Hợp Tiến nằm ở phía Bắc của huyện Nam Sách, là mảnh đất đã có từ lâu đời. Nhiều di chỉ khảo cổ, hiện vật như: một ngôi mộ cổ, rìu đồng, một chiếc quan tài hình thuyền... được tìm thấy tại đây đã phần nào chứng minh cho điều đó. Không những vậy, từ bao đời nay, người dân xã Hợp Tiến luôn có một truyền thống yêu nước nồng nàn, một tinh thần đấu tranh bất khuất chống chế độ áp bức và kẻ thù xâm lược.
Vốn là vùng đất giày truyền thống văn hoá, Hợp Tiến còn có nhiều di tích cổ như: đình, chùa, miếu, nghè... Đây không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng mà còn là những công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, những di tích lịch sử văn hoá, cách mạng quan trọng của địa phương. Tiêu biểu như di tích lịch sử văn hoá Đình Đầu thuộc thôn Đầu Bến, xã Hợp Tiến.
Một phần cảnh vật trong di tích lịch sử Đình Đầu ở xã Hợp Tiến - nơi gắn với nhiều sự kiện lịch sử cách mạng quan trọng của tỉnh Hải Dương. |
Theo tìm hiểu, Đình Đầu thờ Thành hoàng làng Phật Minh Công chúa thời Trần. Nơi đây đã diễn ra và chứng kiến biết bao sự kiện lịch sử trọng đại của địa phương. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đình là cơ sở cách mạng của Chi bộ Đảng Tạ Xá.
Vào tháng 8/1940, Đình Đầu là nơi diễn ra sự kiện quan trọng - thành lập Đội tự vệ Tạ Xá để bảo vệ cơ quan của Đảng. Gầm sàn của Đình Đầu còn được trưng dụng thành nơi cất giấu vũ khí cho dân quân cách mạng. Sau khi giành được chính quyền, Đình Đầu đã trở thành trụ sở của chính quyền cách mạng xã Tạ Xá.
Trải qua hai cuộc kháng chiến, Đình Đầu đến nay vẫn được bảo tồn khá tốt. Đình nằm ở hướng nam, cạnh sân đình là một khuôn viên rộng, xung quanh có nhiều cây cổ thụ thoáng mát.
Kiến trúc ngôi đình theo kiểu chữ Đinh (T). Tiền tế 5 gian, rộng 18x9m. Hậu cung 3 gian rộng 6x7m. Đình có từ thời Lê Trung Hưng, được tôn tạo vào năm Khải Định nhị niên (tức năm 1917). Các mảng chạm khắc đều mang đặc trưng kiến trúc thời Nguyễn. Năm 1999 và năm 2010, đình đá được trùng tu, sửa chữa khang trang, đẹp đẽ và bề thế hơn.
Vào giữa tháng 2 Âm lịch hằng năm, nhân dân thường tổ chức lễ hội ở Đình Đầu rất sôi nổi, nhộn nhịp. |
Người dân xã Hợp Tiến tự hào cho biết, hằng năm, cứ đến ngày 12/2 Âm lịch, nhân dân thôn Đầu cũng như người dân trong xã Hợp Tiến lại nô nức tổ chức lễ hội truyền thống tại Đình Đầu, thu hút được khá đông du khách thập phương về lễ bái, chiêm ngưỡng.
Lễ hội truyền thống của cả 5 thôn trong xã Hợp Tiến diễn ra từ ngày 10-13/2 Âm lịch hằng năm. Nhân dân đi trảy hội tưng bừng với nhiều tiết mục trình diễn, mặc quần áo đặc sắc, nổi bật cùng những trò vui dân gian hoặc trổ tài làm bánh, du xuân tiêu biểu.
Với những giá trị lịch sử, văn hoá to lớn đó, ngày 21/1/1992, Đình Đầu của xã Hợp Tiến đã vinh dự được Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ra Quyết đinhh số 97 xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia.
Theo thời gian, cùng với sự phát triển của xã hội, Đình Đầu cũng như quê hương Hợp Tiến anh hùng cách mạng đã và đang trở thành điểm du lịch tâm lịch đầy thu hút cho những ai đam mê tìm hiểu, khám phá các giá trị lịch sử, cách mạng luôn trường tồn mãi với thời gian, trong tâm khảm của rất nhiều người.