Vị cứu tinh của bệnh nhân xương khớp

(PLO) - Không chỉ ở bệnh viện Thể thao VN, bệnh nhân nhiều nơi coi bác sỹ Thuận như vị cứu tinh của mình. 
Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì người bệnh…
Đã ngoại tứ tuần nhưng BS Phạm Quang Thuận, Bệnh viện – BV Thể thao Việt Nam - có vẻ ngoài trẻ hơn rất nhiều so với tuổi thật của mình. Có lẽ sự tự tin, năng động của một BS chuyên ngành thể thao đã giúp anh có được điều đó. 
Với trình độ, bằng cấp của mình (TS y học chuyên ngành cơ xương khớp được đào tạo ở nước ngoài), không quá khó khăn để có thể xin vào làm việc tại một BV sáng giá nào đó, nhưng với một lý do rất bình dị (bố làm việc trong lĩnh vực thể thao), Thuận đã quyết định “đầu quân” vào BV Thể Thao Việt Nam (tiền thân là Trung tâm Y học Thể thao – Viện Khoa học Thể dục Thể thao) – một cơ sở y tế không mấy nổi tiếng ở Thủ đô. 
Ngày mới bước chân vào BV, nhìn tòa nhà nhỏ bé, hiu hắt nằm giữa một cánh đồng rộng lớn, cơ sở vật chất thì thiếu thốn, lạc hậu, cán bộ y tế năng lực hạn chế…, Thuận cũng nản lắm. Nhưng để chứng minh rằng “sự lựa chọn của mình là đúng”, anh chỉ còn cách bỏ qua mọi thứ, lao mình vào hoạt động chuyên môn. 
BS Thuận đang chăm sóc cho bệnh nhân
 BS Thuận đang chăm sóc cho bệnh nhân
Với thế mạnh của một BS chuyên về cơ xương khớp và với đặc thù ngành thể thao (điều trị các bệnh lý cơ xương khớp là chính), Thuận đã không ngại ngần đề xuất lãnh đạo BV cho thành lập Khoa Cơ xương khớp. Nhưng với những hạn chế, khó khăn về kinh phí và cơ sở vật chất, Ban lãnh đạo BV chỉ có thể quyết định ghép hai khoa Nội – cơ xương khớp vào làm một. 
Khó khăn là vậy nhưng “cái khó ló cái khôn”, với sức trẻ và sự gan góc, bền bỉ của một thanh niên trẻ đã từng được “tôi luyện” ở núi rừng Tây Bắc (gia đình BS Thuận đã từng sống ở tỉnh miền núi Lai Châu), Phạm Quang Thuận đã bắt tay vào công cuộc kiến tạo chuyên khoa mà mình rất tâm huyết. Tuy là Trưởng Khoa nhưng vì nhân lực thiếu thốn (chỉ có 3 BS thì một là trưởng, một là phó và một chuyên phải đi phục vụ các giải đấu thể thao) nên BS Thuận gần như phải kiêm tất công việc trong Khoa, từ tư vấn, thăm khám, đến chăm sóc, điều trị, cấp phát thuốc cho bệnh nhân. 
Nhưng cũng chính vì thế, anh có nhiều dịp gần gũi, chia sẻ với bệnh nhân, hiểu được bệnh cảnh của từng người để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Và cứ thế, vừa làm vừa mày mò, học hỏi, không chỉ áp dụng nhuần nhuyễn các thủ thuật thông thường như chọc hút dịch khớp gối, tiêm tại chỗ khớp…, BS Thuận còn đưa nhiều kỹ thuật khó, phức tạp (tiêm cạnh sống, tiêm ngoài màng cứng đối với thoát vị đĩa đệm…) trở thành kỹ thuật thường quy tại BV. Ngoài ra, anh cũng đã sáng tạo và đưa vào thử nghiệm có hiệu quả thủ thuật hàn gân gấp sâu để điều trị hội chứng ngón tay lò xo cho rất nhiều bệnh nhân đạt hiệu quả rất cao. Đây là một chứng bệnh rất hay gặp ở đồng bào miền Bắc, biểu hiện bệnh là ngón tay cái và ngón trỏ cứ co quắp lại, không cử động được (còn gọi là bệnh “ngón tay cò súng”). 
