Rầu lòng “mong sự chấp thuận”…
Tại TP HCM, ngày 11/5, trên diễn đàn về giáo dục lan truyền một lá đơn có tựa đề “Đơn xin không tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024 - 2025”, được cho là xuất phát từ một trường THCS ở huyện Hóc Môn, TP HCM. Người đăng bài cho biết mẫu đơn được giáo viên chủ nhiệm lớp 9 phát cho học sinh có học lực không tốt, yêu cầu đưa phụ huynh ký, cam kết không khiếu nại về sau.
Lá đơn ghi rõ: “Căn cứ vào kết quả học tập năm học vừa qua và năng lực nhận thức của cháu không tốt, gia đình nhận thấy khả năng của cháu khó có thể theo học chương trình trung học phổ thông - hệ công lập. Nay gia đình làm đơn này xin ban giám hiệu nhà trường cho phép cháu (tên học sinh) không tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Sở GD&ĐT TP HCM, khóa ngày 6/6/2024”. Kèm theo lời hứa: “Gia đình tôi sẽ không khiếu nại mọi vấn đề sau, mong sự chấp thuận của nhà trường”.
Trước đó, một số phụ huynh ở Trường THCS Tiến Thiết và Nghi Quang (huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) phản ánh, hơn một tuần qua con của họ không được đi ôn thi lên lớp 10. Lý do, nhà trường vừa tổ chức 2 đợt khảo sát môn Toán, Văn, Ngoại ngữ. Những em nào đợt 1 tổng 3 môn 15 điểm; đợt 2 tổng 12 điểm mới được ôn thi lên lớp 10. Những em dưới mức điểm trên được hướng dẫn nộp hồ sơ trường tư hoặc dạy nghề. Phụ huynh của những học sinh không được đi ôn thi đã đến trường xin cho con đi ôn nhưng đều bị từ chối.
Cũng mới đây, độc giả phản ánh, một số học sinh lớp 9 tại Trường THCS An Thượng (huyện Hoài Đức, Hà Nội) được nhà trường yêu cầu viết đơn theo mẫu về việc xin không tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập. Lý do được đưa ra là sức học của các học sinh này không được tốt. Cùng thời điểm này trong 2 năm liên tiếp 2022, 2023, tại Hà Nội cũng xôn xao hiện tượng giáo viên định hướng cho một số học sinh lớp 9 có kết quả học tập chưa cao không đăng ký dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập.
Bên cạnh đó, cộng đồng mạng xôn xao trước đoạn clip dài hơn 5 phút ghi lại khung cảnh một buổi họp phụ huynh. Đang trong buổi họp, một vị phụ huynh liền đứng lên đưa ý kiến về định hướng vào cấp 3 hay học trường nghề của các con. Thông tin về trường hiện chưa được tiết lộ, nhưng thông qua những chia sẻ của ông bố trên, họ đang tham gia buổi gặp mặt phụ huynh có con học lớp 9, chuẩn bị thi vào lớp 10. Vị phụ huynh này cho rằng, việc nhà trường thường xuyên khuyến khích học sinh theo học trường nghề, dù chưa thi cấp 3 khiến nhiều học sinh “bỏ cuộc” trong cuộc đua vào 10. Với tư cách là cha mẹ, họ không hề muốn như vậy.
Phụ huynh nhấn mạnh, mình cũng đóng học phí như bao người khác, nên mong muốn các con cố gắng hết sức để thi vào cấp ba một cách bình thường như bao người. “Cứ để các cháu thi xong đã, không có vội vã gì. Nếu các cháu không thi được thì dứt khoát sẽ chuyển sang trường nghề”, vị này nêu quan điểm.
Hình ảnh của vị phụ huynh này được lan truyền trên mạng xã hội, có hơn 2 triệu lượt người xem cùng với những lời bình luận rằng phụ huynh dũng cảm.
