Chính quyền quận vi phạm Luật Báo chí
Liên quan đến vi phạm của cơ sở Bảo An, Báo PLVN đã liên tiếp phản ánh sự việc qua 02 số báo được đăng tải vào các ngày 12/5/2019 và 9/6/2019 với tiêu đề: “ Nam Từ Liêm - Hà Nội: “Tổ hợp giải trí” Bảo An xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp” và Vi phạm của “Tổ hợp giải trí Bảo An“: Vì sao UBND quận Nam Từ Liêm im lặng?
Thế nhưng, bất chấp mọi nỗ lực trong việc đóng góp ý kiến cho sự phát triển chung của địa phương từ Báo PLVN, chính quyền UBND quận Nam Từ Liêm vẫn “bỏ qua” dư luận và không hề có bất kỳ một thông tin phản hồi lại toà soạn. Trước sự “im lặng” khó hiểu này của UBND quận Nam Từ Liêm, dư luận không khỏi thắc mắc có phải rằng: Chính quyền đang “bảo kê” cho vi phạm? Thậm chí việc không phản hồi, trả lời dù phóng viên đã nhiều lần liên hệ và đặt lịch làm việc.
Việc im lặng này phải chăng UBND quận Nam Từ Liêm đã phớt lờ Luật Báo chí và một số Nghị định của Chính phủ về hoạt động báo chí? Cụ thể, theo quy định tại Điều 39 – Luật Báo chí nếu rõ: “1. Người đứng đầu cơ quan báo chí có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trả lời vấn đề mà công dân nêu ra trên báo chí. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của người đứng đầu cơ quan báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trả lời trên báo chí.
2. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại của tổ chức, công dân và tố cáo của công dân do cơ quan báo chí chuyển đến, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thông báo cho cơ quan báo chí biết biện pháp giải quyết.
Nếu quá thời hạn nêu trên mà không nhận được thông báo của cơ quan, tổ chức thì cơ quan báo chí có quyền chuyển ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo của tổ chức, công dân đến cơ quan cấp cao hơn có thẩm quyền giải quyết hoặc đưa vấn đề đó lên báo chí.
3. Trong thời hạn 10 ngày đối với báo in ra hàng ngày và báo nói, báo hình, báo điện tử, 15 ngày đối với báo tuần, trên số ra gần nhất đối với tạp chí in kể từ khi nhận được văn bản trả lời của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc văn bản trả lời kiến nghị, phê bình của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với vấn đề mà báo chí nêu hoặc tiếp nhận, cơ quan báo chí phải thông báo cho cơ quan, tổ chức, công dân có ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo hoặc đăng, phát trên báo chí của mình.
4. Cơ quan, tổ chức, công dân có quyền yêu cầu cơ quan báo chí trả lời vấn đề mà cơ quan báo chí đã thông tin; cơ quan báo chí có trách nhiệm trả lời trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của cơ quan, tổ chức, công dân”.
Như vậy, với việc phóng viên Báo PLVN đã đến đặt lịch làm, lập phiếu yêu cầu cung cấp thông tin vào ngày 14/5/2019, cùng với 02 bài viết được đăng tải trên báo in ra hàng ngày, báo điện tử vào các ngày 12/5/2019 và 9/6/2019 trên Báo PLVN thì việc UBND quận Nam Từ Liêm không trả lời hoặc phản hồi theo đúng thời gian quy định tại Điều 39 – Luật Báo chí 2016 là vi phạm quy định của luật này.
Không chỉ chính quyền UBND quận Nam Từ Liêm vi phạm quy định tại Luật Báo chí, mà còn vi phạm quy định tại Nghị định số 09/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ. Theo Điều 6 của Nghị định này, thì: “Người phát ngôn hoặc người được ủy quyền phát ngôn có trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho báo chí…”. Tuy nhiên, việc chính quyền UBND quận này chậm trễ trả lời đã đi ngược lại với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và quy định tại Nghị định trên.
Thông báo tiếp nhận thông tin báo chí của UBND quận Nam Từ Liêm chỉ mang tính chất hình thức? |
Dân sai, chính quyền cũng sai
Như đã phản ánh ở các số báo trước, cơ sở Bảo An lại được xây dựng hoàn toàn trên đất nông nghiệp và đất nghĩa trang. Chủ cơ sở hiện tại là bà Nguyễn Thị Ngọc Anh. Qua hồ sơ, tài liệu phóng viên có được, khu đất dùng để xây dựng cơ sở Bảo An thuộc 2 thửa đất số 377 với diện tích 766m2 và thửa đất số 342 với diện tích 495m2 thuộc tờ bản đồ số 03. Thửa đất số 377 là đất công ích do UBND phường Đại Mỗ quản lý sử dụng vào mục đích đất nghĩa trang, còn thửa đất số 342 là đất trồng lúa do ông Nguyễn Xuân Khởi là chủ sử dụng.