Thực tế, BS Thuận cho biết, đề tài này BV Việt Đức đã từng triển khai nhưng họ chỉ tận dụng mặt sắc của dao lấy thuốc thể tiến hành thủ thuật, còn anh sử dụng lưỡi dao chuyên dụng để làm việc này. Phương pháp này không những an toàn cho người bệnh, mà hiệu quả điều trị cũng rất cao…
Kết quả điều trị… ngoài tưởng tượng!
Bên cạnh các kỹ thuật cơ xương khớp phổ biến, BS Thuận và các đồng nghiệp của mình mở rộng sang việc điều trị các bệnh lý liên quan xương khớp, nhất là các bệnh lý mà người dân hay gặp phải như khớp vai, thoái hóa khớp gối… Anh cũng mong muốn BV sẽ mở rộng thêm hệ thống buồng bệnh, bổ sung, đầu tư trang thiết bị hiện đại để có thể triển khai các kỹ thuật khó như kỹ thuật lấy máu tự thân để điều trị bệnh xương khớp, huyết tương giàu tiểu cầu, thuốc và các chế phẩm sinh học điều trị các bệnh lý xương khớp… 
Điều đáng quý ở anh là mong phát triển các kỹ thuật cao nhất trong BV nhưng lại muốn người bệnh được hưởng dịch vụ với giá càng thấp càng tốt, và bảo hiểm y tế sẽ chi trả cho các kỹ thuật này là khát khao mà anh hướng tới. 
Từ lúc chỉ có một vài bệnh nhân, lượng người đến khám và điều trị tại BV Thể thao cứ thế đông dần lên. Người nọ giới thiệu người kia, người ta truyền tai nhau ở đây có một BS không chỉ giỏi về điều trị mà còn rất tận tình với bệnh nhân. Nghe thì chắc chẳng mấy ai tin nhưng đến tận nơi rồi, được gặp anh, chia sẻ với các bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, tôi mới biết mình đã không gặp nhầm người.
Khi tôi hỏi về BS Thuận, bác Trần Thị Chắt (68 tuổi) ở Giao Tân, Giao Thủy, Nam Định đang nằm điều trị ở phòng 301, Khoa Nội – Cơ xương khớp, BV Thể thao hồ hởi cho biết, bác bị đau, tê nhức gan bàn chân từ những năm 67-68, uống thuốc đủ loại, điều trị rất nhiều nơi rồi mà không đỡ. Gần đây nhất, do chân tê nhức và sưng u lên không đi lại được nên bác đã đến BV huyện nhà khám và điều trị. Các BS chẩn đoán bác bị viêm đa khớp dạng thấp và kê thuốc cho bác uống. Nhưng không những không khỏi, hai bàn chân của bác còn sưng to hơn và vô cùng đau đớn. Cũng may bác được con gái đưa lên Hà Nội vào đây khám.
BS Thuận như một người thân trong gia đình của bệnh nhân
 BS Thuận  như một người thân trong gia đình của bệnh nhân
“Tôi bị đau thắt lưng và tê liệt chân trái đã nhiều năm, chưa nhiều nơi mà không có kết quả. May có người mách nên tôi tức tốc ra đây điều trị. BS Thuận chỉ tiêm cho tôi mấy lần mà chân tôi đỡ sưng hẳn, cảm giác không còn đau nhức nữa, phấn khởi quá cô ạ! BS Thuận thì như một người thân trong gia đình, đến khám bệnh, nắm chân, nắm tay tôi hỏi han thân thiết lắm!”.