Mẫu đơn không thi vào lớp 10 gây xôn xao dư luận. (Ảnh: MXH) |
Thực tế, với các phụ huynh lớp 9, thời điểm từ học kỳ 2 trở đi sẽ là thời gian phụ huynh “nóng” lên cùng với kỳ thi sắp tới của con, khi giáo viên chủ nhiệm căng thẳng hơn cả thí sinh. Theo nhiều phụ huynh đã từng có con qua giai đoạn này đều được giáo viên chủ nhiệm lo lắng, tư vấn. Với bạn nào có sức học không tốt, cô chê trách học lực của con, khẳng định con sẽ trượt 100%, không có khả năng đỗ công lập. Không chỉ dừng lại ở tư vấn, một số giáo viên còn nặng lời với phụ huynh rằng con họ dốt, mà cứ cố tình không chấp nhận sự thật. Mặc dù theo phụ huynh này, các con chỉ chọn những nguyện vọng mà năm ngoái lấy điểm đầu vào rất thấp.
Trên các diễn đàn, các nhóm giáo dục, không ít phụ huynh cho biết, con họ có kết quả thi học kỳ không cao nhưng vẫn đỗ vào các trường công lập. Chưa kể, hiện phụ huynh có nhiều lựa chọn cho con sau khi biết kết quả thi nên các thầy cô không nhất thiết phải định hướng học sinh không nên thi từ trước…
Vì đâu nên nỗi?
Sở dĩ, giáo viên chủ nhiệm luôn có áp lực rất lớn về thành tích của trường, của lớp. Nếu năm lớp 9, lớp có học sinh không đỗ lớp 10 công lập đồng nghĩa với năm đó giáo viên, nhà trường bị mất thành tích, vì không đỗ 100% học sinh! Bởi thế, không chỉ với học sinh học kém, những em khá giỏi, giáo viên cũng thường xuyên hạ các em xuống một bậc để không thi vào những trường tốp đầu bởi không an toàn, dễ trượt. Chị Mai Lan (Hà Nội) kể, năm đó, con chị đăng ký thi vào trường tốp đầu của thành phố, cô chủ nhiệm liền gọi điện và nói sức con chỉ vào trường trung bình của quận. Cô nói như chị là “trèo cao”, không biết lượng sức con mình… Nhưng thực tế năm đó, con chị đã đỗ trường tốp đầu và thừa 5 điểm vào trường…
Một cư dân mạng chia sẻ: “Em trai tôi năm đó định đăng ký thi vào 10 một trường công lập khá tốt ở Hà Nội, điểm chuẩn khá cao. Nhưng cô chủ nhiệm nghĩ em tôi sẽ không thi được vì em học không có gì xuất sắc. Và khuyên em tôi thi một trường khác thấp điểm hơn nhiều, thấp nhất khu vực tôi sống, tất nhiên chất lượng giáo dục kém hơn. Nghe theo lời cô giáo, kết quả thi, em tôi đủ điểm để trúng tuyển trường công lập chất lượng tốt kia nhưng vẫn phải học trường thấp nhất khu vực. Bao giờ mới có một giáo viên tâm huyết động viên các con vượt khó trong học tập, thay vì bảo các em lùi bước”?
Kỹ sư Khánh Trung (TP HCM) cho biết: “Năm trước, con tôi chuẩn bị thi vào lớp 10, thì bỗng đâu áp lực cực lớn ngày càng gia tăng đè nặng lên cả gia đình. Áp lực không đến từ bài vở, kiến thức, không phải từ chuyện “một chọi mấy” trong tuyển sinh, mà từ giáo viên chủ nhiệm. Giáo viên thường áp dụng cùng lúc các biện pháp như sau: với học sinh khá, thay vì hướng cho các em đăng ký nguyện vọng 1 là các trường ưa thích, có khả năng thi đậu, nguyện vọng 2 và 3 kém hơn một chút... thì giáo viên yêu cầu đăng ký cả ba nguyện vọng là các trường thuộc hàng trung bình và yếu, nhằm bảo đảm 100% đậu vào công lập.
Con trai tôi ngay khi đăng ký “nháp” đã bị cô giáo trả về và yêu cầu phải theo sự “tư vấn” của cô, chọn các trường gần như... cứ thi là đậu. Khi phụ huynh chúng tôi làm căng, gặp hiệu trưởng và yêu cầu chấm dứt các hành vi đe dọa, gây áp lực cho học sinh trước ngày thi, hiệu trưởng chỉ xuê xoa, rằng đây là ý tốt của giáo viên và nhà trường, mọi sự chỉ là hiểu lầm. Và tiếp tục thuyết phục phụ huynh nên nghe theo tư vấn của giáo viên, vì giáo viên có nhiều kinh nghiệm hơn hẳn. Con tôi cùng khá nhiều bạn trong lớp, cuối cùng đã đỗ nguyện vọng 1 vào các trường có điểm chuẩn cao của thành phố”.
