặc thiết bị khác đã kết nối hoặc đang kết nối với mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, trừ trường hợp lưu giữ bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về cơ yếu”, Thượng tá Đặng Thị Hồng Nhung cho biết, nếu chúng ta cấm sử dụng văn bản điện tử thì sẽ đi ngược lại xu hướng xây dựng Chính phủ điện tử.
Vì vậy, phải xây dựng được các quy định pháp luật để đảm bảo vừa sử dụng văn bản điện tử, vừa phải đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, không được lộ, lọt. Việc sử dụng máy tính để soạn thảo văn bản bí mật phải là máy tính “sạch”, tách rời hệ thống mạng (kể cả mạng nội bộ), đồng thời thiết bị sao chép, lưu giữ cũng phải “sạch”, nhưng tốt nhất là sử dụng máy in tài liệu tại chỗ và sau đó phải mã hóa dữ liệu theo quy định về cơ yếu để đảm bảo thông tin được bí mật./.
Việc tặng quà phải thực hiện đúng chế độ, định mức, tiêu chuẩn, đối tượng theo quy định của pháp luật; cơ quan, đơn vị tặng quà phải hạch toán kế toán và thực hiện công khai trong cơ quan, đơn vị mình theo đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình. Trường hợp không từ chối được thì cơ quan, tổ chức, đơn vị phải tổ chức quản lý, xử lý quà tặng theo quy định.
Người có chức vụ, quyền hạn khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối; trường hợp không từ chối được thì phải báo cáo Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp và nộp lại quà tặng để xử lý theo quy định trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quà tặng…