“Thực sự là tôi không nghĩ lại có một BV như thế. Từ lãnh đạo đến nhân viên đều niềm nở  và chăm sóc bệnh nhân rất tận tình, đặc biệt là BS Thuận. BS khám cho tôi rất kỹ, lay người tôi từ đầu đến chân rồi hỏi han tỷ mỷ. Sau 3 ngày tiêm truyền, đổi thuốc kịp thời, người tôi đỡ đau nhức, da dẻ hồng hào như thế này đó” – bác Trần Thu Hoa (55 tuổi), ở TP. Đông Hà, Quảng Trị nằm cùng phòng bệnh với bác Chắt cũng hớn hở khoe. 
Cùng chung hoàn cảnh với hai bệnh nhân trên, đã có thời gian bác Hoàng Thị Gái (68 tuổi) ở Yên Xá, Tân Triều,Thanh Trì tỏ ra rất bi quan và chán nản về bệnh tình của mình. Bác bị tràn dịch khớp gối đã mấy năm nay. Đi rất nhiều BV, qua tay không ít BS rồi nhưng vẫn không giải quyết được bệnh. Như một phép màu, bác được giới thiệu đến gặp BS Thuận ở BV Thể thao. “Giờ bệnh của tôi 10 phần thì đã khỏi được 8 phần rồi. Tất cả cũng là nhờ vào sự nhiệt tình và “bàn tay vàng” của BS Thuận. Ai cũng được như BS Thuận thì quý hóa quá!” – bác Chắt tấm tắc.
“Chị chưa thấy một BV nào như thế, cũng như chưa gặp một BS nào vừa giỏi, vừa tận tình lại tốt với bệnh nhân như thế!” – chị Nguyễn Thúy Nga, ở Phủ Lý, Hà Nam cũng góp lời. Rồi chị kể, chị bị thoái hóa đĩa đệm, phồng hai đốt sống nên chèn vào dây thần kinh gây đau đớn rất khó chịu, thậm chí tê bại cả hai chân không đi được. Không một BV chuyên khoa nào ở Hà Nội mà chị chưa đặt chân tới, nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Bỗng dưng có người mách BS Thuận BV Thể thao chữa xương khớp giỏi lắm nên chị đã tìm đến đây. Vòng vo mãi rồi anh xe ôm cũng chở chị đến cổng BV. Nhìn tòa nhà cũ kỹ nằm ở một góc khuất xa tít tắp của thành phố, chị không khỏi thất vọng. Nhưng khi gặp BS Thuận, được anh khám và điều trị chị mới tin rằng những lời đồn đại không hề sai.
9 ngày điều trị tại BV, chị Nga đã đi lại được, cảm giác tê liệt, đau đớn cũng dần biến mất. “Đến giờ tôi cũng không dám tin vào sự thật này, thật là kỳ diệu…”, chị mừng rỡ chia sẻ. Điều khiến chị thấy lạ hơn nữa là: “Khi gặp BS Thuận, anh ấy chỉ hỏi qua loa về bệnh tình của tôi rồi gọi y tá đến tiêm cho tôi mà không cần làm bất cứ xét nghiệm nào, hay hỏi han đã đóng tiền khám và làm thủ tục nhập viện chưa..., thậm chí anh ấy còn thường xuyên đến thăm khám, hỏi han và động viên mọi người tích cực điều trị. Điều này không bao giờ có ở các BV khác!” – chị khẳng định .
Kết ngắn
Cả buổi chiều ở Khoa Nội – Cơ xương khớp, BV Thể thao Việt Nam thì có đến nửa già thời gian tôi gặp gỡ, tiếp xúc với bệnh nhân. Và câu chuyện của họ cứ nối tiếp mãi khiến tôi không thể dứt ra nổi. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi giữa bộn bề cuộc sống này, khó có vị BS nào vừa giỏi giang, lại vừa tận tụy và hết lòng vì người bệnh đến vậy, cũng chưa có thầy thuốc nào dành được nhiều tình cảm của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân như thế. Mong rằng, hình ảnh của BS Thuận sẽ còn mãi trong lòng mỗi bệnh nhân./.