Với học sinh học lực trung bình, khuynh hướng chung của các trường là không muốn cho các em này tham gia kỳ thi tuyển lớp 10 do khả năng đậu không cao. Nhóm này chịu nhiều áp lực nhất: nhẹ nhàng là “động viên” nghỉ học, đi học nghề hay xin học tư thục; gắt hơn là đem chuyện “xét tốt nghiệp THCS” ra làm điều kiện thỏa thuận; cuối cùng là buộc phụ huynh phải viết “đơn xin tự nguyện không thi lớp 10”. Khi ồn ào, các sở giáo dục, các hiệu trưởng sẽ luôn khẳng định: Giáo viên và nhà trường chỉ tư vấn, học sinh và phụ huynh mới có quyền quyết định... Nhưng thực tế, áp lực đổ xuống đầu học sinh và gia đình và rất có thể làm mất đi những cơ hội phù hợp với lựa chọn của các em…”.
Từ góc nhìn trong cuộc, thầy Nguyễn Văn Lực, nguyên giáo viên Trường THCS Trịnh Phong, Khánh Hòa đã có những chia sẻ xoay quanh câu chuyện này: “Là một giáo viên trải qua 38 năm đứng trên bục giảng cấp THCS, tôi thấy buồn khi ngành Giáo dục chúng ta mãi loay hoay về việc thi cử hàng năm, nhất là kỳ thi tuyển vào lớp 10 công lập - cuộc “chạy đua” đầy áp lực đã dẫn đến việc làm đối phó của thầy cô với cấp trên.
Theo Thông tư số 03/VBHN-BGDĐT ngày 3/5/2019 ban hành quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT, đối tượng tuyển sinh THPT là người học đã tốt nghiệp trung học cơ sở… Như vậy, về mặt pháp lý học sinh tốt nghiệp THCS được quyền tham gia tuyển sinh vào lớp 10 THPT mà không ai được quyền tước đoạt dưới bất kỳ hình thức nào.
Nguyên nhân vì đâu mà giáo viên chủ nhiệm lại yêu cầu học sinh viết vào lá đơn “in sẵn”? Là vì chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10, là tiêu chí xếp loại thi đua trường học và đánh giá giáo viên lớp 9 dạy các môn thi tuyển vào lớp 10 (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ).
Thậm chí, nhiều trường sau khi có kết quả tuyển sinh, hiệu trưởng còn yêu cầu giáo viên giải trình vì sao chất lượng môn thi thấp, kết quả dưới mặt bằng chung của huyện. Cũng không trách hiệu trưởng vì hiệu trưởng cũng bị cấp trên xem xét trách nhiệm nếu tỉ lệ học sinh trường mình đỗ vào lớp 10 công lập thấp.
Và vào đầu mỗi năm học, tất cả các trường đều tiến hành Hội nghị viên chức, thông qua các số liệu: tỉ lệ lên lớp thẳng; tỉ lệ học sinh giỏi; tỉ lệ tốt nghiệp THCS; tỉ lệ vào lớp 10 công lập… và như vậy thầy cô phải thực hiện để xem xét thi đua vào cuối năm học. Đây thật sự là áp lực mà thầy cô ai cũng than thở và âm thầm tìm cách hoàn thành nếu không muốn xếp loại “không hoàn thành tốt nhiệm vụ”. “Bệnh thành tích” trở thành căn bệnh khó chữa lành nếu không có biện pháp và quyết tâm thực hiện “dạy thật, học thật, thi thật” như Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đối với ngành Giáo dục”.
Đành rằng, trước những ồn ào, các địa phương đều có văn bản chỉ đạo chấn chỉnh. Song dường như đó chỉ là những vấn đề đang được giải quyết từ ngọn. Làm sao để hình ảnh thầy cô là những điều đọng lại với học sinh, phụ huynh khi đã rời xa mái trường cấp hai, chứ không phải những áp lực không đáng có…