Chúng ta nhận thức rằng: Bản chất của kinh doanh là tìm kiếm lợi nhuận, mục tiêu tối đa hoá lợi nhuận là hoàn toàn chính đáng. Vấn đề là đừng tìm kiếm lợi nhuận bằng mọi giá, bằng những hành động không phù hợp với chuẩn mực đạo đức, gây ảnh hưởng hoặc phương hại cho người khác, cho cộng đồng, bao gồm cả mặt vật chất và tinh thần.
Ngày nay muốn kinh doanh tốt phải có đạo đức tốt. Doanh nghiệp chỉ có thể tồn tại bền vững và làm ăn phát đạt khi khẳng định được uy tín, thương hiệu dựa trên chất lượng sản phẩm. Hơn nữa, người tiêu dùng đang có xu hướng ngày càng trở thành “người tiêu dùng thông thái”. Nếu như anh làm mất lòng họ, chắc chắn sớm muộn sẽ bị họ tẩy chay. Nếu sai, hãy thành khẩn sửa sai, bởi không thể có chuyện lấy nỗi đau mất mát của người khác để làm công cụ kiếm tiền cho bản thân!
Trước việc Vinaphone dùng clip những trẻ em chết vì sởi ra kinh doanh, nhiều người đều cho rằng việc trục lợi trên nỗi đau của người khác, đặc biệt với trẻ em, là một hành động thiếu sự suy nghĩ, thiếu đi sự kiểm tra, kiểm soát của nhà mạng.
Như chúng ta đã biết, Việt Nam đã ký công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em từ năm 1990, theo đó phải tôn trọng quyền con người, đặc biệt là trẻ em, khi đưa lên phương tiện thông tin đại chúng.
Khi nói kinh doanh có văn hoá (hay văn hoá kinh doanh) là ta đã nói đến một vấn đề cốt lõi, mang tính bản chất của kinh doanh đó là vấn đề đạo đức của người kinh doanh. Nói cách khác kinh doanh có văn hoá là kinh doanh phải có đạo đức.
Ngay trong phần triết lý kinh doanh của mình, nhà mạng Vinaphone đã nhắc đến giá trị nhân văn và đưa ra lời giới thiệu: "Giá trị tốt đẹp nhất VinaPhone hướng tới là phục vụ khách hàng một cách tốt nhất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân viên, mang lại lợi ích cho đối tác, đóng góp vì lợi ích của cộng đồng. Tất cả "Vì con người, hướng tới con người và giữa những con người"".
Đọc lại những dòng triết lý trên, tôi cảm thấy khó hiểu cho hành động lần này của Vinaphone. Mong một lời giải đáp thật thỏa đáng của nhà mạng bởi họ đã đi ngược lại với chính tuyên bố trước đó của họ thì thật là khó hiểu!
Nói về lời giải thích và xin lỗi, Vinaphone cho rằng: Với mục tiêu hỗ trợ và cảnh báo khách hàng về cách phòng chống bệnh sởi, VinaPhone đã đăng các thông tin cập nhật về tác hại, cũng như các hướng dẫn cách phòng chống bệnh sởi trên Cổng dịch vụ video Vclip. Tuy nhiên, do sơ suất trong quá trình soạn tin nhắn quảng bá nên tiêu đề các video clip được trích dẫn không phù hợp gây phản cảm, gây hiểu lầm tới khách hàng. Là một doanh nghiệp viễn thông lớn, chúng tôi luôn nhận thức sâu sắc về trách nhiệm với xã hội, đồng thời luôn cố gắng tối đa chia sẻ và tham gia vào các hoạt động xây dựng cộng đồng.
Nếu nói lỗi do “sơ suất trong quá trình soạn thảo” nghĩa là do nhân viên soạn thảo thì cần chỉ rõ, họ là ai? Nhưng quan trong hơn, những nhân viên này không thể tùy tiện soạn thảo tin nhắn rồi gửi ngay tới khách hàng được.
Hành động lần này của Vinaphone ít nhiều đã ảnh hưởng đến uy tín của Bộ Y tế và các cơ sở khám chữa bệnh. Vì sao lại thế? Bởi nó đã tạo ra một sự hoài nghi rất lớn vào năng lực phòng ngừa, chữa trị bệnh cho người dân. Cũng có ý kiến đánh giá, nhận định khá sâu sắc khi cho rằng, dưới góc độ pháp lý, Bộ Y tế, Bệnh viện Nhi Trung ương có thể khởi kiện VinaPhone vì đã "bôi bác" hình ảnh cơ quan chức năng.
Dịch sởi vẫn còn đang rất “nóng”. Nhưng vụ việc lần này liên quan tới Vinaphone cũng “nóng” không kém. Thiết nghĩ, lúc này Lãnh đạo Vinaphone cần chính thức lên tiếng xin lỗi và có lời giải thích thấu đáo nhất cho dư luận và những khách hàng của Vinaphone.