Tin cùng chuyên mục

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm lây lan qua đường hô hấp, đã từng xảy ra những đợt dịch lớn; hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Thủ tướng chỉ đạo tăng cường công tác phòng bệnh sởi

(PLVN) - Trong những tháng gần đây, bệnh sởi có xu hướng gia tăng tại một số địa phương. Để chủ động kiểm soát, ngăn ngừa, không để bệnh sởi lây lan, bùng phát trên diện rộng, ngày 14/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành công điện yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi.

Đọc thêm

Kiểm soát chặt chẽ chất lượng bữa ăn học đường

Cần sự phối hợp từ phía nhà trường, gia đình và cả xã hội trong việc đảm bảo chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh. (Ảnh minh họa: SKĐS)
(PLVN) -  Thời gian qua, vấn đề chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh đã trở thành mối lo ngại ở nhiều trường học tại các thành phố lớn, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh. Điều này khiến phụ huynh vô cùng bất an và để lại hệ lụy không nhỏ cho sức khỏe của học sinh.

Tăng thuế thuốc lá để giảm thiệt hại 108.000 tỷ đồng mỗi năm

Bà Phan Thị Hải- Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá phát biểu tại hội thảo (Ảnh: BTC)

(PLVN) - Theo ThS Phan Thị Hải - Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá Việt Nam, mỗi năm thuốc lá gây tổn thất khoảng 108.000 tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh. Việc tăng thuế sẽ làm giảm đáng kể việc tiếp cận thuốc lá, cũng làm giảm tỷ lệ tử vong và tổn thất sức khỏe...

Mắc uốn ván từ khoang miệng

Bệnh nhân mắc uốn ván từ khoang miệng. Ảnh: Thanh Thanh
(PLVN) - 10 ngày trước khi phát bệnh, bệnh nhân L.V.S (nam, 40 tuổi ở Hải Dương) bắt đầu có triệu chứng đau họng nhưng không sốt. Sau 6 ngày dùng thuốc bệnh nhân bắt đầu khó há miệng, khó nói và ăn uống kém. Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán ông S. mắc uốn ván.

Suy hô hấp cấp vì mắc sởi

Sau 4 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã tỉnh táo, giảm sốt, mức độ tiêu chảy giảm nhiều. Ảnh: Thanh Thanh
(PLVN) - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam, 56 tuổi ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh nhập viện trong tình trạng khó thở, sốt cao, phát ban ở vùng đầu, mặt và cổ sau chuyển biến suy hô hấp cấp.

Quan tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh

TP Cần Thơ đẩy mạnh quan tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh trên địa bàn. (Nguồn: Sở GD&ĐT TP Cần Thơ)
(PLVN) -  Việc hầu hết các em học sinh (HS) khi gặp vấn đề tâm lý không biết phải gặp ai, làm gì để giúp các em vượt qua là phản ánh rõ nét cho thấy công tác chăm sóc sức khỏe tinh thần tại Việt Nam hiện vẫn còn nhiều khoảng trống.

Cứu cô gái 26 tuổi viêm cơ tim biến chứng nguy kịch

Cứu cô gái 26 tuổi viêm cơ tim biến chứng nguy kịch
(PLVN) - Các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ (BVĐKTƯ CT) mới cứu sống bệnh nhân 26 tuổi bị viêm cơ tim biến chứng choáng tim – suy đa cơ quan bằng kỹ thuật ECMO (trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể - PV).

Thận trọng khi ăn hạt sen

Hạt sen bổ nhưng một số người nên thận trọng khi ăn (Ảnh: Internet)

(PLVN) - Hạt sen là một loại nguyên liệu được yêu thích trong ẩm thực Việt Nam bởi hương vị thơm ngon và giá trị dinh dưỡng cao. Tuy nhiên, một số người thận trọng khi ăn hạt sen - cần hạn chế hoặc không ăn loại hạt này để tránh những vấn đề sức khỏe không mong muốn.

Để tai nạn thương tích không còn là gánh nặng

Trẻ em - đối tượng rất dễ bị tai nạn thương tích. (Ảnh: BV Sản Nhi tỉnh Phú Thọ)
(PLVN) - Tai nạn thương tích là một vấn đề y tế công cộng nghiêm trọng có ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người dân trên toàn thế giới, đặc biệt tại các nước đang phát triển. Tại Việt Nam, số liệu thống kê từ các cơ sở y tế cho thấy, trung bình mỗi năm có khoảng hơn 1,1 triệu trường hợp bị tai nạn thương tích đến khám và điều trị tại cơ sở y tế.