Mặc dù không được phép, thế nhưng chủ cơ sở Bảo An đã cố tình tiến hành xây dựng nhà kiên cố vào năm 2009. Ngôi nhà này hiện nay được cải tạo để làm các phòng hát karaoke. Phần đất còn lại chủ cơ sở dựng khung sắt mái tôn để làm khu vực ăn uống và massage.
Việc vi phạm trật tự xây dựng, tự ý chuyển đổi mục đích đất khi chưa được cấp phép, cùng với hành vi lấn chiếm đất công của chủ cơ sở Bảo An đã quá rõ ràng. Đại diện chính quyền UBND phường Đại Mỗ trong lần trả lời Báo PLVN cũng đã xác nhận các vi phạm của cơ sở này. Tuy nhiên, do thẩm quyền cấp phường chỉ có giới hạn trong việc xử lý vi phạm, nên để giải quyết dứt điểm vấn đề này là phải do UBND cấp quận.
Thế nhưng, việc xử lý vi phạm của chính quyền quận Nam Từ Liêm dường như đi vào bế tắc. Thậm chí, kể cả khi có chỉ đạo xử lý vi phạm của Phó Chủ tịch UBND quận này là ông Trần Thanh Long từ 21/8/2018, nhưng đến nay cơ sở này vẫn chưa bị xử lý.
Theo thông báo xử lý vi phạm của Phó Chủ tịch quận, lãnh đạo UBND quận giao Phòng Tài chính - Kế hoạch tham mưu cho UBND quận ban hành quyết định xử phạt hộ kinh doanh Nguyễn Thị Ngọc Anh (cơ sở Bảo An) do kinh doanh sai địa điểm ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Yêu cầu hộ kinh doanh thực hiện kinh doanh đúng địa điểm đã ghi trong giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
Trong thời gian 15 ngày kể từ ngày ban hành văn bản yêu cầu, nếu hộ kinh doanh không chấp hành, sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định, đồng thời hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động kinh doanh tại địa điểm trong thời gian di chuyển.
Tuy nhiên, chỉ đạo tưởng rằng quyết liệt là vậy, nhưng đến tại thời điểm hiện tại, cơ sở Bảo An vẫn “ung dung” hoạt động với những sai phạm như đã phân tích. Việc lãnh đạo UBND quận Nam Từ Liêm ban hành văn bản yêu cầu xử lý vi phạm của cơ sở này phải chăng chỉ mang tính hình thức mà không kiên quyết thực hiện thậm chí dung túng cho sai phạm?
Trên phương diện khác, việc cấp giấy phép hoạt động kinh doanh Karaoke cho cơ sở Bảo An phải chăng đã được “phù phép” nên việc xử lý vi phạm càng khó? Cụ thể, theo Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh số 01K8016264 cấp cho hộ kinh doanh Nguyễn Thị Ngọc Anh – cơ sở Bảo An, địa điểm kinh doanh của cơ sở này phải là tại nhà bà Nguyễn Thị Thanh Huyền trên thửa đất số 125, tờ bản đồ số 4. Thế nhưng cơ sở này thực tế lại hoạt động kinh doanh karaoke tại 02 thửa đất số 377 với diện tích 766m2 và thửa đất số 342 với diện tích 495m2 ; thuộc tờ bản đồ số 03 là đất được sử dụng làm đất nghĩa trang và trồng lúa. Còn địa chỉ đăng ký theo giấy phép chỉ là “ảo” trên giấy tờ hồ sơ.
Việc các cơ quan, phòng ban của UBND quận Nam Từ Liêm cấp Giấy phép kinh doanh karaoke số 20/2016/GP-UB-K cấp cho cơ sở này phải chăng không kiểm tra, đối chiếu hồ sơ một cách khách quan, đúng quy định dẫn đến việc cấp phép một nơi, kinh doanh lại một nơi khiến cho sự việc càng phức tạp?
Trước vấn đề trên, Báo PLVN đề nghị UBND TP Hà Nội, UBND quận Nam Từ Liêm sớm có thông tin trả lời nội dung Báo phản ánh và phương án xử lý vi phạm của cơ sở Bảo An tại phường Đại Mỗ một cách triệt để nhằm tránh bức xúc trong dư luận!