Sâu hơn 4.200 m dưới bề mặt Nam Thái Bình Dương, một tàu thăm dò điều khiển từ xa đã tìm thấy xác tàu sân bay USS Wasp (CV-7) đã bị Nhật đánh chìm vào năm 1942, CNN cho biết. Thông tin được công bố một tháng sau khi tàu nghiên cứu Petrel được tài trợ bởi Paul Allen, đồng sáng lập tập đoàn Microsoft đã phát hiện xác tàu USS Hornet bị chìm trong Thế chiến II, cách đó không xa, ngoài khơi quần đảo Solomon.
Những năm gần đây tàu Petrel đã phát hiện hàng chục xác tàu đắm treo cờ Mỹ, Anh, Nhật Bản và Italy. Tàu Petrel neo trên mặt nước, một đội nghiên cứu gồm 10 người đã vạch ra những điểm cuối cùng mà các con tàu được nhìn thấy và đưa robot xuống đáy đại dương để tìm kiếm.
Hải quân Mỹ có chính sách không trục vợt xác tàu đắm, vì chúng là ngôi mộ chung của các thủy thủ thiệt mạng. Xác tàu USS Wasp vẫn ở lại trong lòng đại dương, nhưng việc khám phá ra xác tàu đem lại sức sống mới cho câu chuyện anh hùng của một thời đã qua.
Trong gần một thế kỷ rưỡi, người Anh kiểm soát đảo Malta, phía nam Italy. Họ sử dụng cảng này để neo đậu tàu chiến và triển khai sức mạnh của Hải quân Hoàng gia Anh trên khắp Địa Trung Hải. Trong Thế chiến II, máy bay chiến đấu Đức quốc xã và Đế quốc Ý thống trị bầu trời tấn công dữ dội vào hòn đảo.
Thủ tướng Anh Winston Churchill đã quyết tâm cứu lấy pháo đài quý giá này và yêu cầu sự trợ giúp của Mỹ. Tháng 4/1942, USS Wasp, còn gọi là "ong vò vẽ", đến mang theo hàng chục máy bay chiến đấu rất cần thiết cho phe Đồng minh đang bị bao vây ở Malta.
Tuy nhiên, dưới sức mạnh tấn công dữ dội của phe Trục, USS Wasp buộc phải rút lui an toàn đến cảng Gibraltar vì nhiều máy bay nó mang theo đã bị phá hủy trong chiến đấu. Trong quyết tâm giữ bằng được Malta, Thủ tướng Churchill đã hỏi Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt rằng USS Wasp có thể cung cấp một “cú đốt” khác hay không, Tổng thống Roosevelt đã nhận lời.
USS Wasp lên đường với một tàu chiến của Anh và hàng chục máy bay chiến đấu khác. Tháng 5/1942, USS Wasp trở lại Malta và giúp phe Đồng minh đảo ngược thế cờ. Lúc đó, Thủ tướng Churchill đã viết : “Ai bảo con ong vò vẽ không thể đốt 2 lần”.
Dù chiến thắng vang dội ở Malta nhưng thời gian chiến đấu của USS Wasp không kéo dài và số phận của nó sớm được định đoạt vài tháng sau đó. Sau trận hải chiến Midway với hải quân Đế quốc Nhật Bản, Mỹ cần thêm sự trợ giúp ở Mặt trận Thái Bình Dương, khi phe Đồng minh đang chiến đấu để đánh bật lực lượng Nhật Bản ra khỏi chuỗi đảo thứ 2.
Phần còn lại của máy bay chiến đấu Avenger trên tàu USS Wasp nhìn từ camera của tàu thăm dò. |
USS Wasp được lệnh hộ tống một đội tàu vận tải mang quân tiếp viện đến chiến đấu ở Guadalcanal. Ngày 15/9/1942, đội hộ tống lọt vào tầm ngắm của một tàu ngầm Nhật Bản. Một loạt ngư lôi được phóng ra từ tàu ngầm Nhật Bản vào USS Wasp và 2 tàu chiến khác.
USS Wasp bốc cháy dữ dội và chìm xuống biển không lâu sau đó. Thủy thủ đoàn 2.000 người nhanh chóng sơ tán khỏi tàu, nhưng 176 người kém may mắn đã chìm cùng với con tàu.
“USS Wasp đại diện cho Hải quân Mỹ ở xuất phát điểm rất thấp khi Thế chiến II xảy ra. Các phi công và máy bay với lòng dũng cảm và sự hy sinh khi chiến đấu chống lại Đế quốc Nhật Bản có máy bay siêu hạng và ngư lôi tốt hơn”, Samuel Cox, chuẩn đô đốc nghỉ hưu, người lãnh đạo Bộ Tư lệnh Di sản và Lịch sử Hải quân Mỹ cho biết trong một tuyên bố.
Con tàu USS Wasp trong Thế chiến II đã chìm nhưng cái tên USS Wasp và tinh thần chiến đấu quả cảm của nó vẫn tiếp tục tồn tại đến hôm nay. Tên của nó được đặt cho một một tàu đổ bộ tấn công hiện đại, USS Wasp (LHD-1), đang hỗ trợ các hoạt động hàng hải ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
“Chúng tôi hy vọng việc tìm thấy xác tàu đem lại cho những người sống sót và gia đình một sự gần gũi nào đó”, Colby Howard, thuyền trưởng USS Wasp (LHD-1) mới, cho biết trong một tuyên bố.